Thứ Tư, 27/11/2013 17:38

Kiểm soát tài sản người có chức quyền: 2014 ra hướng dẫn chi tiết

Với 425 đại biểu tán thành, 6 vị không tán thành và 10 vị không biểu quyết, chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Tại đây, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, trong đó, đáng chú ý là yêu cầu Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong năm 2014.

Trách nhiệm người đứng đầu

Theo đánh giá của Quốc hội thì tình hình tội phạm, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Tại nghị quyết, thêm một lần Quốc hội khẳng định, người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước được yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc được thanh tra, kiểm toán, xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật các trường hợp rõ ràng có dấu hiệu tội phạm, sau đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện bỏ lọt tội phạm và khởi tố, xử lý hình sự, nghị quyết nêu rõ.

Với cơ quan điều tra, Quốc hội lưu ý việc bảo đảm thời hạn điều tra theo luật định các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Hằng năm, phấn đấu tăng tỷ lệ phát hiện, khám phá loại án này và các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, kịp thời xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt.

Còn với Tòa án Nhân dân Tối cao, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước.

Hàng năm, Tòa án Nhân dân Tối cao phải báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình quyết định hình phạt, áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng ở tòa án các cấp cũng là nội dung được nêu tại nghị quyết.

Đáng chú ý là, không chỉ ghi rõ hàng năm Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, mà Quốc hội còn yêu cầu phải nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt.

Cũng trong năm 2014, Chính phủ được yêu cầu ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng…

Tăng cường chống oan sai

Đáng chú ý, nghị quyết cũng yêu cầu giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng.

Nghị quyết nêu rõ, người đứng đầu chính quyền và cơ quan công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; không để xảy ra tội phạm lộng hành; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận.

Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội…

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong suốt quá trình tố tụng; chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chống lạm dụng việc bắt khẩn cấp, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm cũng được nghị quyết nhấn mạnh với tòa án các cấp.

Nguyễn Lê

vneconomy

Các tin tức khác

>   Nguyên Tổng giám đốc Vifon lãnh án 22 năm tù (27/11/2013)

>   Phải kê khai tài sản có biến động từ 50 triệu đồng trở lên (27/11/2013)

>   Cao tốc Trung Lương bán quyền thu phí hơn 2.000 tỷ đồng (27/11/2013)

>   Doanh nghiệp nước ngoài thuê đất “lụi” (27/11/2013)

>   Sếp tập đoàn nhà nước hết thời ăn lương ‘khủng’ (27/11/2013)

>   Thu hồi dự án của nhà đầu tư có chứng thư rởm 350 tỷ USD (26/11/2013)

>   Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi có bảo lãnh trốn nợ? (26/11/2013)

>   Thủ tướng sẽ quyết việc chọn thầu trong trường hợp đặc biệt (26/11/2013)

>   Trung Quốc tính lập vùng phòng không trên Biển Đông (26/11/2013)

>   ‘Lọt lưới’ gần 230 kg ma túy: Khâu kiểm soát của Hải quan Tân Sơn Nhất có vấn đề? (26/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật