Độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp vẫn cao
Mức độ rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam hiện khá cao. Xét trong 1.000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất năm 2013 thì có tới 53% số doanh nghiệp thuộc bảng có hệ số nợ/tổng tài sản trên 50%, đồng nghĩa với việc phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động.
Đây là một trong những nhận định của nhóm tác giả Bảng xếp hạng V1000 năm 2013 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố hôm nay (29-11) sau khi phân tích hoạt động tài chính của 1.000 doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo cho biết, khi phân tích hệ số nợ/tổng tài sản, có thể nhận thấy, do đặc thù “kinh doanh trên đồng tiền” và thực trạng nợ xấu gia tăng trong năm 2012 nên hệ số nợ/tổng tài sản của ngành ngân hàng- tài chính ở mức rất cao, trung bình ngành trên 70%. Cùng nhóm có hệ số nợ/tổng tài sản cao còn có ngành thép, dệt may- da giày, xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, xăng dầu, điện (từ 50% đến 65%).
Các ngành có hệ số nợ/tổng tài sản dưới 50% bao gồm: thủy sản, nông lâm nghiệp, viễn thông, hóa chất, thực phẩm- đồ uống, dược và thiết bị y tế, vận tải, bán lẻ, cơ khí và giấy- in ấn- xuất bản. (xem bảng trên)
Một điểm đáng chú ý trong kết quả khảo sát lần này là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn khó khăn với bài toán sinh lời. Trong số 1.000 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng V1000, các doanh nghiệp niêm yết chiếm chưa tới 15% và số thuế đóng góp tính trên tổng số thuế của 1.000 doanh nghiệp chỉ ở mức khiêm tốn 22%. Chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và lợi nhuận sau thuế/tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đều ở mức thấp. Nếu xét về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản, chỉ 1/3 số công ty niêm yết đạt mức 10%, số còn lại đều dưới 10%.
Xét về chỉ tiêu ROE (lợi nhuận so với vốn cổ phần), có thể thấy chưa đến 44,7% số doanh nghiệp niêm yết đạt mức lợi nhuận ròng/tổng tài sản trên 0,15, trong khi hơn 55,3% số này có ROE nhỏ hơn hoặc bằng 0,15, đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả phần lãi vay ngân hàng nếu lãi suất vay vốn là 15%.
Điểm không khác biệt so với kết quả khảo sát năm trước là nhóm doanh nghiệp nhà nước, với lợi thế riêng và đang sử dụng tỷ lệ rất cao các nguồn lực trong nền kinh tế, vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng. Nhóm doanh nghiệp này hiện đóng 52,6% tổng số thuế của bảng xếp hạng V1000.
Ngân hàng- tài chính và viễn thông tiếp tục là hai ngành có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong bảng xếp hạng V1000 năm 2013.
Khi đo lường khả năng sinh lời, ngành viễn thông và thực phẩm- đồ uống lại vượt trội hơn cả. ROE trung bình ngành viễn thông đạt gần 0,5 cho thấy các doanh nghiệp ngành viễn thông đang hoạt động tốt hơn khi thu về gần 5 đồng lời trên mỗi 10 đồng vốn bỏ ra.
Tiếp nối theo đó là ngành thực phẩm- đồ uống (0,37) và dệt may- da giầy (0,28). Trong khi đó, ngành ngân hàng- tài chính có chỉ số ROE thấp hơn 0,1, cho thấy quy mô nguồn vốn của ngành ngân hàng hiện vẫn đang rất lớn, trong khi lợi nhuận hoạt động lại không cao, do vậy yêu cầu tái cơ cấu nguồn vốn, giảm thiểu nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành này là vô cùng cấp thiết.
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của bảng xếp hạng V1000 năm 2013 là khoảng 77.000 tỉ đồng, tăng hơn 42% so với năm trước. Nhóm tác giả cho rằng điều này thể hiện tình hình kinh doanh đã có những khởi sắc đáng kể, đồng thời ý thức về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp cũng ít nhiều được cải thiện.
Hồng Phúc
tbktsg
|