Thứ Tư, 27/11/2013 14:54

Chứng khoán Đại Việt: dấu hỏi với kế hoạch “hồi sinh”

Theo thông báo mới nhất, CTCK Đại Việt (DVSC) sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên vào ngày 4/12/2013 để bàn và thông qua những nội dung quan trọng nhằm giúp Công ty “hồi sinh”.

Những động thái mới

Mặc dù thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ từ tháng 5/2013, nhưng đến nay DVSC mới chốt được ngày để tổ chức ĐHCĐ. Điều 97 Luật Doanh nghiệp quy định, công ty cổ phần phải họp cổ đông mỗi năm ít nhất 1 lần trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và nếu có gia hạn thì cũng không quá 6 tháng.

Trước đây, một số công ty bị phạt do tổ chức ĐHCĐ quá trễ, nhưng đối với DVSC thì không thấy có thông tin bị xử phạt.

Cuộc họp cổ đông lần này sẽ được tổ chức tại Tập đoàn Thiên Thanh. Đây là cổ đông lớn của DVSC, đồng thời là chủ mới của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), trước đây là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).

Theo dự thảo Nghị quyết ĐHCĐ được DVSC công bố, HĐQT nhiệm kỳ 2010 - 2015 sẽ có số lượng thành viên thay đổi từ 7 xuống còn 5, trong đó 3 người đến từ VNCB là ông Phan Thành Mai - Phó tổng giám đốc, ông Mai Hữu Khương - thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối kinh doanh và ông Nguyễn Quốc Viễn - Trưởng ban Kiểm soát.

Các thành viên HĐQT DVSC là người thuộc nhóm VNCB đã xin từ nhiệm gồm có ông Hứa Xường, ông Đỗ Hoàng Linh, ông Ngô Trí Đức và bà Ngô Nguyễn Đoan Trang. Hiện tại, một thành viên HĐQT là bà Lê Thị Bích Thuỷ đang giữ chức vụ quyền Chủ tịch do ông Xường xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch. Bà Trịnh Thị Tuyết Minh đại diện phần vốn của Sabeco tại DVSC cũng xin từ nhiệm thành viên HĐQT để ứng cử thành viên Ban kiểm soát.

Tại ĐHCĐ sắp tới, DVSC sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên 370 tỷ đồng, thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính.

Việc tăng vốn này chủ yếu nhằm giúp Công ty đáp ứng điều kiện để thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin). Hồi tháng 7/2013, DVSC đã bị phạt 70 triệu đồng do thực hiện nghiệp margin mà chưa được phép. Cùng với một số vi phạm khác, tổng số tiền phạt lần đó là 340 triệu đồng. DVSC cho biết, việc tăng vốn còn nhằm giúp Công ty cải thiện chỉ tiêu an toàn tài chính. Thực tế, dù đang bị âm vốn (vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ), nhưng DVSC vẫn có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng khá cao, lên đến 220% (thời điểm cuối tháng 6/2013).

Nhiều dấu hỏi

Tờ trình tăng vốn điều lệ lên 370 tỷ đồng viết: “Với đội ngũ HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành hiện nay là những người có tâm huyết, có trách nhiệm cao, có năng lực, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính ngân hàng, tài chính doanh nghiệp sẽ quản trị, điều hành và kiểm soát được quy mô hoạt động của Công ty, đảm bảo việc sử dụng vốn một cách có hiệu quả nhất”. Khi nói đội ngũ “hiện nay”, chắc DVSC muốn nói đến đội ngũ HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành “sắp tới”, chứ không phải những người đã nộp đơn xin từ nhiệm!

Cũng theo tờ trình này, DVSC sẽ phát hành 11 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 110 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, giá phát hành sẽ là 10.000 đồng/CP. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ bỏ tiền để mua cổ phiếu của DVSC với mức giá này? Ngay cả khi Tập đoàn Thiên Thanh hay VNCB mua thêm thì họ trông chờ gì ở DVSC? Tập đoàn Thiên Thanh liệu có đủ nguồn lực để vực dậy DVSC, khi mà hiện nay vẫn đang dồn sức cơ cấu lại VNCB?

Đáng chú ý, một trong những điều kiện để được phép thực hiện nghiệp vụ margin là không có lỗ lũy kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ. Vậy nhưng, tại thời điểm cuối tháng 9/2013, tỷ lệ này của DVSC là 70,64% do lỗ luỹ kế lên đến hơn 176,6 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 250 tỷ đồng.

Trong khi đó, DVSC xem nghiệp vụ margin là “nghiệp vụ có giá trị gia tăng quan trọng nhất trong bộ phận môi giới” đối với một CTCK. Với quan điểm này thì ngay cả khi tăng vốn thành công, DVSC cũng khó có thể cạnh tranh, vì trong ngành hiện có 24 CTCK có vốn điều lệ từ 390 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, 10 CTCK thuộc Top đầu trên HOSE đã chiếm 65,43% thị phần môi giới cổ phiếu tại đây và con số này trên HNX là 58,21%.

DVSC còn “kẹt cứng” với danh mục đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết. Tờ trình tăng vốn viết: “Danh mục tự doanh OTC của Công ty hiện tại rất kém thanh khoản và gần như không có khả năng hoà vốn khi thanh lý”. Như vậy, giá trị còn lại của DVSC là gì? Những câu hỏi nêu trên hy vọng sẽ được các thành viên HĐQT và Ban điều hành DVSC làm sáng tỏ tại cuộc họp ĐHCĐ sắp tới.

Kim Yến

đtck

Các tin tức khác

>   PXS: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 9 (27/11/2013)

>   HU3: Công văn đính chính số hiệu ngày ban hành Nghị quyết HĐQT (27/11/2013)

>   Vĩnh Hảo: Lấy ý kiến tăng vốn, ngân sách đầu tư dây chuyền mới (27/11/2013)

>   Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường (27/11/2013)

>   OCH: Giải trình chênh lệch hợp nhất Quí 3 2013 (26/11/2013)

>   VHC: 10 tháng xuất khẩu đạt 163 triệu USD (27/10/2013)

>   OCH: Giải trình biến động kết quả kinh doanh công ty mẹ Quý 3/2013 (26/11/2013)

>   PXS: Điều lệ Công ty năm 2013 (26/11/2013)

>   TIE: Giấy đăng ký doanh nghiệp của Cty con (26/11/2013)

>   CMV: Giải trình biến động kết quả kinh doanh Công ty mẹ và hợp nhất Q3/2013 (26/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật