Thứ Tư, 13/11/2013 13:31

Hành trình tăng vốn “chóng mặt” của Tập đoàn Đại Dương

CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) chỉ mới thành lập từ tháng 5/2007 với số vốn ban đầu 10 tỷ đồng do các thành viên của gia đình Chủ tịch Hà Văn Thắm sáng lập. Trải qua quá trình hoạt động vỏn vẹn có 6 năm, hiện nay số vốn của OGC đã gấp đến 300 lần, chạm con số 3,000 tỷ đồng.

Hành trình tăng vốn của Tập đoàn có thể nói là rất chóng mặt và đáng ngạc nhiên khi cổ đông góp vốn chỉ là những cá nhân nhưng những khoản tiền khổng lồ liên tục được “rót” vào Tập đoàn.

Quá trình tăng vốn “khủng” của OGC trong 4 năm (Đvt: Tỷ đồng)

Đại gia chi hơn ngàn tỷ trong 1 năm

Chỉ 1 năm sau khi được cấp phép hoạt động, tức vào tháng 11/2008, công ty đã quyết định nâng vốn gấp 15 lần, từ 10 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Trong khi đó, vào thời điểm đầu năm này thì vốn thực góp tại OGC còn chưa đến 1/5, tức gần 1.7 tỷ đồng, do ông Hà Trọng Nam – anh trai ông Hà Văn Thắm góp (BCTC năm 2008). Mệnh giá và giá phát hành trong đợt này là 100,000 đồng/cp, được phân phối cho 3 cổ đông cá nhân là các cổ đông sáng lập gồm ông Hà Văn Thắm, ông Hà Trọng Nam và bà Hồ Thị Quỳnh Nga. Cả ba đều là thành viên trong một gia đình, bà Nga là vợ và ông Nam là anh trai của ông Thắm.

Tiếp theo, chỉ cách đợt tăng vốn lần đầu vỏn vẹn chưa trọn tháng, OGC lại tiếp tục phát hành cổ phần nâng vốn lên 390 tỷ đồng. Đến thời điểm đó công ty vẫn chỉ có 3 cổ đông; ông Thắm góp 295.5 tỷ đồng, ông Nam góp 39 tỷ đồng và bà Nga góp 55.5 tỷ đồng.

Kế đến, tháng 12/2009, Tập đoàn Đại Dương lại tăng vốn kỷ lục, gần gấp 5 lần, từ 390 tỷ đồng lên cả 1,968 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:4.046. Trong lần tăng vốn này, công ty phát hành 157.8 triệu cổ phần với mệnh giá và giá phát hành 10,000 đồng/cp, 3 cổ đông hiện hữu đăng ký mua 64.8 triệu cổ phần. Số lượng cổ phần còn lại được chào bán cho 4 tổ chức và 2 cá nhân khác cũng bằng mệnh giá. Kết thúc đợt phát hành, OGC đã có 9 cổ đông gồm 4 tổ chức và 5 cá nhân.

Nguồn: Báo cáo tài chính 2009 của Tập đoàn Đại Dương

Như vậy, qua 3 lần tăng vốn chỉ trong vòng khoảng 1 năm kể từ khi thành lập công ty, riêng 3 cổ đông sáng lập, những người trong gia đình Chủ tịch Hà Văn Thắm, đã phải bỏ ra hơn cả ngàn tỷ đồng để rót vào OGC. Một nguồn tiền ngoài sức tưởng tượng đối với cá nhân.

Cổ đông mới mà… cũ

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Với đợt tăng vốn thứ ba, lên 1,968 tỷ đồng, các cổ đông mới xuất hiện tại OGC hầu hết vẫn là “người nhà” ông Hà Văn Thắm.

Trong các cổ đông tổ chức bắt đầu xuất hiện tại OGC, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo có số vốn góp lớn nhất với 378 tỷ đồng, đây là công ty do ông Thắm làm chủ sở hữu, kiêm luôn chức vụ Giám đốc. Còn Công ty TNHH VNT, do bà Nguyễn Thị Thu Hà (con ruột chị gái ông Thắm) làm giám đốc, góp 197 tỷ đồng.

Ngoài ra, cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Hà đã góp 45 tỷ đồng trong đợt phát hành trên. Cổ đông cá nhân còn lại ông Hồ Vĩnh Hoàng (góp 43 tỷ đồng) cũng không phải gương mặt xa lạ, ông Hoàng cùng với ông Trọng Nam là các cổ đông sáng lập của CTCP Khách sạn và DV Đại Dương (HNX: OCH) - công ty con của Tập đoàn Đại Dương.

