Thứ Bảy, 02/11/2013 13:48

Soi tài sản sáng giá của Tập đoàn Đại Dương

Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) là một tập đoàn đa ngành, góp mặt đầu tư ở hầu hết các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ - khách sạn, dịch vụ tài chính, truyền thông, lương thực, thực phẩm, nông lâm sản. Tập đoàn cũng khá nổi tiếng trong các thương vụ M&A và thông qua đó trở thành chủ sở hữu của thương hiệu danh tiếng như Kem Tràng Tiền, bánh Givral hay những chuỗi khách sạn hạng sang nằm ở vị trí đắc địa.

Một số thương hiệu gắn liền với Tập đoàn Đại Dương

Trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và nông lâm sản, OGC đang sở hữu thương hiệu nổi tiếng như Kem Tràng Tiền, bánh Givral, hệ thống OceanMart; trong đó Kem Tràng Tiền và bánh Givral là hai thương hiệu thực phẩm nổi tiếng ở miền Bắc và Nam. Hệ thống Oceanmart là mạng lưới trung tâm thương mại được OGC triển khai từ tháng 9/2011, đến 12/2012 thì OGC đã khai trương trung tâm thương mại, siêu thị OceanMart Hà Đông và OceanMall Thăng Long.

Kế đến lĩnh vực tài chính, OGC sở hữu phần lớn cổ phần trong CTCP Chứng khoán Đại Dương (75%) và Ngân hàng Đại Dương (20%). Trong lĩnh vực dịch vụ - khách sạn, OCG đầu tư thông qua công ty con là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (75% vốn góp), nổi bật với chuỗi khách sạn mang tên StarCity Hotel và Sunrise. Hiện vốn điều lệ của OCS, OceanbankOCH lần lượt 300 tỷ đồng, 5,350 tỷ đồng và 2,000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực truyền thông có thể kể đến CTCP Truyền thông Đại Dương (OMC) với tỷ lệ sở hữu 75% trên số vốn điều lệ 40 tỷ đồng. OMC là đối tác sản xuất và khai thác các kênh truyền hình chuyên biệt đầu tiên về kinh tế - tài chính INFOTV. Cùng với đó, OGC còn sở hữu kênh TVShopping là kênh mua sắm đầu tiên trên sóng truyền hình tại Việt Nam.

Cuối cùng, một lĩnh vực khá mới là tài nguyên rừng, tập đoàn Đại Dương đầu tư thông qua thành lập CTCP Phát triển tài nguyên thiên nhiên Đại Dương (ORC) vào tháng 10/2011 với mục đích tập trung phát triển các dự án trồng rừng sản xuất, khai thác và xuất khẩu quặng, khí đốt với quy mô lớn trên phạm vi cả nước.

Kem Tràng Tiền – nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô

Kem Tràng Tiền là thương hiệu kem nổi tiếng ra đời từ năm 1958 và đến nay đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Đơn vị sản xuất ra sản phẩm kem này chính là CTCP Kem Tràng Tiền. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2000 gắn liền với câu chuyện bị thôn tính bởi một nhóm cổ đông có tiềm năng tài chính mạnh. Theo những thông tin được đăng trên báo chí, nhóm cổ đông này đã bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều so với định giá (3.2 tỷ đồng) để thu gom cổ phiếu. Việc sở hữu CTCP Kem Tràng Tiền ngoài thương hiệu kem nổi tiếng còn có lô đất vàng 1,500m2 tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội, ngay sát Hồ Gươm.

Lô đất vàng 35 Tràng tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cho đến hiện nay, theo thông tin đăng ký trên tổng cục thuế, người đứng tên đối với công ty Kem Tràng Tiền là ông Hà Trọng Nam, nhân vật này là anh trai của ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương). Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của CTCP Khách sạn và DV Đại Dương (HNX: OCH) - công ty con của tập đoàn Đại Dương, có ghi nhận khoản phải thu liên quan đến ông Hà Trọng Nam từ năm 2010 lên đến 500 tỷ đồng. Đây là khoản ứng trước cho ông Nam theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 2510/2010/HĐ-CNCP ngày 25/10/2010 về việc công ty nhận chuyển nhượng 634,700 cp của CTCP Tràng Tiền, ứng với 99.17% vốn điều lệ, từ nhóm cổ đông bao gồm bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Hà Văn Thắm và ông Hà Trọng Nam (các bên liên quan của công ty). Cả 3 nhân vật này đều là cổ đông sáng lập của chính CTCP Khách sạn và DV Đại Dương.

Bánh kem Givral – đẳng cấp Sài Thành

Nếu như Kem Tràng Tiền là thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội thì bánh Givral lại là thương hiệu bánh kem từng làm mưa làm gió tại Sài Gòn. Bánh Givral ra đời từ năm 1950 theo phong cách Pháp. Từ khi ra đời cho đến trước giải phóng, bánh Givral đã nhanh chóng trở thành thương hiệu bánh dành cho giới thượng lưu, quan chức và những người nổi tiếng ở đất Sài Thành này. Trong thời hoàng kim của mình, những bữa tiệc, đám cưới lớn nhất thành phố tại các cửa hàng, khách sạn đều đặt bánh làm từ Givral.

Tuy nhiên, theo thời gian, Givral không còn giữ được nét đặc trưng và hương vị riêng. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với sản phẩm Givral và thương hiệu bánh nức tiếng một thời này dường như rơi vào quên lãng.

Đến năm 2004, CTCP Sài Gòn Givral được thành lập với ngành kinh doanh chính là sản xuất các loại bánh tươi cao cấp như bánh kem, bánh sinh nhật, bánh giáng sinh…và ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Công ty đã tìm tòi để có thể sản xuất những sản phẩm mang hương vị đặc trưng riêng của dòng bánh Givral cao cấp khi xưa và từ đây người Sài Gòn lại được nhìn thấy các cửa hàng bày bán sản phẩm bánh kem Givral.

Các sản phẩm mang thương hiệu Givral

Không thể bỏ qua thương hiệu bánh kem nổi tiếng này, OCH thực hiện góp vốn và bắt đầu nắm quyền kiểm soát CTCP Sài Gòn Givral với tỷ lệ sở hữu 96.54% kể từ giữa năm 2009. Tuy nhiên, theo BCTC soát xét 6 tháng 2013 thì CTCP Sài Gòn Givral không còn là công ty con của OCH và toàn bộ cổ phần cũng đã được chuyển nhượng xong. Dù vậy điều này không có nghĩa là OCH không còn sở hữu thương hiệu bánh kem Givral bởi trong danh sách công ty con của OCH lại xuất hiện một cái tên mới, CTCP Bánh Givral. Công ty này được thành lập từ cuối năm 2011 với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, cổ đông lớn góp vốn chiếm đến 98% chính là OCH. Lĩnh vực kinh doanh chính của CTCP Bánh Givral là sản xuất, kinh doanh các loại bánh từ bột, cacao, socola, mứt kẹo, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Được biết, trước đó OCH nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Bánh Givral từ các cá nhân quen thuộc là ông Hồ Vĩnh Hoàng (cổ đông sáng lập OCH) 1.1 triệu cp, bà Nguyễn Thị Thu Hà (cháu ông Hà Văn Thắm) 300 ngàn cp và bà Bùi Thị Cẩm Vân 1.47 triệu đơn vị.

Kết quả đạt được từ việc đầu tư vào CTCP Bánh Givral là không thể phủ nhận khi năm 2012, thương hiệu Givral đóng góp tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của OCH, ứng với 40.2% tổng doanh thu.

Tính đến cuối năm 2013, thương hiệu thực phẩm bánh Givral đã mở tổng cộng 27 cửa hàng trên toàn quốc, bên cạnh đó, còn xây dựng chuỗi Cafe Givral tại các trung tâm thương mại, sảnh khách sạn và chuỗi siêu thị của Ocean Mart.

