202 đại biểu Quốc hội không tham gia chọn người chất vấn
Có đến 202 đại biểu đã không có chính kiến trong việc chọn người cho các phiên chất vấn trực tiếp ở kỳ họp Quốc hội thứ sáu này.
Thủ tướng và 4 vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội này
|
Sau 5 ngày gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về danh sách dự kiến người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, chiều nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo nội dung này.
Theo đó, đến chiều ngày 13/11/ 2013, có 296 đại biểu Quốc hội gửi lại ý kiến. Như vậy là có đến 202 vị đại biểu đã không tham gia chọn người chất vấn.
Bên cạnh một số vị có thể không nhận được phiếu xin ý kiến vì lý do khách quan, có nguyên nhân rất đáng chú ý được chính một số vị đại biểu lý giải. Đó là việc danh sách đưa 5 người dự kiến trả lời chất vấn để chọn 4, và không có mục để đề xuất thêm.
Tập hợp từ 296 phiếu có hồi âm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được 213 vị đồng ý chọn trả lời chất vấn. Con số tương tự của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là 243, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là 233, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là 226, và thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với 170 vị đề nghị.
Ngoài ra, có một số đại biểu đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành khác trả lời chất vấn trực tiếp như: Bộ trưởng Bộ Y tế (28 ý kiến); Bộ trưởng Bộ Công Thương (17 ý kiến); các bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng có từ 1 đến 3 đại biểu đề nghị.
Bình luận về những con số này, một số vị đại biểu có kinh nghiệm hoạt động nghị trường cho rằng, do phiếu xin ý kiến không có mục đề xuất thêm người khác nên nhiều vị đại biểu hiểu rằng chỉ được (nên) chọn trong danh sách in sẵn trên phiếu.
Cũng có vị cho rằng, có đề xuất thêm cũng vẫn chỉ nhận được câu trả lời “xin tiếp thu nhưng xin cho giữ nguyên như dự thảo” giống như ở nhiều nội dung khác, nên không thể hiện chính kiến.
Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp xem xét và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho tiến hành chất vấn đối với 4 vị là: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, sau đó Thủ tướng sẽ báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung và kết hợp trả lời chất vấn trực tiếp.
Đề nghị này được đưa ra trên cơ sở tổng hợp nội dung chất vấn từ đầu kỳ họp, tham khảo ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, kết hợp với việc xem xét ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp và những vấn đề nổi lên được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời cân nhắc đến các vị bộ trưởng, trưởng ngành chưa được bố trí trả lời chất vấn trực tiếp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay và bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, tư pháp, báo cáo nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông tin thêm, trong số những bộ trưởng có nhiều chất vấn tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận được 20 văn bản chất vấn và 17 ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trả lời chất vấn trực tiếp.
Do vào thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương được bố trí tham gia đoàn lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp vào lần sau.
Các nhóm vấn đề chất vấn và dự kiến các vị tư lệnh ở danh sách “chia lửa” cũng đã được chốt.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tập trung trả lời các nhóm vấn đề: việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đến việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, chuyển đổi giống cây trồng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo, tạm trữ cà phê;
Nội dung tiếp theo là trách nhiệm trong việc chậm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; trong công tác phối hợp quản lý chất lượng, giá cả và ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
Bộ trưởng các bộ: Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Các nhóm vấn đề dành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình là giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm… để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội.
Ở danh sách tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan có bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp.
Lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son sẽ tập trung trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với báo chí nói chung và báo mạng nói riêng trước tình hình an ninh văn hóa diễn biến phức tạp.
Nhóm vấn đề thứ hai là giải pháp quản lý những trang thông tin điện tử, ngăn chặn tác hại và chấn chỉnh những vi phạm trong việc kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online).
Trách nhiệm và giải pháp tăng cường quản lý thị trường viễn thông; khắc phục tình trạng sim rác, tin rác, tin quảng cáo rác trên điện thoại di động cũng là nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Bộ trưởng các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, các vấn đề sẽ phải trả lời khi đăng đàn là trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao trong hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án; nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật cũng là vấn đề dành cho Chánh án Trương Hòa Bình.
Sẵn sàng bên cạnh Chánh án là bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo chương trình chi tiết các phiên chất vấn thì vào cuối chiều ngày 21/11, sau khi báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp các vị đại biểu Quốc hội. Và thời gian đối thoại trực tiếp này dự kiến là 55 phút, từ 15h50 đến 16h45.
Chương trình các phiên chất vấn và trả lời chất vấn
(Từ ngày 19-21/11/2013, được truyền hình, phát thanh trực tiếp)
Thứ Ba, ngày 19/11/2013
Sáng
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì điều hành
* Từ 8h00 đến 8h15:
- Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
* Từ 8h15 đến 11h15 (giải lao từ 9h30-9h50):
Đại biểu Quốc hội thảo luận.
* Từ 11h15 đến 11h30:
- Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu kết thúc phần báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Chiều
* Từ 14h00 đến 14h15:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.
* Từ 14h15 đến 14h30:
- Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13.
* Từ 14h30 đến 17h00 (giải lao từ 15h30-15h50):
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn (Bộ trưởng các bộ: Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).
Thứ Tư, ngày 20/11/2013
Sáng
* Từ 8h00 đến 8h35:
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục trả lời chất vấn (các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm).
* Từ 8h35 đến 8h45:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Từ 8h45 đến 11h30 (giải lao từ 9h30-9h50):
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn (Bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).
Chiều
* Từ 14h00 đến 14h35:
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục trả lời chất vấn (các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm).
* Từ 14h35 đến 14h45:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ nội vụ.
* Từ 14h45 đến 17h00 (giải lao từ 15h30-15h50):
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn (Bộ trưởng các bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).
Thứ Năm, ngày 21/11/2013
Sáng
* Từ 8h00 đến 9h00:
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn (các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm).
* Từ 9h00 đến 9h10:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông.
* Từ 9h10 đến 11h30 (giải lao từ 9h30-9h50):
- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời chất vấn (Bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).
Chiều
* Từ 14h00 đến 14h50:
- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục trả lời chất vấn (các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm).
* Từ 14h50 đến 15h00:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
* Từ 15h00 đến 15h30 (giải lao từ 15h30-15h50):
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn.
* Từ 15h50 đến 16h45
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
* Từ 16h45 đến 17h00:
- Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
|
Nguyễn Lê
vneconomy
|