Đầu cơ cổ phiếu Bất động sản: Nên hay không?
Dòng tiền đầu cơ vẫn đang chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản để đón đầu tương lai, được kỳ vọng sẽ lạc quan hơn.
Chậm công bố KQKD Q3/2013 vì không lạc quan?
Tính tới thời điểm hiện nay, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2013. Thống kê những lần trước đây cho thấy, doanh nghiệp có kết quả lạc quan sẽ công bố thông tin sớm nhất (có thể xem bảng bên dưới về KQKD Q3/2013), trong khi doanh nghiệp có số liệu tiêu cực thường rất chậm rãi và thậm chí xin gia hạn công bố BCTC nhiều lần.
Có thể thấy ngành bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không những thế, kết quả kinh doanh 6T/2013 của ngành cho thấy những khó khăn này vẫn đang ngày một gia tăng.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong 6T/2013 đạt 12,672 tỷ đồng, chỉ bằng 42% tổng doanh thu của năm 2012; nhưng tổng lợi nhuận sau thuế trong 6T/2013 là 4,392 tỷ đồng, tăng mạnh 1.8 lần so với lợi nhuận cả năm 2012.
Tuy nhiên, cần lưu ý là tổng lợi nhuận toàn ngành tăng mạnh chủ yếu do đóng góp đột biến của VIC với 4,059 tỷ đồng. Nếu loại trừ VIC thì lợi nhuận ngành chỉ đạt 333 tỷ đồng, bằng vỏn vẹn 38% lợi nhuận trong năm 2012.
Hàng tồn kho vẫn chưa có dấu hiệu được giải tỏa. Với tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn thì hàng tồn kho của ngành vẫn đang ngày một tăng cao, mặc dù tốc độ đã chậm hơn. Theo đó, tổng giá trị hàng tồn kho cuối tháng 6/2013 của ngành là 81,575 tỷ đồng, tăng nhẹ 5.1% và chiếm hơn 39% tổng tài sản.
Nổ lực giảm áp lực từ các khoản vay. Tìn hiệu đáng chú ý là các doanh nghiệp trong ngành đang cố gắng giảm gánh nặng nợ vay. Theo đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của ngành đến cuối tháng 6/2013 là 64,596 tỷ đồng, giảm nhẹ 6.6% so với con số đầu kỳ. Đây có thể là tiền đề để kết quả kinh doanh những quý sắp tới không bị tác động quá tiêu cực từ chi phí tài chính.
Nhưng dòng tiền đầu cơ vẫn đang “đánh” mạnh
Với những khó khăn hiện hữu nên không quá khó hiểu khi mức tăng chỉ số cổ phiếu nhóm ngành bất động sản thấp hơn khá nhiều so với toàn thị trường.
Nhóm bất động sản đã khởi đầu năm 2013 khá tích cực trước những thông tin về hạ lãi suất, các gói kích thích thị trường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này thì cổ phiếu ngành bất động sản cũng như thị trường đã điều chỉnh giảm trở lại. Đáng chú ý đó là tốc độ giảm của cổ phiếu ngành bất động sản khá mạnh so với tốc độ giảm của thị trường.
Mặc dù vậy, diễn biến giao dịch từ đầu tháng 9 đến nay đã có sự thay đổi đáng kể khi dòng tiền đã chảy mạnh trở lại vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Cụ thể, mức tăng của chỉ số cổ phiếu ngành bất động sản trong giai đoạn này là hơn 15%, trong khi VN-Index chỉ tăng có 6.5%.
Nhiều khả năng dòng tiền đang kỳ vọng vào:
Yếu tố mùa vụ: Thị trường đang trong những tháng cuối cùng của năm 2013. Đây thường là thời điểm ưa thích để các doanh nghiệp bất động sản hạch toán các dự án của mình.
Dự án nhà xã hội: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc triển khai các dự án nhà xã hội. Nhiều khả năng năm 2014 sẽ là thời điểm để doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh các dự án này. Bên cạnh đó, việc Bộ Xây dựng đang tiếp tục nới rộng hơn về đối tượng, điều kiện cho vay của gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản.
Giảm áp lực phải trả nợ gốc: VAMC đang tích cực mua lại nợ xấu từ các NHTM, với 2/3 số nợ xấu được mua liên quan đến bất động sản.
Việc VAMC mua nợ xấu được giới đầu tư kỳ vọng không chỉ giúp giảm bớt áp lực nợ xấu ở các NHTM mà còn giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay… và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều tổ chức nước ngoài đang muốn mua lại những khoản nợ xấu này từ VAMC. Với 2/3 nợ xấu được mua liên quan đến bất động sản, điều này cho thấy các tổ chức nước ngoài cũng đang kỳ vọng vào sự hồi phục trở lại của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai gần.
Duy Nam
công lý
|