Thứ Hai, 25/11/2013 22:47

Luật Xây dựng nhìn từ các “nghị sỹ” doanh nhân

Sáng 25/11, phần thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) ghi nhận nhiều tiếng nói đáng chú ý từ các đại biểu là doanh nhân, những người đã và đang có nhiều trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tuy nhiên, những trải nghiệm trước đó với tư cách lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng được các đại biểu quan tâm

Phát biểu của đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) được khá nhiều đại biểu để ý. Sau những lùm xùm gần đây tại dự án B5 Cầu Diễn, nhiều người muốn biết quan điểm của đại biểu này như thế nào trong một vấn đề khá nhạy cảm là quản lý đầu tư xây dựng và đất đai.

Theo bà Nga, “từ những tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý đầu tư xây dựng”, dự thảo luật quy định đối tượng có thể là chủ đầu tư đối với dự án có nguồn vốn ngân sách là “khá mở”.

“Hiện nay, hiện tượng nở rộ nhiều cơ quan quản lý là chủ đầu tư, điều này e ngại dẫn đến nhiều chủ đầu tư quá yếu cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn tổ chức quản lý đầu tư xây dựng dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cấp quyết định đầu tư luôn ở trong tình trạng bị động, thậm chí bất lực khi xử lý các tình trạng công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, đội giá thành”, bà nói.

Trong khi đó, đối với nhóm dự án do doanh nghiệp đầu tư có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, những năm gần đây do điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu đầu tư đã xuất hiện nhiều những loại hình dự án do doanh nghiệp đầu tư nhưng sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc tỷ trọng vốn nhà nước chiếm đa số.

“Về bản chất đây là các dự án sử dụng ngân sách của nhà nước nhưng đã được biến thể thông qua các chủ đầu tư là doanh nghiệp với theo các hình thức BOT, PPP hoặc BT... nên mức độ quản lý giám sát của các cơ quan chức năng đều bị giảm đáng kể qua các hình thức từ các khâu thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán đến quản lý trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng”, bà nói tiếp.

Đặc biệt, đối với nhóm các dự án sử dụng nguồn vốn khác bao gồm nguồn vốn tư nhân, trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với loại hình này cần “tập trung về việc giám sát đảm bảo sự phù hợp về quy hoạch môi trường, công năng của dự án được cấp phép xây dựng và đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, vẫn theo đại biểu Châu Thị Thu Nga.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tuy nhiên, những trải nghiệm trước đó với tư cách lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng được các đại biểu quan tâm.

Ông Nam cho rằng đối với nội dung liên quan các lĩnh vực khác như vốn đầu tư quy hoạch, bồi hoàn giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản... dù hiện nay vẫn còn bất cập chưa phù hợp với thực tiễn nhưng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung ở các luật chuyên ngành có liên quan như Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật quy hoạch đô thị, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản..., không nên đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi).

“Đối với những nội dung đã được kiểm chứng thực tiễn và phù hợp với quy định bổ sung vào luật, còn những nội dung chưa áp dụng là những nội dung còn bất cập thực tiễn, nếu nâng lên thành luật sẽ gây khó khăn và không đảm bảo tính khả thi”, ông Nam nói.

Ông cũng cho rằng không nên đưa chương 2 về quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng vì có phạm vi trùng lắp với Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. “Về bản chất xây dựng là thực thi quy hoạch, nếu Luật quy hoạch hiện hành chưa bao quát hết những lĩnh vực quy hoạch như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu dân cư... thì nên hoàn thiện quy hoạch. Còn Luật Xây dựng chỉ nên áp dụng chế định quá trình xây dựng trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng”, ông phân tích.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức, đầu tư xây dựng là một lĩnh vực lớn, chiếm tới 70% tổng đầu tư của xã hội. Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này của Chính phủ trình Quốc hội theo tôi đã giải quyết được cơ bản một số vấn đề mâu thuẫn các chồng chéo cũng như bảo đảm được sự thống nhất của giữa các luật, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và một số đạo luật liên quan khác.

Tuy nhiên, ông Bảo lưu ý rằng hiện tại, hoạt động đầu tư xây dựng là một trong những lĩnh vực hoạt động rất nhiều thành phần kinh tế tham gia, theo nhiều lĩnh vực hoạt động, ví dụ hình thức BT, BOT, BTO, PPP…, nên cần phân loại và cấp công trình để quản lý nhà nước mới có hiệu quả.

“Chúng ta đang có những dự án đầu tư rất lớn, rất hiện đại, rất quy mô, nhưng do chúng ta không phân rõ chức năng quản lý nhà nước về cấp và loại công trình dẫn đến hiện nay có nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, cũng như các hội thảo về các chương trình nhà ở, về quản lý phát triển không gian đô thị chúng ta đang còn nhiều bức xúc”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thép Việt Nhật, dự thảo lần này có “một bước đột phá trong sửa đổi” vì đã điều chỉnh đến yếu tố quản lý đầu tư cụ thể trong xây dựng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tránh thất thoát, tránh được hạn chế và chỉ đơn thuần xây dựng một công trình mà không quản lý đến hiệu quả đầu tư, mức đầu tư trong đầu tư xây dựng, ở trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng công trình như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý rằng hiện nay vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa cụ thể hóa trong việc kiểm soát công tác thực hiện đầu tư xây dựng, từ khâu khảo sát thiết kế thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

“Cùng với việc tinh giảm bộ máy nhà nước, giảm bớt tổ chức thanh tra xây dựng ở cấp huyện thì việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng xem ra lại có khoảng trống. Chúng ta lại không dễ dàng gì khi muốn phá dỡ một công trình do chất lượng kém, do hiệu quả kém. Vì vậy tôi đồng tình với ban soạn thảo tăng cường khâu tiền kiểm”, ông Bình đề xuất.

Anh Minh

vneconomy

Các tin tức khác

>   Bất động sản trong “tầm ngắm” mới của khối ngoại (25/11/2013)

>   Đại gia Phương Nam giao hàng chục nghìn m2 đất cho con (25/11/2013)

>   Hà Nội chưa thu hồi được 2 khu đất vàng (24/11/2013)

>   Nửa năm bơm 300 tỷ: 'Giải cứu' BĐS trong mơ? (24/11/2013)

>   Nhà ở xã hội được bán lại sau 5 năm (24/11/2013)

>   Dành 3% dư nợ tín dụng cho vay phát triển nhà xã hội (23/11/2013)

>   Thị trường địa ốc trước “thời cơ” cuối năm (22/11/2013)

>   Bất động sản Đà Nẵng cải thiện tốc độ bán hàng (22/11/2013)

>   TP Hồ Chí Minh tồn kho hơn 10.000 căn hộ chung cư (21/11/2013)

>   Hà Nội đổi gần 500 ha đất lấy dự án nghìn tỷ (21/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật