Khu vực đồng tiền chung châu Âu liệu có mất đà?
Chỉ ba tháng sau khi thoát khỏi đợt suy thoái dài nhất trong lịch sử Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà tăng trưởng của 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung này gần như bị chững lại vào quý 3 năm nay bởi hai nền kinh tế hàng đầu là Đức và Pháp đua nhau mất đà và bất ngờ suy giảm.
Dù cho sự chững lại đó không có nghĩa là Eurozone sẽ rơi trở lại suy thoái, nhưng qua đó phần nào cho thấy đà phục hồi còn rất mong manh và chưa đủ sức để kéo tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức báo động đỏ xuống thấp hơn.
Tăng trưởng gần bằng 0
Nền kinh tế Eurozone gần như không tăng trưởng trong quý 3 vừa qua khi số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy GDP chỉ tăng 0,1% so với quý 2. Sự phục hồi diễn ra chậm chạp ở các nền kinh tế hạt nhân như Đức và Pháp, cùng sự cải thiện không đáng kể ở các nền kinh tế ngoại vi, nhất là Tây Ban Nha.
Không chỉ riêng Eurozone, kinh tế của tất cả 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng bị suy giảm trong quý 3. Các chuyên gia phân tích lý giải xuất khẩu tăng chậm lại đã dẫn đến tình trạng tăng trưởng trì trệ trong quý 3 của Eurozone. Không những thế các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã buộc chính phủ nhiều nước phải cắt giảm mạnh chi tiêu- nhân tố bị cho là "bóp nghẹt" tăng trưởng.
Trong quý 3 nhịp độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể tại Ðức, nền kinh tế mạnh nhất trong Eurozone, chỉ còn 0,3%, chưa bằng một nửa tốc độ của quý 2 (0,7%) do xuất khẩu sa sút. Đối với một nền kinh tế dựa nhiều vào các nhà xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao như các hãng sản xuất xe BMW và Daimler, đó là tín hiệu cho thấy nhu cầu yếu hơn ở các nền kinh tế láng giềng và tác động không nhỏ của sự mạnh lên của đồng euro so với các đồng tiền chủ chốt khác, nhất là đồng USD.
Tăng trưởng đã co lại ở cả Pháp lẫn Italy, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba Eurozone. Nền kinh tế Pháp vừa mới thoát khỏi suy thoái lại thụt lùi khi tăng trưởng giảm 0,1% cũng do xuất khẩu yếu và đầu tư kinh doanh sụt giảm. Nền kinh tế Italy tiếp tục chìm trong khủng hoảng khi trải qua quý thứ 9 liên tiếp tăng trưởng GDP ở mức âm. Cụ thể là trong quý 3 tăng trưởng đã giảm 0,1% so với quý trước đó. Italy vẫn chưa thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế dài nhất kể từ hơn hai thập niên qua, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, mức sống của người dân giảm sút và ngày càng nhiều gia đình phải sống trong cảnh đói nghèo.
Số liệu tăng trưởng mới cho thấy Eurozone chỉ đơn thuần duy trì được sự tăng trưởng kinh tế nhưng không dễ đẩy đà phục hồi đi lên mạnh hơn. Việc Pháp lại rơi vào suy giảm kinh tế gây lo ngại về khả năng cạnh tranh của nước này, trong khi sự giảm tốc của Đức cũng đáng ngại nhưng nền kinh tế nước này vẫn có nền tảng tương đối vững.
Có thể nói rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" đầy khắc khổ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra nhằm mục đích cứu vãn cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính của châu Âu, trên thực tế lại đang đẩy toàn châu Âu vào một thảm họa kinh tế và xã hội.
Sự suy giảm kinh tế ở Đức và Pháp chủ yếu là do hoạt động xuất khẩu giảm sút, giữa lúc nhu cầu tiêu dùng ở châu Âu và các thị trường trên toàn thế giới đang suy yếu. Không chỉ xuất khẩu, khu vực chế tạo - xương sống của nền kinh tế - cũng mất đà, càng làm dấy lên lo ngại tiến trình phục hồi trong Eurozone thêm trắc trở. Ở Italy và Tây Ban Nha, dường như đang diễn ra tiến trình "tàn phá kinh tế và xã hội," cùng với nạn thất nghiệp ở thanh niên đang ở mức đáng báo động từ 40% đến 60%.
Triển vọng ảm đạm
Các số liệu mới cho thấy chặng đường phục hồi của kinh tế Eurozone còn dài và đầy chông gai, trong khi các nền kinh tế chủ chốt khác trên thế giới đang có những dấu hiệu về triển vọng sáng sủa. Chẳng hạn trong quý 3 nền kinh tế Mỹ đạt nhịp độ tăng trưởng 2,8% hay kinh tế Nhật tăng 1,9%.
Trong cuộc họp thường kỳ kết thúc hôm 7/11 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cảnh báo triển vọng kinh tế của khu vực có thể lại xấu đi trong những tháng tới, khi biến động trên các thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu cùng những bất ổn liên quan có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, còn có các nguy cơ khác có thể gây đảo ngược tình hình như giá hàng hóa tăng, nhu cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn mong đợi cũng như việc thực hiện không đầy đủ cải cách cơ cấu trong Eurozone.
Ông Draghi nói quan điểm chính sách của ECB là vẫn sẽ có các biện pháp kích thích nếu cần để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Kinh tế tăng trưởng yếu là một trong những tác nhân buộc ECB bất ngờ hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% trong cuộc họp thường kỳ tháng 11 này.
Nhà kinh tế Howard Archer từ IHS Global Insight nhận định tăng trưởng của Eurozone sẽ nhích lên trong quý cuối năm song đà phục hồi sẽ vẫn chậm và có thể chịu tác động trước các yếu tố rất bất lợi. Theo ông, nền kinh tế Eurozone này sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay, song sẽ tăng trưởng trở lại 0,8% vào năm 2014.
Dự báo mới nhất của Ủy ban kinh tế và tiền tệ châu Âu cũng không mấy lạc quan. Theo đó, nền kinh tế của 17 nước thành viên Eurozone sẽ giảm thêm 0,4%, trong khi nền kinh tế của toàn bộ EU sẽ "dậm chân tại chỗ" trong cả năm 2013. Sự suy giảm kinh tế mạnh nhất sẽ xảy ra tại các nước Nam Âu. Năm nay, dự kiến nền kinh tế Hy Lạp sẽ suy giảm 4%, Bồ Đào Nha và Italy sẽ giảm 1,8% và Tây Ban Nha giảm 1,3%.
Đầu tháng này Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Eurozone xuống 1,1%, cho thấy sự phục hồi kinh tế ở khu vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thua xa con số tăng trưởng 1,3% trong năm 2013, 2,2% trong năm 2014 và 2,4% trong năm 2015 ở Anh, một quốc gia thành viên EU nhưng không nằm trong Eurozone. So với Mỹ, sự chênh lệch càng thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới được dự đoán tăng lần lượt là 1,6%, 2,6% và 3,1%.
Về vấn đề thất nghiệp, EC cảnh báo tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ người không có việc làm trong năm 2014 sẽ lên đến 12,2%. Nếu tính về giá trị tuyệt đối, số người thất nghiệp trong Eurozone sẽ có thể lên tới con số 20 triệu.
Thất nghiệp của Pháp sẽ tăng từ 11% năm 2013 lên 11,2% năm 2014, còn tại Italy, con số này cũng tăng tương ứng từ 12,2% lên 12,4%. Dự kiến, Hy Lạp và Tây Ban Nha sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong năm tới, lần lượt lên 26% và 26,4% tổng số người trong độ tuổi lao động...
Hoàng Hà
Vietnam+
|