Thứ Tư, 06/11/2013 10:15

“Trả lại tự do” cho thị trường vàng

Trả lại yếu tố thị trường cho vàng, nhưng trả lại theo cách nào đang là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các chuyên gia nghiên cứu.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã hết sứ mệnh lịch sử?

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và một loạt chính sách của NHNN thời gian qua đã có tác dụng to lớn trong việc thiết lập lại trật tự cho thị trường vàng. Thế nhưng, dường như nghị định này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Vàng cần được trả lại yếu tố thị trường

Theo tính toán của một số doanh nghiệp trong ngành, sau 68 phiên đấu thầu trong 7 tháng qua, NHNN đã tung ra thị trường khoảng 65 tấn vàng, tương đương 3 tỷ USD. Nhờ vậy, thị trường vàng đã dần đi vào ổn định.

Quan trọng hơn, vàng không còn khả năng gây bất ổn cho tỷ giá. Đây là điều kiện cần và đủ để NHNN trả lại tự do cho thị trường vàng, rảnh tay làm nhiệm vụ quản lý.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, việc NHNN thời gian qua đứng ra độc quyền nhập khẩu vàng là cần thiết nhằm khôi phục dự trữ ngoại tệ và để bóc tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Giờ đây, sứ mệnh đó của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã hoàn thành, nên cần trả vàng về cho thị trường, cho phép doanh nghiệp được xuất nhập khẩu vàng và NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát.

“Nếu NHNN đứng ra nhập khẩu và đấu thầu vàng, có nghĩa là NHNN là người phải gánh chịu rủi ro. NHNN không đáng bị rủi ro như vậy. Hơn nữa, nếu cho phép doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp, dẫn đến đầu cơ giảm, thị trường sẽ ổn định”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trước sau gì NHNN cũng sẽ phải chuyển chức năng kinh doanh vàng cho thị trường.

“Trao vàng cho thị trường là không thể tránh. NHNN không nên độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng. Nếu doanh nghiệp sản xuất thì không sao, nhưng NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng có nghĩa là NHNN xem vàng là tiền. Điều này rất nguy hiểm, cần tính toán lại”, ông Lịch nói.

Nên quản vàng như quản ngoại tệ

Trả lời báo chí, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng thời gian qua đã phát huy hiệu quả bình ổn thị trường và hiện chưa phải là thời điểm “buông” thị trường vàng miếng.

Dù vậy, nhiều nguồn tin cho hay, NHNN đang nghiên cứu giải pháp mới cho việc quản lý vàng, trong đó, sàn vàng là một trong những giải pháp được tính tới.

“Thành lập sàn vàng quốc gia là điều mà NHNN đang quan tâm. Việc xây dựng sàn vàng quốc gia sẽ tạo môi trường cho giao dịch lớn, đồng thời góp phần siết chặt việc kiểm soát thị trường. Theo tôi, NHNN nên giao một vài ngân hàng thương mại làm trụ cột để thành lập sàn vàng. Còn NHNN chỉ đứng ra quản lý và giám sát toàn bộ hoạt động này”, TS. Lê Xuân Nghĩa thông tin.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank cho rằng, thành lập sàn vàng là hướng đi tất yếu. Nhiều nước lạc hậu hơn Việt Nam cũng đã lập sàn vàng.

Trong khi ý kiến về thành lập sàn vàng chưa ngã ngũ, thì chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch lập luận rằng, lập sàn vàng hay không không quan trọng. Điều quan trọng nhất là quản lý vàng phải theo quan điểm: vàng là ngoại hối, do đó, cần quản lý vàng như quản lý ngoại tệ.

“Người dân được phép tích trữ ngoại tệ, nhưng không được phép sử dụng ngoại tệ để thanh toán. Đối với vàng cũng thế. Người mua vàng phải trình chứng minh thư, hộ chiếu; các ngân hàng, doanh nghiệp bán vàng phải ghi chép đầy đủ để báo về NHNN, để NHNN quản lý dòng vàng, giống như nhiều nước trên thế giới đang làm. Dĩ nhiên, quản lý vàng cách này ‘làm khó’ người mua vàng, nhưng đây là việc cần thiết vì vàng không phải là mặt hàng khuyến khích tiêu thụ. Một khi tiền đồng tăng giá, thị trường vàng sẽ mất sức hấp dẫn”, ông Lịch nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử -baodautu.vn, một lãnh đạo NHNN cho biết, cơ quan này đang đánh giá toàn diện lại thị trường vàng trước khi đưa ra những quy định mới. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2013 và đầu năm 2014, quản lý vàng sẽ chưa có nhiều thay đổi.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vàng trong nước giảm gần 100.000 đồng mỗi lượng (06/11/2013)

>   Giá vàng “trật tự” đi xuống… (06/11/2013)

>   Giá vàng thế giới tiếp tục suy yếu (05/11/2013)

>   Biên độ mua bán vàng co hẹp (05/11/2013)

>   Tín đồ vàng dự đoán giá lên 2.000 USD một ounce (04/11/2013)

>   Vàng SJC tiếp đà giảm giá (04/11/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Áp lực giảm đeo bám (03/11/2013)

>   Tham nhũng “chuộng” vàng! (03/11/2013)

>   Giá vàng xuống dưới 37 triệu đồng (02/11/2013)

>   Đông khách, vàng đấu thầu chỉ tồn 200 lượng (01/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật