Chất vấn “nóng” về giá cước 3G, công chức
Chiều nay (ngày 20/11), Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bắc Son. Trước đó, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Thái Bình , cái đại biểu tập trung vào nội dung liên quan đến chỉ tiêu, chất lượng công chức cũng như tham nhũng trong đội ngũ làm tổ chức cán bộ.
Toàn cảnh phiên chất vấn.
|
Cước 3G tăng phù hợp với lộ trình
Phần chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son liên quan đến công tác quản lý báo chí, thông tin, truyền thông; những giải pháp thúc đẩy thị trường viễn thông.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận), lo lắng về tình hình an ninh mạng hiện nay, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về nguy cơ an ninh mạng cũng như các giải pháp khắc phục?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, an toàn thông tin đang là thách thức lớn do nước ta sử dụng interrnet hàng đầu thế giới (top 20). Thực tế, đã xảy ra các vụ tấn công mạng xuyên biên giới; tấn công bằng hình thức từ chối dịch vụ; tấn công sử dụng mã độc…
Tất cả hoạt động đều liên quan đến CNTT. Thêm nữa, nhiều thiết bị mạng nhập ngoại nên thách thức càng lớn. Người sử dụng chưa cẩn trọng trong việc sử dụng mang cũng là nguyên nhân chính đến nguy cơ an ninh mạng.
Về giải pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập cơ quan ứng cứu khẩn cấp; đào tạo nhân lực an ninh thông tin mạng; tích cực triển khai dự án trọng điểm về an toàn an ninh thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế; đề nghị các cấp, các ngành tham gia vào phòng chống xâm phạm an ninh mạng…
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái), cho rằng trang thông tin điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều trang nội dung không lành mạnh. Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông làm gì để ngăn chặn?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đi thẳng vào vấn đề: Trong điều kiện bùng nổ thông tin thì nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin qua các trang thông tin mạng. Dù vậy, họ hạn chế trong kiểm chứng thông tin do môi trường “mở” nên nhiều phần tử xấu đưa thông tin sai lệch về kinh tế - xã hội, gây mất đoàn kết, xuyên tạc, bóp méo lịch sử… Để quản lý các trang thông tin, Bộ Thông tin đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP quản lý interrnet và đến nay có hiệu quả nhất định. Gần đây, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm quản lý thông tin chặt chẽ hơn. Giải pháp nữa, cần có kế hoạch thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, có như vậy báo chí mới có nhiều thông tin tốt; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra…
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) chất vấn: Việc tăng giá cước 3G đang gây bức xúc cho dư luận. Xin Bộ trưởng cho biết việc tăng giá cước 3G liệu có phù hợp? Thời điểm nào dịch vụ 4G chính thức cung cấp?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Điều chỉnh cước 3G đã tạo dư luận xã hội lớn, nhưng hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành bởi dịch vụ này không thể bán dưới giá thành. Trước đây, dịch vụ 3G ban đầu thu hút khách hàng nên đã giảm giá để cạnh tranh, nay sau một thời gian giá thành thấp thì tăng cũng dễ hiểu. Điều này nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Nhìn chung, giá cước viễn thông tại Việt Nam đang thấp hơn giá thế giới và khu vực hàng chục lần. Do đó, việc tăng cước 3G tăng rất bình thường, phù hợp với Luật Viễn thông, thêm nữa cũng góp phần đóng góp ngân sách cho đất nước. Ngoài ra, phần lớn thiết bị viễn thông nhập ngoại nên không thể mua thiết bị giá cao mà bán sản phẩm giá thấp.
Đối với dịch vụ 4G, nếu có đủ điều kiện mới đưa vào hoạt động. Hiện nay cơ quan chức năng đã cấp phép cho một số doanh nghiệp thử nghiệm dịch vụ này, dự kiến vào năm 2015 sẽ triển khai.
30% công chức yếu kém
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, các đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng làm rõ con số 30% công chức, viên chức không làm được việc, hay nói một cách hình tượng là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, đây là phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi phải đổi mới cải cách công tác cán bộ, quản lý cán bộ, viên chức, đổi mới công vụ nhiều hơn; cần các biện pháp toàn diện, đồng bộ trong tổ chức thực hiện để tìm được tiếng nói chung.
Ý thức được điều này, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt chương trình cải cách công chức, viên chức từ nay đến năm 2015. Phần đánh giá cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa phương, đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ Nội vụ "cũng có trách nhiệm".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP. Hà Nội): Liệu có hay không tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong chính đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Trung ương, cá nhân tôi và Bộ Nội vụ đặc biệt quan tâm vấn đề này. Bên cạnh đó, hai dự án luật Công chức và Viên chức đã nêu rõ nội dung phòng chống tiêu cực, tham nhũng. “Chúng tôi dự kiến trình Chính phủ xây dựng nghị định phòng chống tiêu cực trong việc tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng để các Bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong vấn đề tổ chức, cán bộ, khen thưởng” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công-viên chức, Bộ trưởng khẳng định: Đây là chủ trương lớn đã thực hiện nhiều năm qua. Thống kê số liệu trong quá trình thực hiện việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cho thấy: Biên chế công chức năm 2007 là hơn 228.000 người, năm 2012 là 274.000, tăng khoảng 15,09%. Biên chế viên chức năm 2007 là hơn 1,4 triệu người, đến năm 2012 tăng thêm 25,59%; năm 2013 thì đội ngũ công chức không tăng nhưng viên chức đang được xem xét cân đối.
Đặc biệt, giải pháp về quản lý và tinh giản biên chế nhiều đại biểu cũng rất quan tâm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, từ nay đến 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.
Thực hiện quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về biên chế thì trong hội nghị Trung ương 7 khóa XI vừa qua, do tính quan trọng đặc biệt của biên chế có quy định Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về biên chế hàng năm. Đây là lần đầu tiên trong cả nước Bộ Chính trị hàng năm nghe và cho ý kiến về biên chế.
Đổi mới cơ chế quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm, báo cáo với Quốc hội xác định vị trí việc làm đây là vấn đề mới, vấn đề khó và lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Do đó, Bộ Nội vụ cũng mong các bộ, ban, ngành của trung ương, các địa phương tập trung chỉ đạo, xem xét miêu tả công việc xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó bố trí đội ngũ công chức trong các lĩnh vực hành chính, đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, từng đơn vị.
Nguyễn Hải
công thương
|