Qui định mới về vốn tại khu vực euro làm giảm nguồn vốn cho vay
Để thực hiện qui định mới về vốn do Liên minh châu Âu thông qua ngày 17/7/2013 và bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2014 với tỉ lệ nguồn vốn cấp 1 và cấp 2 lên đến 10,5%, các ngân hàng châu Âu đang gấp rút điều chỉnh bảng cân đối tài sản, gây tác động không nhỏ đến khả năng mở rộng tín dụng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Theo tính toán của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland), các ngân hàng lớn tại khu vực đồng tiền chung euro sẽ phải giảm thêm khoảng 2.600 tỉ euro từ bảng cân đối kế toán, sau khi đã cắt giảm 3.500 tỉ euro trong thời gian từ tháng 5/2012 đến nay. Mặc dù phải điều chỉnh giảm bảng cân đối tài sản, các ngân hàng trong khu vực euro vẫn đứng đầu thế giới về qui mô tài sản. Tính đến tháng 9/2013, tổng tài sản của các ngân hàng hàng đầu khu vực euro là 31.300 tỉ euro.
Theo dữ liệu của NHTW châu Âu (ECB), kể từ tháng 11/2011 đến nay, tín dụng đối với nền kinh tế giảm 361 tỉ euro (tương đương 7,5%), tập trung vào thời gian từ tháng 5/2012 đến nay (giảm tới 308 tỉ euro, tương đương 6,5%). Cũng từ giữa năm 2012, qui định khắt khe về vốn đã khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện cho vay, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các nước euro, nhất là tại các nước ngoại vi, riêng dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp Tại Tây Ban Nha giảm 22% xuống 651 tỉ euro.
Tuy nhiên, khu vực SME vẫn là đối tượng chịu tổn thương trầm trọng nhất, ảnh hưởng xấu đến tốc độ phục hồi kinh tế vốn rất yếu ớt sau khủng hoảng và suy thoái kéo dài. Trong hoạt động cho vay, tín dụng đối với khu vực SME thường có mức độ rủi ro cao, buộc các ngân hàng phải tăng tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, thiếu thông tin chính xác về năng lực trả nợ vẫn là rào cản lớn nhất, nên rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Trong khi tín dụng đối với các doanh nghiệp giảm mạnh, các ngân hàng lại bị kẹt vốn do nắm giữ quá nhiều trái phiếu chính phủ. Đầu tư mua trái phiếu chính phủ là loại hình tín dụng an toàn, nhưng các ngân hàng đang đối mặt với rủi ro lớn nhất sau khủng hoảng do các chính phủ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Chưa hết, số lượng doanh nghiệp gia tăng cũng làm tăng lượng trái phiếu phát hành lên con số kỷ lục 325,2 tỉ euro, dẫn đến sự phân nhánh ngày càng rõ rệt trong khu vực doanh nghiệp thành nhóm có khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính và nhóm lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), Trong 5 năm qua, các khoản cho vay mới đối với khu vực SME tại các nước ngoại vi khu vực euro giảm tới 50% do lãi suất cho vay cao gấp 3 lần so với các doanh nghiệp cùng loại tại CHLB Đức, trầm trọng nhất là tại Ireland với mức cho vay mới giảm tới 82%. Đối với những khoản vay dưới 1 triệu euro, các SME tại CHLB Đức chỉ phải vay với lãi suất 3%/năm, trái lại những doanh nghiệp cùng loại tại Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia phải vay với lãi suất tới 4,5-6,5%, cá biệt có doanh nghiệp phải vay với lãi suất 7-9%
Khu vực SME tạo ra khoảng 2/3 việc làm cho người lao động và hoạt động của khu vực doanh nghiệp này ảnh hưởng quyết định đến sự sống còn của khu vực euro, nhưng lãi suất cao và điều kiện cho vay khắt khe đã ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế của khu vực này. Tín dụng suy giảm đang gây tác động trực tiếp trên thị trường lao động, làm tăng thêm đội quân thất nghiệp vốn đang chiếm 12,2% trong khu vực euro, trên 25% tại Hy lạp và Tây Ban Nha.
Trong 5 năm qua, tăng trưởng tín dụng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giảm lần lượt là 66% và 45%, ngay đến nền kinh tế được cho là tương đối lành mạnh là Italia cũng chịu mức suy giảm 21%. Do các ngân hàng châu Âu thường có các chi nhánh rải khắp khu vực euro, nên khó khăn về nguồn vốn cho vay cũng ảnh hưởng đến các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Trong đó, các khoản cho vay mới đối với khu vực SME tại Cộng hòa Pháp và Vương quốc Hà Lan giảm lần lượt 37% và 32%.
Quang Hải – (Bloomberg, WS Journal)
sbv
|