Thứ Năm, 14/11/2013 14:17

Kịch bản của Fecon?

Khoảng 6 tháng qua, FCN (CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon) là một trong những CP tích cực nhất trên thị trường với một loạt hoạt động như phát hành CP để tăng vốn, công bố kết quả kinh doanh khả quan, có những động thái tương tác với NĐT... Nhưng càng về sau, người ta lại thấy những chuyện rất "lạ" nhưng cũng rất “quen” tại CP này.

6 tháng đầu năm 2013, doanh thu thuần của FCN đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng giai đoạn của năm 2012, lợi nhuận (LN) sau thuế đạt gần 64 tỷ đồng, tăng gần 30% so với 6 tháng đầu năm trước. Nguyên nhân tạo nên những kết quả tích cực này do FCN đã hoàn thành tiến độ thi công các dự án lớn như Nhiệt điện Thái Bình 2, Formosa Hà Tĩnh...

Bên cạnh đó, FCN cũng được hưởng lợi nhờ chi phí lãi vay giảm, đồng thời công ty cắt giảm những chi phí không cần thiết, chẳng hạn chi phí quản lý doanh nghiệp. Kể từ tháng 5, FCN dần biến thành một CP "hot" trên TTCK khi gia tăng cả về thanh khoản lẫn thị giá. Từ mức hơn 16.000 đồng/CP, FCN đã tăng lên hơn 23.000 đồng/CP vào cuối tháng 6, sau đó dao động quanh mốc 20.000 đồng/CP và KLGD mỗi phiên lên đến vài trăm ngàn CP.

Với đặc thù hoạt động là nhà thầu xây dựng, cũng như trong phạm vi cho phép của công tác kế toán thì cứ giả định FCN và FCM có thể cân nhắc việc hạch toán sao cho có lợi nhất cho mình cũng là điều... bình thường. Vấn đề là FCN và FCM có lợi, nhưng các cổ đông khác có lợi hay không còn phải chờ.

Tháng 7-2013, FCN công bố ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức năm 2012 bằng CP (với tỷ lệ 5:1) và quyền mua chứng khoán phát hành thêm (tỷ lệ 5:6 với mệnh giá 10.000 đồng/CP) ngày 12-8.

Sau ngày chốt, giá của FCN được điều chỉnh lại từ mức 20.000 đồng/CP xuống còn hơn 14.000 đồng/CP và đi ngang trong một thời gian trước khi tiếp tục tăng giá trở lại vào tháng 10 lên mức 18.000 đồng/CP. Từ mức vốn điều lệ khoảng 166 tỷ đồng, sau khi phát hành 23,1 triệu CP, vốn điều lệ của FCN đã tăng lên 397 tỷ đồng.

Số CP mới phát hành cũng đã được FCN đưa lên niêm yết vào ngày 21-10. Điểm qua những nét chính, có thể thấy FCN đã hội tụ đủ những điều kiện quá lý tưởng cho đợt phát hành như kinh doanh hiệu quả, ra tin tốt, CP tăng thanh khoản, phát hành CP xong, giá lại tiếp tục tăng và tăng cho đến khi CP mới niêm yết.

Nhưng ở đây cũng xuất hiện những vấn đề rất đáng suy nghĩ. Trong thời gian chuyển nhượng quyền mua CP phát hành thêm của FCN từ ngày 15-8 đến 26-8, một loạt cổ đông nội bộ của FCN từ HĐQT đến ban kiểm soát, rồi tổng giám đốc, kế toán trưởng rao bán quyền mua.

Một công ty phát hành mà cổ đông nội bộ không mua hết lại đem chào bán quyền mua có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ: Cổ đông nội bộ không đủ tiền, muốn giảm tỷ lệ sở hữu hay còn nguyên nhân nào khác? Nhưng đó chưa phải là chi tiết đáng chú ý nhất. Khi FCN công bố BCTC quý II-2013 cũng như KQKD 6 tháng, người ta nhìn thấy khí thế "vũ bão" của công ty trong hoạt động, nhưng đến khi BCTC quý III-2013 xuất hiện, không ít người đã phải chưng hửng.

Doanh thu quý III-2013 của FCN chỉ đạt 88 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng, tương đương 42% so với cùng kỳ năm trước, LN sau thuế chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, chỉ bằng gần phân nửa so với quý III-2012. FCN cho biết, trong quý vừa rồi tình hình thực hiện một số dự án và quá trình nghiệm thu không đúng theo kế hoạch, dẫn tới việc chưa thể kết chuyển vào doanh thu trong quý III.

Trong tháng 10, các cổ đông nội bộ cũng như người có liên quan của FCN cũng đăng ký và bán ra CP. Điều này lại gợi ra một mô týp: Phát hành xong CP bên ngoài, huy động được vốn, lại công bố KQKD không thuận lợi, cổ đông lớn bán ra. Nhẩm tính cổ đông nội bộ của FCN nếu mua với giá ban đầu 10.000 đồng/CP thì với mức giá tầm 16.000-17.000 đồng/CP như hiện nay bán kiểu gì cũng có lãi.

Chưa dừng lại ở đó, kịch tính còn xuất hiện tại Công ty Khoáng sản Fecon (FCM), một đơn vị FCN nắm hơn 30% cổ phần. FCM mới chào sàn HOSE hồi tháng 5 vừa rồi và cũng công bố KQKD ban đầu rất ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2013, FCM đạt doanh thu 233 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012, LN sau thuế đạt gần 22 tỷ đồng, còn cao hơn LN cả năm 2012 mà FCM đạt được (gần 18 tỷ đồng).

Tuy nhiên, giá của FCM trên sàn lại cứ... giảm dần đều, từ 19.000 đồng/CP xuống 10.000 đồng/CP rồi đến giờ chỉ hơn 8.000 đồng/CP. Đau đầu hơn nữa là quý III vừa rồi, FCM báo lỗ hơn 5 tỷ đồng. Có thể nói là những ai mua FCM từ quý II, kỳ vọng công ty sẽ có những kết quả tích cực, hoặc cũng được hưởng lợi từ những thuận lợi của cổ đông lớn FCN sẽ thất vọng... toàn tập. FCN phần nào bị chững lại, còn FCM thì... thụt lùi.

Chuyện doanh nghiệp thua lỗ trong giai đoạn khó khăn hiện nay là rất bình thường. Bản thân FCN và FCM cũng đã cho thấy những nét tích cực trong hoạt động và sau 9 tháng các công ty này vẫn có lợi nhuận chứ không hề thua lỗ. Nhưng vấn đề ở đây là sự thiếu ổn định trong KQKD, mới lãi lớn đó rồi lại giảm hoặc lỗ, dẫn đến sự khó đoán và khó lường, nguyên nhân ở đây do khách quan hay chủ quan thật khó biết rõ.

Thái Ca

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   BCI: BCTC CTY MẸ Q3-2013 (14/11/2013)

>   BCI: Công ty liên kết đóng góp 93% lãi 9 tháng (14/11/2013)

>   TMP: Giải trình biến động kết quả kinh doanh riêng và hợp nhất Q3/2013 (14/11/2013)

>   TSC: BCTC HN Q3-2013 (14/11/2013)

>   TMP: BCTC RIÊNG Q3-2013 (14/11/2013)

>   TMP: BCTC HN Q3-2013 (14/11/2013)

>   TDC: BCTC TH Q3-2013 (14/11/2013)

>   TDC: 9 tháng thực hiện... 1% kế hoạch lãi (14/11/2013)

>   TDC: Công bố đường link BCTC Q3-2013 (14/11/2013)

>   TDC: BCTC Trụ Sở chính Q3-2013 (14/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật