Eurozone phải nới lỏng tiền tệ hoặc rơi vào suy thoái?
Trong một vài tuần gần đây, ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đang phải đau đầu vì đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chậm dần.
Tại một gian hàng trong siêu thị Lidl ở Berlin, Đức, (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Nhiều người lo ngại nếu chỉ số này chuyển sang trạng thái âm, Eurozone sẽ rơi vào vòng xoáy giảm phát và điều này có thể đẩy nhiều nền kinh tế đang phục hồi một cách chậm chạp ở khu vực này trở lại quỹ đạo suy thoái.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nhiều khả năng ông Draghi sẽ quyết định giảm lãi suất chuẩn, vốn đã ở mức cực thấp hiện nay, hoặc bơm thêm tiền vào nền kinh tế để ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Mối đe dọa cho sự phục hồi
Các số liệu thống kê mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy trong tháng 10/2013, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone chỉ tăng 0,7%, giảm mạnh so với con số 1,1% trong tháng trước đó.
Đây là tháng có tốc độ tăng chỉ số CPI ở Eurozone thấp nhất kể từ tháng 11/2009 và là tháng thứ 9 liên tiếp, chỉ số này thấp hơn so với con số mục tiêu 2% của ECB.
Thời điểm gần nhất mà chỉ số lạm phát của Eurozone đứng ở mức thấp như vậy là khi khu vực này đang sa lầy trong tình trạng suy thoái (tăng trưởng âm 4,4% trong năm 2009).
Đáng chú ý, trong tháng 10, giá năng lượng giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã giảm 0,9% trong tháng 9.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản giảm 0,8% từ mức 1% trước đó. Điều này đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà kinh tế, những người đã dự báo tỷ lệ lạm phát cơ bản sẽ không thay đổi.
T rước đó, hồi tháng 9/2013, ECB dự báo tỷ lệ lạm phát ở Eurozone là 1,5% trong năm 2013 và 1,3% trong năm 2014.
Dự báo về xu hướng lạm phát ở Eurozone, chuyên gia Nick Kounis, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ngân hàng ABN Amro ở Amsterdam (Hà Lan), nói: “Chúng tôi cho rằng lạm phát toàn phần sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới và điều này sẽ khiến Eurozone dễ bị tổn thương trước kịch bản giảm phát trong trường hợp có cú sốc tiêu cực về cầu.”
Nhiều người lo ngại nếu chỉ số CPI ở Eurozone tiếp tục giảm và rơi vào trạng thái âm, đà phục hồi kinh tế của khu vực này sẽ bị ảnh hưởng.
Trong thời gian gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy Eurozone đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), trong quý 2 năm 2013, Eurozone đã đạt tốc độ tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng dương trong vòng 18 tháng qua.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng đà phục hồi kinh tế của Eurozone không đồng đều và chưa ổn định.
Mặc dù trong quý 2 năm 2013, Bồ Đào Nha - một trong số các quốc gia đã phải xin cứu trợ để đối phó với cơn bão nợ công - đã bất ngờ đạt tỷ lệ tăng trưởng 1,1%, cao nhất trong khối, và hai nền kinh tế đầu tàu (Đức và Pháp) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của toàn khối nhưng theo Eurostat, vẫn còn nhiều nền kinh tế trong Eurozone đạt mức tăng trưởng âm trong quý như Cyprus, Slovenia, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, cho dù nền kinh tế khu vực này đang có dấu hiệu phục hồi nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn đứng ở mức cao. Vì vậy, theo các chuyên gia phân tích, ECB chắc chắn sẽ phải hành động để ngăn chặn nguy cơ Eurozone rơi vào tình trạng giảm phát.
Không còn nhiều lựa chọn
Hồi tháng 6, khi lạm phát ở Eurozone chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Draghi cho rằng lạm phát thấp không hẳn đã xấu. Ông nói: “Với tỷ lệ lạm phát thấp, bạn có thể mua thêm hàng hóa.”
Tuy nhiên, một tháng trước đây, vị chủ tịch ECB lại khẳng định “sự ổn định về giá cả đến theo cả hai hướng.” Theo hãng tin Bloomberg, với phát biểu này, ông Draghi đã phát đi tín hiệu rằng lạm phát giảm thấp hơn con số mục tiêu của ECB cũng nguy hiểm không kém gì việc lạm phát vượt qua con số mục tiêu đó.
Ông Ken Wattret, chuyên gia kinh tế trưởng về Eurozone của BNP Paribas ở London, cho biết tỷ lệ lạm phát ở Eurozone đã liên tục thấp hơn so với “định nghĩa sự ổn định về giá của ECB.”
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Neville Hill của tập đoàn Credit Suisse Group AG ở London (Anh) cho rằng các số liệu về lạm phát ở Eurozone sẽ khiến ECB phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng ECB có thể sẽ thực hiện hàng loạt các chính sách, từ việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn (hiện đang đứng ở mức thấp kỷ lục 0,5%) cho đến việc bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính hoặc tung ra các chương trình mua tài sản tương tự như các chương trình mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thực hiện.
Tuy nhiên, khả năng ECB thực hiện chương trình nới lỏng định lượng kiểu Mỹ là không nhiều nếu biết rằng trong quá khứ, ECB vẫn né tránh sử dụng công cụ này.
Thay vào đó, ngân hàng trung ương này đã quyết định bơm một khối lượng tiền mặt không giới hạn cho các ngân hàng thương mại ở khu vực này trong thời gian ba năm.
Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tại, nguồn tín dụng từ các ngân hàng vẫn chiếm khoảng 70% trong tổng vốn vay ở Eurozone, trong khi tài khoản chứng khoán chiếm khoảng 70% số vốn tài trợ ở Mỹ. Điều này khiến cho chương trình mua lại tài sản kiểu Mỹ khó trở thành một công cụ chính sách hữu hiệu cho ECB.
Các phương án khác bao gồm việc giảm lãi suất tiền gửi xuống dưới mức 0% - một giải pháp có ảnh hưởng lớn hơn tới các loại lãi suất trên thị trường tiền tệ - hay cam kết thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn hơn để đảm bảo cho các ngân hàng luôn dồi dào về thanh khoản.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia đang bị chia rẽ về thời điểm mà ECB sẽ thực hiện các chính sách đó.
Các ngân hàng như Bank of America Corp., UBS AG và Royal Bank of Scotland Group Plc. dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn trong cuộc họp chính sách vào ngày 7/11 tới, trong khi các ngân hàng BNP Paribas, Societe Generale SA, JPMorgan Chase, ABN Amro Bank NV, Nomura Holdings Inc. và Scotiabank dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2013 - thời điểm ngân hàng này công bố các dự báo kinh tế mới.
Chuyên gia Kounis của ABM Amro cho rằng “một hành động (của ECB) vào tháng 11 là có thể xảy ra nhưng cũng có thể không xảy ra do sự phản đối từ các quan chức ở một số nước Bắc Âu thuộc Eurozone. Họ và phần còn lại của Hội đồng có thể sẽ muốn chờ đợi các dự báo cập nhật về lạm phát vào tháng 12.”
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann đã liên tục cảnh báo rằng việc giữ lãi suất quá thấp trong thời gian dài có thể mang lại những rủi ro khó có thể định lượng.
Phản ứng trước các dự báo về khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất, trong những phiên gần đây, đồng tiền chung của châu Âu đã liên tục mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Trong tuần giao dịch từ 28/10 đến 2/11, đồng euro đã có tuần mất giá mạnh nhất so với đồng bạc xanh của Mỹ kể từ tháng 7/2012. Riêng trong ngày 31/10, đồng euro đã mất giá khoảng 0,9% so với USD./.
Thanh Tùng
Vietnam+
|