Quy định mới quản hơn 1 triệu người bán hàng đa cấp
Sắp ra Nghị định mới với những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp - thông tin được đưa ra tại “Tọa đàm về Báo chí - Truyền thông trong ngành bán hàng đa cấp” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 22/11.
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí trên cả nước và các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, bán hàng đa cấp là một trong những loại hình kinh doanh mới.
Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình kinh doanh mới
|
Chính sự mới mẻ của lĩnh vực này tại Việt Nam và sự xuất hiện đồng thời của những biến tướng như bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp trong thời gian qua đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực của công luận đối với lĩnh vực bán hàng trực tiếp – đa cấp.
Trong khi đó, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho hay, từ khi được áp dụng và công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam, trong gần 11 năm vừa qua hoạt động bán hàng đa cấp đã có những bước tiến đáng kể từ khi có Nghị định 110/NĐ-CP/2005.
Đến nay, đã có 96 công ty Việt Nam, và nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có 26 công ty đã chấm dứt và tạm ngừng hoạt động, và 05 công ty bị rút giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp.
Các công ty thường được thành lập ở Việt Nam theo cách liên kết với đối tác nước ngoài, thành lập doanh nghiệp trong nước hoặc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 4.000 sản phẩm.
Một trong những vấn đề được đặt ra thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại buổi Tọa đàm này chính là việc làm thế nào phân biệt giữa loại hình bán hàng đa cấp với mô hình kinh doanh kim tự tháp.
Về vấn đề này, ông Joseph N.Mariano, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng trực tiếp Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tuân thủ Đạo đức, Liên đoàn các Hiệp hội Bán hàng trực tiếp thế giới cho rằng, “khác biệt cơ bản của bán hàng đa cấp chân chính với mô hình kim tự tháp là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch.
Thêm vào đó, các công ty này có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng cũng rõ ràng, minh bạch và không bán được hàng bằng mọi giá.
Trong khi đó, mô hình kim tự tháp chủ yếu xây dựng mạng lưới và khai thác từ chính các thành viên; Thực hiện quảng bá vô tội vạ và không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được chào bán…
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, để minh bạch hóa hoạt động này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chân chính hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành xây dựng, lấy ý kiến của các địa phương và hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý về ngành hàng này. Hiện dự thảo đã được chuyển qua Bộ tư pháp xem xét, trình lên Chính phủ phê duyệt.
Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2013 đầu năm 2014 sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 110/NĐ-CP/2005. Và Nghị định mới sẽ có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp.
* Theo thống kê của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, số lượng các Công ty đa cấp được phân bổ ở Hà Nội 47 công ty, TP.HCM 42 Công ty, Đồng Nai 2 Công ty, Bình Dương 1 Công ty, Hải Dương 1 Công ty, Hải Phòng 1 Công ty, Quảng Ninh 1 Công ty, Bắc Giang 1 Công ty.
* Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đến hết năm 2012 đã hơn 1 triệu người và tổng doanh số đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đóng góp gần 600 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước và đóng góp cho hoạt động từ thiện trong giai đoạn 2005 - 2012 khoảng 25 tỷ đồng. |
Bảo Tân
hải quan
|