Cổ phiếu cảng biển không tiếng nhưng được miếng
Trái ngược với những dự báo khó khăn, các doanh nghiệp cảng biển niêm yết vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao trong những tháng đầu năm 2013.
Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới trong thời gian tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã giúp cho lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng tăng đột biến do hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển đổ về đây.
Bước sang năm 2013, đã có nhiều dự báo cho rằng doanh nghiệp cảng biển sẽ không thể duy trì đà tăng trưởng như năm 2012, thậm chí sụt giảm thê thảm khi Trung Quốc mở lại biên giới. Theo ông Đặng Như Bình, Giám đốc CTCP Cảng Đồng Nai (PDN), ảnh hưởng chung của nền kinh tế khiến sản lượng hàng hóa lưu kho bãi giảm hơn cùng kỳ năm trước.
Ngoài khó khăn chung, bản thân doanh nghiệp trong năm 2013 không còn được ưu đãi giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cảng biển lại bất ngờ được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2013.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 đạt 108 tỷ USD (tăng 15,2%). Trong số này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 67% tỷ trọng với 72,1 tỷ USD (tăng 22,3%).
Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 108 tỷ USD). Trong tương lai, nếu thương lượng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu và tác động tốt tới các hoạt động của các doanh nghiệp cảng biển.
Trên sàn CK hiện có 5 doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết gồm: CTCP Container Việt Nam (VSC), CTCP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (DVP), CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP), CTCP Cảng rau quả (VGP) và PDN.
Theo thống kê, các doanh nghiệp này tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong 9 tháng với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 16,7%. Về con số lợi nhuận, chỉ có DXP giảm hơn 27%, các doanh nghiệp còn lại đều duy trì ở mức tương đương năm 2012. Nhưng việc suy giảm lợi nhuận của DXP lại bắt nguồn từ việc doanh nghiệp này chi trả cổ tức quá cao trong năm 2012 (tỷ lệ 70%) thay vì tập trung đầu tư mở rộng hệ thống cảng.
Cảng Đình Vũ
|
Về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, VSC là doanh nghiệp đi đầu với hệ thống cảng biển hiện đại bậc nhất hiện nay. VSC hiện đang sở hữu cảng Green Port với cầu tàu dài 340m và 4 cầu trục xoay có thể tiếp nhận từ 10-12 tàu/tuần.
Để hỗ trợ tăng trưởng, VSC đang có kế hoạch mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong lĩnh vực. Đặc biệt, VSC còn có kế hoạch đầu tư vào một trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Với trung tâm logistics này, VSC sẽ sở hữu hệ thống kho bãi hiện đại nhất khu vực miền Bắc. Theo BCTC quý III-2013, doanh thu của VSC đạt 213 tỷ đồng (tăng 9%), lợi nhuận ròng đạt 59 tỷ đồng (tăng 15%).
Lũy kế 9 tháng, VSC ghi nhận 577 tỷ đồng doanh thu và 161 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Tương tự, theo BCTC quý III-2013 của DVP, doanh thu của doanh nghiệp đạt 129 tỷ đồng (tăng 13%), lợi nhuận ròng đạt 50 tỷ đồng (tăng 8%). Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của DVP đạt 377 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 154 tỷ đồng. Do công suất cảng đều chạm ngưỡng nên DVP cũng có kế hoạch đầu tư thêm hệ thống kho bãi để duy trì mức tăng trưởng trong thời gian tới.
Hoạt động kinh doanh hiệu quả, cộng với mức chi trả cổ tức cao, nhóm CP cảng biển được đánh giá là một trong những nhóm ngành hấp dẫn nhất trên TTCK hiện nay. Nếu CP vận tải biển đều đang được giao dịch dưới mệnh giá thì CP cảng biển lại được giao dịch ở mức giá rất cao.
Cụ thể, VSC 50.000 đồng/CP, DXP 45.500 đồng/CP, DVP 42.700 đồng/CP, PDN 28.200 đồng/CP, VGP 17.500 đồng/CP. Ngoại trừ VGP có thanh khoản thấp, các mã còn lại đều có thanh khoản ổn định, thích hợp cho cả NĐT dài hạn và NĐT lướt sóng.
Kim Giang
Sài gòn đầu tư
|