Nhìn lại sức khỏe DN 5 năm sau khủng hoảng
Chuyên gia Kinh tế Bùi Văn cho rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ là những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tại buổi phát động giải thưởng “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp” do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức chiều 07/11, ông Bùi Văn phân tích, 5 năm sau cuộc khủng khoảng kể từ 2008, GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, từ mức 6.31% xuống còn 5.1% tại 9 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, lạm phát từ mức đỉnh 23.12% đã dần được kiểm soát, còn 6.3%. Xuất nhập khẩu đã phục hồi đáng kể chủ yếu nhờ khu vực FDI.
Câu hỏi đặt ra, liệu có phải 2012 là năm tồi tệ nhất? Khi cuối năm 2009 gói kích cầu ưu đãi của Chính phủ gồm hỗ trợ lãi suất 4%, các khoản ứng vốn, chuyển vốn, bổ sung trái phiếu chính phủ, miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng… khoảng 160,000 tỷ đồng chấm dứt; rồi cuối năm 2011, Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư được ban hành… điều này khiến tín dụng sụt giảm nhanh chóng và nợ xấu bung ra, doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi?
Theo thống kê, đến tháng 9/2013, có tới 201,472 doanh nghiệp kê khai lỗ, chiếm 65.8% tổng số doanh nghiệp kê khai thuế, tổng giá trị lỗ lên tới 50,400 tỷ đồng. Tuy số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đang có xu hướng chậm lại nhưng vẫn rất cao. Cụ thể, năm 2011 ở mức 53,922 doanh nghiệp (DN) thì 2012 ở mức 54,261 DN và 9 tháng 2013 là 42,460 DN.
Biểu đồ tăng trưởng Tín dụng và CPI
Nguồn SBV & GSO
|
Hiệu quả hoạt động cũng theo đó mà đi xuống khi ROA của DN giảm từ 6.4% trong năm 2002 xuống còn 3.6% năm 2010. Khả năng trả lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp cũng giảm từ 5 lần (2009) xuống còn 3.5 lần (2011). Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ về lao động, tuy quy mô vốn có tăng lên nhưng tính theo giá trị thực thì gần như không thay đổi.
Vốn cho DN giảm
Tăng trưởng GDP
Lạm phát
Với bức tranh kinh tế ảm đạm đó, theo ông Văn vẫn có những triển vọng trong thời gian tới khi mà PMI ngành sản xuất tăng dần và đạt 51.5 vào tháng 9/2013 cho thấy dấu hiệu phục hồi ngành sản xuất.
Đồng thời, việc tái cấu trúc nền kinh tế gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ là những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại đang đàm phán như khu vực Mậu dịch tự do Việt Nam – châu Âu, Hiệp định TPP, Asean+6 và cộng đồng kinh tế Đông Nam Á hay việc cơ cấu lại thương mại với Trung Quốc cũng là những tín hiệu tốt cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với việc cơ cấu lại nền kinh tế theo chiều sâu và các giải pháp dài hạn thì đến cuối năm 2015 có thể ổn định kinh tế.
Thanh Nụ ghi
Công Lý
|