Chuỗi khách sạn StarCity và Sunrise

Không nổi đình nổi đám bằng hai thương hiệu trên, trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, tập đoàn Đại Dương đang xây dựng hai thương hiệu khách sạn chủ đạo là chuỗi khách sạn StarCity tiêu chuẩn 4 sao và chuỗi khách sạn Sunrise tiêu chuẩn 5 sao thông qua công ty con OCH.

Chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng StarCity được OCH khởi động từ năm 2010. Theo kế hoạch, công ty sẽ thực hiện 5 dự án lớn về khách sạn và khu nghỉ dưỡng là khu nghỉ dưỡng quốc tế 4 sao Novotel StarCity Hoi An và chuỗi khách sạn quốc tế tiêu chuẩn 4 và 5 sao tại các thành phố trọng điểm là StarCity Nha Trang, StarCity Westlake Hanoi, StarCity Airport và StarCity Saigon.

Được biết, Novotel StarCity Hoi An Resort được quản lý bởi Tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng thế giới Accor, mang thương hiệu Novotel và Starcity. Chủ đầu tư là CTCP Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư (IOC), công ty con của OCH với tỷ lệ sở hữu 74% vốn.

Khách sạn StarCity Westlake Hanoi do CTCP Viptour – Togi làm chủ đầu tư. Vào cuối năm 2009, OCH đã lần lượt mua 10% phần vốn góp của công ty TNHH Togi Việt Nam và 70% phần vốn góp của công ty TNHH Euro Metal Cans Hodling CO.,PTE.,LTD, cả hai cùng là thành viên sáng lập của Viptour – Togi.

Khách sạn Starcity Nha Trang do công ty TNHH Thương mại Du lịch và Đầu tư Phát triển làm chủ đầu tư. Sau đó công ty này chuyển 90% vốn góp vào dự án cho tập đoàn Đại Dương. Đến cuối năm 2010, OGC chuyển lại cho CTCP Khách sạn vŕ Dịch vụ Đại Dương.

Trong chuỗi khách sạn này, StarCity Saigon là khách sạn đầu tiên hoạt động vào 12/01/2011 với tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 35 triệu USD. Tiếp đó, cũng trong năm này vào ngày 15/08, OCH mở rộng chuỗi khách sạn với thành viên mới là StarCity Phương Đông Hotel tại thành phố Vinh. Các khách sạn còn lại, nếu theo đúng kế hoạch thì sẽ hoàn thành trong năm 2014 và 2015.

Hình ảnh StarCity Saigon, Novotel StarCity Hoi An Resort và StarCity Nha Trang

Với thương hiệu khách sạn Sunrise tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, Sunrise Nha Trang Beach Hotel và Spa là đích nhắm đầu tiên của OCH. Vào tháng 5/2011, OCH trở thành cổ đông lớn nhất tại CTCP Tân Việt với tỷ lệ góp vốn 40.9%, công ty này chính là chủ sở hữu khách sạn Sunrise Nha Trang Beach Hotel và Spa.

Vào năm 2012, một khu nghỉ dưỡng cao cấp khác trong chuỗi này là Sunrise Hoi An Beach Resort chính thức đưa vào khai thác, đây là Resort đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với 222 phòng nghỉ và căn biệt thự hướng ra biển.

Trần Việt

Công lý

Các tin tức khác

>   Bibica: 9 tháng lãi ròng 15.7 tỷ, chưa được phân nửa kế hoạch năm (02/11/2013)

>   Doanh nghiệp dồn sức cho quý IV (02/11/2013)

>   Vinashin vẫn đau đáu khoản lãi 1 triệu đô/ngày (02/11/2013)

>   BTT: BCTC HN Q3-2013 (01/11/2013)

>   VNM: BCTC RIÊNG và HN SX 9 tháng 2013 (01/11/2013)

>   TRC: Lợi nhuận quý 3 giảm hơn 57% so với cùng kỳ (01/11/2013)

>   PTL: BCTC RIÊNG Q3-2013 (01/11/2013)

>   PTL: 9 tháng lỗ hơn 66.7 tỷ đồng (02/11/2013)

>   PJT: BCTC CTY MẸ Q3-2013 (01/11/2013)

>   PJT: Lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ so với cùng kỳ (04/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật