Chứng khoán Tuần 04 - 08/11: Đầu cơ và khối ngoại làm chủ cuộc chơi
Thị trường chứng kiến dòng tiền đổ vào mạnh mẽ ở các mã cổ phiếu đầu cơ. Theo nhận định của Phòng Nghiên cứu Vietstock, bluechip giao dịch trầm lắng hơn và bị thoát hàng mạnh về cuối tuần. Khối ngoại vẫn đang mua ròng mạnh giúp nâng đỡ thị trường.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 04 – 08.11.2013
Giao dịch: Cổ phiếu đầu cơ khuấy động thị trường. VN-Index khép lại tuần với mức tăng 0.3% và đạt 498.61 điểm, trong khi HNX-Index tăng mạnh hơn với 2% lên 63.29 điểm; VS 100 tăng 1.6% lên 80.25 điểm và VN30 tăng 0.4% lên 556.78 điểm.
Hầu hết các nhóm Market Cap đều tăng điểm trong tuần này, dẫn đầu đà tăng là nhóm VS-Micro Cap với 3.7%, tiếp theo là nhóm VS-Small Cap tăng 2.6%, nhóm VS-Mid Cap tăng 1%. VS-Large Cap là nhóm duy nhất giảm điểm với 0.8%.
Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE tăng mạnh 72.2% so với tuần trước đó; khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng mạnh hơn với 141.1%.
Tuần qua, thị trường đã chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường và giúp cho thanh khoản được cải thiện đáng kể. Lực cầu dàn trải trên diện rộng và tập trung mạnh nhất ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ như Khai khoáng, Bất động sản, Xây dựng và Thủy sản.
Hàng loạt các mã cổ phiếu điển hình như FLC, VNE, NTL, KSA, KSB, HQC, LCG, KTB... đều tăng điểm khá tốt đi kèm với khối lượng giao dịch mạnh. Đây cũng là động lực chính giúp duy trì sự hưng phấn của giới đầu tư và qua đó giúp cho chỉ số thị trường tăng điểm ở hai phiên giữa tuần.
Ở chiều ngược lại, giao dịch ở nhóm cổ phiếu bluechip diễn ra trầm lắng hơn. Áp lực bán ra xoay vòng ở những mã cổ phiếu chủ chốt như VNM, GAS, VCB, HAG, BVH, EIB, HPG... đã khiến cho giao dịch thị trường diễn ra khá giằng co ở hầu hết các phiên trong tuần.
Ở những phiên giao dịch cuối tuần, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn giữ được sức nóng, áp lực thoát hàng ở các mã cổ phiếu bluechip đã gia tăng mạnh hơn và khiến chỉ số thị trường thụt lùi trở lại.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng 269 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng khá đều đặn trong tuần qua. Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch cuối tuần, họ đã đẩy mạnh mua vào với giá trị lên đến 153.4 tỷ đồng, chủ yếu do mua ròng mạnh ở SII với 118.9 tỷ đồng.
Tổng cộng trong tuần qua trên HOSE, khối ngoại mua ròng với giá trị gần 255.7 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng tập trung mạnh nhất ở SII (118.9 tỷ đồng), với nhiều khả năng liên quan đến nhà đầu tư ngoại từ Oman; tiếp theo là PPC (21 tỷ đồng), HPG (20.8 tỷ đồng), OGC (19.2 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch bán ròng tập trung ở VIC với 24.5 tỷ đồng, HAG (15.2 tỷ), PET (11.2 tỷ)...
Nếu loại bỏ giao dịch đột biến ở SII thì khối ngoại mua ròng tổng cộng 136.8 tỷ đồng trong tuần qua trên HOSE.
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng với 13.4 tỷ đồng, tập trung ở SHB với 13.4 tỷ đồng, tiếp theo là VND (3 tỷ), NTP (2.6 tỷ); bán ròng tập trung mạnh nhất ở DBC với 7.6 tỷ đồng, PGS với 6 tỷ.
Khối tự doanh CTCK: Mua bluechip - xả cổ phiếu penny. Tính đến hết ngày thứ Năm (07/11), khối tự doanh các CTCK đã mua ròng tổng cộng 3,334,570 đơn vị, tương ứng với giá trị 89.7 tỷ đồng.
Khối tự doanh đẩy mạnh mua ròng ở hầu hết các phiên trong tuần. Lực mua vào chủ yếu xoay quanh ở các mã cổ phiếu có thị giá cao khi giá mua vào bình quân ở mỗi phiên đạt 19,800 đồng/cp. Tuy nhiên, khối tự doanh lại bán mạnh ở những mã cổ phiếu penny khi giá bán ra bình quân các phiên chỉ đạt 11,000 đồng/cp.
Phiên mua ròng mạnh nhất của khối tự doanh diễn ra hôm thứ Tư (06/11) với giá trị mua ròng đạt 40.2 tỷ đồng. Lực mua vào chủ yếu là các mã cổ phiếu bluechip khi giá bình quân mua vào trong phiên này đạt 23,800 đồng/cp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm áp đảo trong tuần qua với 19/24 ngành. CNTT-Truyền thông dẫn đầu đà tăng với 7.6%, tiếp theo là Xây dựng tăng 6.2%, DV chuyên môn-KHCN tăng 5.8% và Nông-Lâm-Ngư tăng 4.8%.
Nhóm cổ phiếu nóng đều tăng mạnh trong tuần này và Khai khoáng dẫn đầu với mức tăng 3.5%, tiếp theo là nhóm SX Thủy sản tăng 2.7%, nhóm Vận tải – Kho bãi tăng 1.6% và nhóm Bất động sản tăng 0.54%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là LCG tăng 28.9%, VTO tăng 22.5%, KMR tăng 18.4% và DXG tăng 17%. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý là PVL tăng 37.5%.
LCG tăng 28.9%. LCG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ những thông tin liên quan đến vụ mua bán dự án Sky Park Residence. Trong thông báo mới đây vào cuối tháng 8/2013 thì LCG đã có chủ trương chuyển nhượng lại dự án Sky Park Residence cho một đối tác khác. Tuy nhiên, mới đây đã xuất hiện nguồn thông tin không chính thống cho biết rằng việc chuyển nhượng này đã hoàn tất với mức giá 160 tỷ đồng.
Đây rõ ràng là thông tin khá tích cực đối với LCG vì việc bán dự án này sẽ giúp cho công ty có thêm nguồn tiền đầu tư hoặc cơ cấu lại nợ vay.
VTO tăng 22.5%. VTO tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ việc kết quả lợi nhuận quý 9T/2013 khả quan. Theo BCTC công bố mới đây, doanh thu 9T/2013 của VTO đạt 1,202 tỷ đồng, giảm nhẹ 2.1% so với 9T/2012, nhưng lợi nhuận trước thuế 9T/2013 đạt 31.5 tỷ đồng, cao hơn gần 3.3 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cả năm 2013 chỉ là 9.6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 9T/2013 của VTO đạt 23.4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cần để ý VTO đạt lợi nhuận vượt mức kế hoạch đề ra cho cả năm là nhờ lợi nhuận bất thường từ việc bán tàu Petrolimex 04. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
KMR tăng 18.4%. KMR tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ việc công bố kết quả kinh doanh quý 03/2013 với mức lãi tăng đột biến. Theo BCTC mới công bố, doanh thu 9T/2013 đạt 268.9 tỷ đồng, giảm 6% so với quý cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của KMR đạt hơn 14 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 30 tỷ đồng cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế được ĐHCĐ giao phó cho cả năm 2013 là 12.35 tỷ đồng.
Nguyên nhân được công ty giải trình là do cổ đông lớn của công ty là Mirae Fiber Tech Co. Ltd đã thanh toán bớt một phần công nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng. Do đó, công ty hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi một khoản tương ứng vào thu nhập khác và qua đó giúp cho lợi nhuận tăng vọt.
Đây cũng là khả năng mà chúng tôi đã đề cập trong một báo cáo phân tích trước đây.
DXG tăng 17%. DXG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ việc công bố kết quả kinh doanh quý 03/2013. Theo BCTC quý 03/2013, doanh thu thuần của công ty trong kỳ đạt 219.2 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2012.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong quý 3 DXG ghi nhận khoản doanh thu tài chính 40.3 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH DL - TM - SX và XD Lý Khoa Nguyên.
Đây cũng là nguyên nhân chính giúp cho LNST của công ty đạt 51.6 tỷ đồng, tăng 53% so với 9 tháng đầu năm 2012. Sau 9 tháng, DXG hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
PVL tăng 37.5%. PVL tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ thông tin tích cực liên quan đến việc cán bộ chủ chốt của công ty đăng ký mua thêm cổ phiếu. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Ngọc Sáu đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu, trong khi trước đó ông Sáu chưa nắm giữ cổ phiếu PVL nào. Nếu giao dịch thực hiện thành công, ông Sáu sẽ nắm giữ 10% vốn điều lệ của PVL. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh nhằm mục đích đầu tư cổ phiếu từ ngày 6/11/2013 đến ngày 5/12/2013.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là SII giảm 6.6%. Trên sàn HNX, không có cổ phiếu nào giảm điểm nổi bật.
SII giảm 6.6%. SII giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến việc CII đăng ký bán thỏa thuận hơn 7 triệu cổ phiếu này ở đầu tuần. Bên mua được cho là một nhà đầu tư ngoại đến từ Oman, đã mua vào trong phiên giao dịch cuối tuần.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Huỳnh Nhật Trình
công lý
|