Giá 3G có thể sẽ còn điều chỉnh tiếp
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 8/11, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB, trong khi giá thành giá thành dịch vụ 3G đang là 167,66 đồng/Mb. Mức cước này cũng mới bằng 14,9% mức trung bình trong khối ASEAN.
Giá cước vẫn thấp hơn giá thành...
Cục Viễn thông cho biết, việc chấp nhận đăng ký điều chỉnh cước 3G dựa trên cả căn cứ pháp lý và thực tế. Về luật pháp, Cục căn cứ vào Điều 55 Luật viễn thông, Điều 5 Luật giá, Điều 13 Luật cạnh tranh về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Còn trên thực tế, theo ông Phạm Hồng Hải, báo cáo của các DN cho biết, giá thành dịch vụ 3G trong năm 2013 là 167,66 đồng/MB (chưa VAT) và 184,4 đồng/MB (đã tính VAT) nhưng các nhà mạng chỉ tính giá cước 100 đồng/Mb (54% giá thành). Bên cạnh đó, giá cước 3G của Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB, chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng/MB).
Mặc dù vậy, theo ông Hải, phương thức, mức độ điều chỉnh giá là hợp lý, không gây tác động quá lớn. "Khi thẩm định đề xuất của DN, Cục đã tính mức điều chỉnh nào là hợp lý trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Chúng tôi cho rằng 20% là mức hợp lý", ông Hải khẳng định.
… nên có thể sẽ còn điều chỉnh tiếp
Trả lời câu hỏi liệu thời gian tới giá cước 3G có tăng tiếp, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, hiện tại giá bán dịch vụ 3G vẫn thấp hơn giá thành nên thời gian tới sẽ phải xem xét lại. “Theo lộ trình, tất cả giá cước dịch vụ chứ không chỉ 3G sẽ điều chỉnh để bám sát giá thành, để DN hoạt đông có hiệu quả”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.
Bên cạnh đó, viễn thông là ngành khấu hao rất nhanh (2-3 năm) do sự thay đổi chóng mặt của công nghệ chứ không thể khấu hao trong thời gian dài như các ngành khác. Điều đó khiến giá thành bị đẩy lên. Không chỉ thế, việc đầu tư của ngành viễn thông tại vùng sâu vùng xa, hoàn toàn do DN tự thực hiện. Nên việc tăng giá cước 3G chủ yếu tác động đến những người ở thành thị để bù đắp cho người ở vùng miền núi, nông thôn…
Giải thích thêm về việc chất lượng sóng chưa tương xứng với mức giá dịch vụ, Thứ trưởng Thắng cho biết, thời gian đầu ít người dùng, chất lượng sóng cao. Nhưng hiện tại chất lượng giảm do số lượng người dùng đông. “Nhưng nếu không có nguồn thu thì không mở rộng nâng cấp, tăng chất lượng dịch vụ được”, ông Thắng nhấn mạnh.
Được biết, từ 0h ngày 16/10, cả 3 DN viễn thông lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone đồng loạt tăng cước 3G. Mức tăng cao nhất là gói cước không giới hạn dung lượng từ 50.000 đồng/tháng sẽ tăng lên 70.000 đồng/tháng, tương đương tăng 40%.
Trong đợt điều chỉnh giá ngày 16/10, Viettel giảm một gói cước, tăng 8, ngừng 2 và cung cấp một gói mới. Mobifone tăng 6, giữ 4, ngừng 6 và có 6 gói mới. Vinaphone điều chỉnh tăng 8, giữ 3, ngừng 9 và có tới 10 gói cước mới.
Phương Linh
Thời báo ngân hàng
|