Chứng khoán Tuần 25 - 29/11: Áp lực thoát hàng quay trở lại
Áp lực thoát hàng diễn ra khá mạnh trong tuần qua, tập trung ở các mã cổ phiếu đầu cơ. Sự tích cực ở nhóm bluechip cùng với việc dòng tiền vẫn duy trì ở một số cổ phiếu đầu cơ đã giúp thị trường lấy lại động lực. Khối ngoại tăng mua mạnh về cuối tuần.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 25 – 29.11.2013
Giao dịch: Áp lực chốt lời gia tăng. VN-Index khép lại tuần với mức tăng 0.4% lên 507.78 điểm; HNX-Index có tuần tăng mạnh hơn với 0.9% lên 65.19 điểm; trong khi VS 100 tăng 0.9% lên 82.32 điểm và VN30 tăng 2.3% lên 569.06 điểm.
Các nhóm Market Cap hầu hết đều tăng điểm trong tuần này. Dẫn đầu đà tăng là nhóm VS-Micro Cap với 1.3%, tiếp theo là nhóm VS-Large Cap tăng 1.1%, nhóm VS-Mid Cap tăng 0.5% và nhóm VS-Small Cap tăng 0.1%.
Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 22% so với tuần trước đó; trong khi đó, khối lượng khớp lệnh trên HNX thậm chí giảm mạnh hơn với 31.5%.
Ở những phiên giao dịch đầu tuần, áp lực chốt lời gia tăng đã khiến cho các nhóm cổ phiếu đầu cơ hạ nhiệt. Trong đó, các mã cổ phiếu thuộc nhóm Thủy sản, Khai khoáng, Vận tải-Kho bãi bị áp lực bán ra mạnh nhất. Điểm tích cực là sự hậu thuẫn của khối ngoại nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp nâng đỡ các chỉ số thị trường, giảm bớt sự lo lắng của giới đầu tư. Điều này đã tạo động lực cho dòng tiền duy trì tích cực trong các phiên này và giúp giao dịch diễn ra khá sôi động.
Các phiên giao dịch giữa tuần, chỉ số thị trường sụt giảm trở lại do tốc độ thoát hàng diễn ra ngày càng mạnh. Làn sóng thoát hàng không chỉ diễn ra mạnh ở các mã cổ phiếu đầu cơ mà còn ở bluechip. Thêm vào đó, sự nâng đỡ từ khối ngoại cũng yếu dần khi họ chỉ mua ròng nhẹ trong các phiên này.
Tuy nhiên, mức giảm điểm của thị trường là không quá mạnh khi: (1) hoạt động chốt lời diễn ra xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu và (2) một số mã cổ phiếu đầu cơ vẫn thu hút dòng tiền.
Phiên giao dịch cuối tuần, kịch bản giao dịch không có nhiều thay đổi. Thị trường vẫn giằng co trong phạm vi hẹp khi cả bên mua và bên bán đều đẩy mạnh giao dịch. Đáng chú ý là khối ngoại đã tăng cường mua ròng trở lại trong phiên giao dịch này.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng 158 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng ở hầu hết các phiên trong tuần qua và góp phần không nhỏ vào việc giữ cho tâm lý giới đầu tư ổn định. Mặc dù lực mua đã phần nào yếu đi ở những phiên giữa tuần, nhưng phiên cuối tuần khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng trở lại.
Tổng cộng trong tuần qua trên HOSE, khối ngoại mua ròng với giá trị gần 109.2 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng tập trung mạnh nhất ở MSN (52.2 tỷ đồng), HPG (45.3 tỷ đồng), PVD (30.8 tỷ đồng), GMD (15 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch bán ròng tập trung ở VIC với 60.6 tỷ đồng và HAG với 40.6 tỷ đồng, CII với 15.8 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng rất mạnh với 48.8 tỷ đồng, tập trung ở VND với 15.2 tỷ đồng, tiếp theo là PVS (11.3 tỷ), SHB (6.9 tỷ); bán ròng tập trung mạnh nhất ở DBC nhưng chỉ với 1.2 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Bán ròng 10 tỷ đồng. Thống kê của Vietstock cho thấy, đến hết ngày thứ Năm (28/11), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng 1.3 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Phiên bán ròng mạnh nhất của khối tự doanh diễn ra đầu tuần (ngày 25/11) với giá trị bán ròng đạt 15.1 tỷ đồng. Lực bán ra chủ yếu là các mã cổ phiếu bluechip khi giá bình quân bán ra trong phiên này đạt 23,700 đồng/cp.
Phiên giao dịch ngày 27/11, khối tự doanh cũng đẩy mạnh bán ra 3.2 tỷ đồng nhưng lực bán ra trong phiên này lại là các mã cổ phiếu penny khi giá bình quân bán ra đạt 13,000 đồng/cp.
Hoạt động mua ròng-bán ròng được khối tự doanh tiến hành xen kẽ nhau ở các phiên trong tuần. Tuy vậy, khối tự doanh vẫn có xu hướng chốt lời trong tuần này, nhất là vào những lúc thị trường tăng điểm khá mạnh như phiên đầu tuần.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm áp đảo trong tuần qua với 16/24 ngành. Bảo hiểm dẫn đầu đà tăng với 3.8%, tiếp theo là SX Cơ khí tăng 2.1%, Tiện ích công tăng 1.8% và Thực phẩm-Đồ uống tăng 1.37%.
Theo dữ liệu của Vietstock, các nhóm cổ phiếu nóng hầu hết đều tăng điểm trong tuần này, với Bất động sản dẫn đầu mức tăng 1.2%, tiếp theo là nhóm Khai khoáng tăng 0.9%, nhóm SX Thủy sản tăng 0.7%, nhóm Vận tải-Kho bãi tăng 0.5%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DCT tăng 29.6%, PTL tăng 24% và VHG tăng 23.1%, TNT tăng 21.4%. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý là SRB tăng 24%.
DCT tăng 29.6%. DCT tăng mạnh nhiều khả năng do dòng tiền đầu cơ nhắm đến thông tin liên quan đến việc công ty này mới công bố quyết định của tòa án xét xử phúc thẩm giữa nguyên đơn là DCT và bị đơn là Công ty All Oceans Transportation. DCT đòi bồi thường thiệt hại tài sản và các tổn thất gây ra bởi tàu YM Intelligent khi đâm va vào cần cẩu và cầu cảng Nhà máy xi măng Công Thanh - Nhơn Trạch.
Tuy nhiên, đáng chú ý là sau đó DCT cũng thông báo do Công ty All Oceans Transportation lại xin hoãn xét xử và Tòa Phúc thẩm Tóa án Nhân dân tối cao tại TPHCM đã đồng ý hoãn chưa đưa vụ án ra xét xử vào ngày 28/11/2013.
PTL tăng 24%. PTL tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nhiều khả năng việc cổ phiếu này tăng mạnh xuất phát từ việc hưởng lợi khi dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu Bất động sản.
Theo BCTC mới công bố, doanh thu 9T/2013 của PTL đạt 463.5 tỷ đồng, tăng gấp 3.3 lần so với cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế lại âm hơn 66.7 tỷ đồng, so với con số âm 19.2 tỷ đồng trong 9T/2012.
VHG tăng 23.1%. Giá cổ phiếu VHG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 3 được công bố khả quan. Doanh thu thuần lũy kế 9T/2013 của VHG đạt 167.6 tỷ đồng, tăng 25.2%; lợi nhuận sau thuế hơn 75.5 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ công ty lỗ gần 21.7 tỷ đồng. Việc lợi nhuận gia tăng mạnh là nhờ khoản doanh thu tài chính tăng mạnh trong kỳ.
TNT tăng 21.4%. TNT tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng nhờ việc công bố kết quả kinh doanh quý 3/2013. Cụ thể, doanh thu 9T/2013 của công ty này đạt 8 tỷ đồng, giảm gần 4.9 lần so với quý cùng kỳ; nhưng công ty chỉ lỗ 361.5 triệu đồng, khả quan hơn so với mức lỗ cùng kỳ 2012 là 1.5 tỷ đồng.
SRB tăng 24%. SRB tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào cổ phiếu này mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Theo BCTC quý 3/2013, doanh thu 9T/2013 của SRB đạt 3.1 tỷ đồng, giảm 2.7 lần so với cùng kỳ 2012, và do đó phát sinh khoản lỗ 2.5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2012 chỉ lỗ 255 triệu đồng.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là ITD giảm 9.6%. Trên sàn HNX, không có cổ phiếu nào giảm điểm nổi bật.
ITD giảm 9.6%. ITD giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến việc công bố kết quả kinh doanh quý 2 (01/07-30/09) không mấy khả quan. Cụ thể, doanh thu sáu tháng đầu năm 2013 của công ty đạt 139 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2012; lợi nhuận sau thuế âm110 triệu đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 1.12 tỷ đồng.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Huỳnh Nhật Trình
công lý
|