Sau khi xuất hiện tại OGC, Hà Bảo dần gia tăng tỷ lệ góp vốn tại tập đoàn, cùng với đó là sự giảm dần tỷ lệ sở hữu cá nhân của các cổ đông sáng lập. Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo là một doanh nghiệp khá kín tiếng trên thị trường, theo thông tin đăng ký với Tổng cục Thuế Việt Nam, Hà Bảo bắt đầu hoạt động vào ngày 20/01/2010 và nhận giấy phép kinh doanh vào ngày 22/12/2009. Điểm đặc biệt, sự ra đời của Hà Bảo gắn liền với việc trở thành cổ đông của OGC trong đợt tăng vốn khủng lên gần 2,000 tỷ đồng.

Vào năm 2010, sau đợt tăng vốn tiếp tục lên 2,500 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, giá phát hành 18,000 đồng/cổ phần, số lượng cổ đông của OGC tăng lên 12. Khi đó 3 cổ đông sáng lập vẫn nắm giữ lượng cổ phần áp đảo (56.7% vốn) gồm ông Hà Văn Thắm sở hữu 45.2%, ông Hà Trọng Nam sở hữu 9.2% và bà Hồ Thị Quỳnh Nga 2.2%; ứng với tổng số vốn góp là 1,417 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, OGC quyết định trở thành công ty đại chúng và lên sàn niêm yết. Đến thời điểm niêm yết trên sàn HOSE, công ty có 263 cổ đông gồm 8 cổ đông cá nhân nước ngoài, 16 cổ đông tổ chức trong nước và 239 cổ đông cá nhân trong nước. Trong đó, riêng cổ đông tổ chức chiếm 85.72% vốn công ty, 3 cá nhân sáng lập nay đã không còn là cổ đông lớn của OGC. Cổ đông lớn nhất lúc này là Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo với 31.75% vốn tại OGC.

Nguồn: Cáo bạch niêm yết 2010

Đến hiện nay, vốn điều lệ của OGC đang ở mức 3,000 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần đây nhất vào tháng 02/2011, công ty công bố tiến hành chia cổ phiếu thưởng năm 2010 cho cổ đông với tỷ lệ 5:1, nguồn tiền được trích từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận năm 2010. Trong danh sách cổ đông chốt ngày 26/08/2013, cổ đông lớn nhất vẫn là Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo với tỷ lệ sở hữu tăng lên 44.4% và đương nhiên nhân vật có quyền lực "tuyệt đối" tại Tập đoàn Đại Dương cũng chính là ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch OGC và là chủ sở hữu của Hà Bảo. Tuy nhiên, ông chỉ còn đứng tên sở hữu riêng 1.11% vốn OGC.

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Quả thật, nhìn lại cả quá trình hoạt động và tăng vốn của OGC thật khiến cho nhiều doanh nghiệp tròn mắt ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ hay hoài nghi?!. Chỉ vỏn vẹn 6 năm 3 tháng kể từ lúc làm lễ ra mắt ở Hà Nội, Tập đoàn từ số vốn 10 tỷ đồng tăng lên 3,000 tỷ đồng, quy mô hiện nay gồm 11 công ty con, liên kết và đặc biệt là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 20% tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Tập đoàn Đại Dương hoạt động với mục tiêu hướng tới tập đoàn kinh tế đa ngành và đa quốc gia. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Tập đoàn là bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông và thương mại thực phẩm. Đứng đầu OGC hiện nay là Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 45.5%. Đặc biệt, tuổi đời ông Thắm hiện còn rất trẻ, mới 41 tuổi nhưng đã sở hữu khối tài sản khổng lồ. 

* Đón đọc: OGC - Phép màu tăng vốn cho công ty con

Trần Việt

công lý

Các tin tức khác

>   Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội: Chào bán 40 triệu cp giá 10,000 đồng/cp (12/11/2013)

>   PVD đã phát hành 2 triệu cp ESOP (12/11/2013)

>   PXS chào bán hơn 1.2 triệu cp ESOP (13/11/2013)

>   CECO: Phát hành 150,000 cp cho tập đoàn của Đức (12/11/2013)

>   Oceanbank: Chào bán 135 triệu cp giá tối thiểu 10,000 đồng/cp (12/11/2013)

>   HT1: Sắp phát hành 120 triệu cp cho Vicem với giá 10,000 đồng (12/11/2013)

>   HBC: Đã phát hành 294,830 cp ESOP (12/11/2013)

>   HUT dự kiến phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (11/11/2013)

>   ST8: 18/11 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2013 (11/11/2013)

>   NSC dự kiến phát hành gần 5.3 triệu cp (11/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật