Doanh nghiệp bất động sản đang hồi phục?
Kết thúc quý 3/2013, số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết thua lỗ đã giảm thấp hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, những thay đổi từ lỗ sang lãi đang mở ra tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS nói chung.
Thống kê của Vietstock cho thấy, có 40 trong 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết công bố BCTC quý 3/2013 với kết quả có lãi. Trong đó ghi nhận 15 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước và 12 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi.
Toàn cảnh lợi nhuận ngành BĐS niêm yết quý 3/2013 (Đvt: Tỷ đồng):
Đột biến tăng trưởng!
Ở quý liền trước, quý 2/3013, cũng có 19 doanh nghiệp BĐS ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không là gì so với quý 3 này. Cụ thể, nếu ở quý 2/2013, mức tăng lớn nhất chỉ gấp 10 lần thì trong quý 3, con số này là 32. Và đó là trường hợp của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), lợi nhuận sau thuế hơn 26 tỷ đồng, tăng 32 lần so với con số 801 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là một sự đột biến trong chu kỳ kinh doanh của FLC, vì trong những năm trước, quý 3 thường không mấy sáng sủa, thậm chí còn thua lỗ.
Theo giải trình của FLC, nhờ vào việc thực hiện tái cơ cấu, mở rộng hoạt động sản xuất nên doanh thu quý 3/2013 tăng 86% so với cùng kỳ, đạt gần 350 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, FLC chỉ thực hiện được 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cũng giống như quý trước, Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) tiếp tục là doanh nghiệp duy nhất có lãi trên nghìn tỷ đồng. Theo đó, lãi ròng quý 3/2013 của VIC đạt cả 1,875 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo VIC, phần lớn nguồn doanh thu trong quý 3 được ghi nhận từ việc bán các căn hộ (đã được bàn giao cho khách hàng) tại hai dự án lớn là Royal City và Times City. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên khác của Tập đoàn cũng tăng trưởng đáng kể, cụ thể là doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng tăng 44% (do có nguồn thu bổ sung từ Vincom Mega Mall Royal City – TTTM ngầm lớn nhất Châu Á, khai trương ngày 26/07/2013); doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch tăng trưởng 31% và doanh thu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 81%.
Đây là cũng là quý thứ hai liên tiếp VIC có lãi vượt nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả của VIC trong quý 3 cũng chiếm 77% lợi nhuận tạo ra của 40 doanh nghiệp có lãi.
Được biết đến như công ty tiên phong trong dự án nhà ở xã hội tại TPHCM, CTCP TV - TM - DV Địa Ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3/2013 với lãi ròng tăng vọt gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 15 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp khác cũng được xem là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước là TIG và SCR. Cả hai đều có lãi ròng quý 3/2013 tăng gấp 10 lần, trong đó SCR vượt trội hơn về giá trị tuyệt đối khi lãi hơn 48.4 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lãi ròng quý 3 của SCR tăng vọt là nhờ doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 107 tỷ đồng. Theo giải trình của SCR, doanh thu này tăng là do công ty thực hiện chuyển nhượng một phần khoản đầu tư liên kết và mang về hơn 94 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, SCR vẫn lỗ ròng 6.56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 101 tỷ đồng.
Không có mức tăng trưởng hai con số như những doanh nghiệp trên nhưng cũng phải kể đến những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG), Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) hay Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG).
Nổi bật nhất trong số này là HAG với lãi ròng 235.58 tỷ đồng, tăng gấp 2.4 lần so với cùng kỳ mặc dù doanh thu chỉ bằng 1/4 so với quý 3/2012. Điểm đặc biệt, doanh thu và giá vốn căn hộ từ hàng ngàn tỷ đã rớt xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng. Xét về giá trị tuyệt đối, HAG là doanh nghiệp có lãi ròng lớn thứ hai trong các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, chỉ sau VIC.
Doanh nghiệp BĐS tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2013:
Bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, một tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS nói chung là việc nhiều doanh nghiệp đã có một bước chuyển mình trong hoạt động kinh doanh khi chuyển từ lỗ sang lãi.
Đáng chú ý như trường hợp của CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG). Sau 2 quý đầu năm báo lỗ liên tiếp, NLG đánh dấu sự trở lại trong quý 3/2013 với mức lãi gần 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lỗ 7.8 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ doanh thu bán đất và căn hộ trong quý 3 của NLG tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đối với CTCP ĐT PT Đô Thị & KCN Sông Đà (HOSE: SJS), chênh lệch giữa lãi quý 3/2013 so với cùng kỳ năm trước ở mức gần 40 tỷ đồng khi quý 3 năm nay ghi nhận lãi 9.8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 30 tỷ đồng. Và nếu như quý 4/2013 không có gì bất thường, SJS sẽ kết thúc năm 2013 làm ăn có lãi sau hai năm thua lỗ khá nặng trước đó.
Doanh nghiệp BĐS chuyển từ lỗ sang lãi trong quý 3/2013:
Khó khăn chưa qua
Mặc dù số doanh nghiệp trong ngành BĐS lỗ trong quý 3/2013 đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng không thể phủ nhận là khó khăn của những doanh nghiệp này đã đi qua. Trong số 20 doanh nghiệp thua lỗ, CTCP Đầu Tư & KD Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) là doanh nghiệp lỗ nặng nhất, ở mức hơn 91 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ hơn 28 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại đến 32.48 tỷ đồng (tăng gấp 7 lần cùng kỳ), dẫn đến công ty lỗ gộp 4.3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính trong quý 3/2013 lên đến 110.67 tỷ đồng, gấp 16 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi vay 24.44 tỷ đồng. KDH đã lỗ ròng 91 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ hai liên tiếp lỗ (quý 2/2013 lỗ 63.3 tỷ đồng).
Kể từ quý 2/2012, Tổng Công ty PT Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) vẫn chưa thể thoát ra nỗi ám ảnh bị thua lỗ. Cho đến quý 3/2013, KBC vẫn lỗ 58 tỷ đồng mặc dù doanh thu tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ hoạt động tài chính của KBC bị âm nặng trong quý 3 khi doanh thu tài chính chỉ hơn 5 tỷ đồng mà chi phí lên đến 76.18 tỷ đồng. Điều này làm cho công ty chịu lỗ ròng 58 tỷ đồng trong quý 3 và lỗ 128.75 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013.
Tính đến 30/09/2013, nợ phải trả tới mức 7,216 tỷ đồng, tăng 272 tỷ so với cuối năm 2012 và chiếm 61% tổng tài sản của công ty. Trong đó, nợ ngắn hạn gần 4,029 tỷ đồng, tăng 1,340 tỷ đồng so với đầu năm Đáng chú ý, đa số khoản vay ngân hàng của KBC đều có lãi suất từ 15-18%/năm. Trong khi đó hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ từ quý 2/2012 tới nay đủ cho thấy KBC phải đối mặt với áp lực trả nợ vay lớn như thế nào.
Không quá bi đát như trường hợp KDH và KBC nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn khác chưa thể thoát khỏi thua lỗ như ITC, PTL, LHG, PVL, LGL… Hay nhiều doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm trước như NBB, HAR, ITA, VNI, OCH, ASM, IJC…
Trong số đó, có lẽ ITA là có nhiều trái ngược nhất khi có doanh thu quý 3 là con số âm. Thực tế, chuyện doanh thu thuần tại ITA bị âm không còn xa lạ trong thời gian gần đây khi công ty chịu cảnh hàng bán bị trả lại. Một điều thú vị, trong khi các doanh nghiệp bất động sản chịu gánh nặng lãi vay cao thì ITA lại hưởng lợi chính từ hoạt động mang tiền gửi ngân hàng. Và chính điều này giúp ITA tránh được kết cục thua lỗ.
Một điểm chung ở những doanh nghiệp này là doanh thu hầu như không lớn hơn bao nhiêu so với giá vốn hàng bán, nên khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ thì lợi nhuận trở thành con số âm. Điều này cho thấy những khó khăn chung trong thị trường BĐS hiện nay, tình trạng đóng băng làm cho các doanh nghiệp không những không bán được hàng mà còn phải chấp nhận bán dưới hoặc bằng với giá vốn.
Top 10 doanh nghiệp BĐS lỗ nhiều nhất quý 3/2013:
Doanh nghiệp BĐS giảm lợi nhuận trong quý 3/2013:
Sanh Tín
Công Lý
|