Thứ Tư, 09/10/2013 16:17

Vì sao Thép Việt gom cổ phiếu POM?

Không ít ông chủ doanh nghiệp mua gom cổ phiếu chính công ty mình để cứu giá trong thời gian qua. Ông chủ của Thép Việt – Đỗ Duy Thái cũng liên tục mua gom cổ phiếu Công ty Thép Pomina (POM). Vì sao ông Thái vẫn kiên trì với ý định này trong khi kết quả kinh doanh của Pomina đang kém khả quan?

Mua vì rẻ

Từ đầu năm 2013 tới nay, Thép Việt đã có ít nhất 4 lần gom mua cổ phiếu POM. Mới đây, Thép Việt lại đăng kí mua tiếp gần 6 triệu cổ phiếu POM nữa để nâng sở hữu lên trên 122 triệu cổ phiếu. Thời gian đăng kí mua là 26.9 – 25.10.2013. Vốn đã sở hữu phần lớn cổ phần POM, việc mua gom thêm cổ phiếu POM khiến nhiều người nghĩ rằng, Thép Việt đang củng cố quyền lực gia đình tại công ty này. Và với vị thế là một doanh nghiệp đã niêm yết, điều này có thể làm giảm tính minh bạch ở Pomina.

Ở đợt đăng kí mua cổ phiếu POM gần nhất, lí do được ông Đỗ Duy Thái công bố là để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Còn với góc độ một nhà đầu tư, khi trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Thái cho biết gom thêm cổ phiếu POM do nhận thấy giá cổ phiếu này đang khá rẻ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số tài chính, có thể thấy rằng giá cổ phiếu POM không hề rẻ.

Pomina đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2013 ở mức 200 tỉ đồng. Sau nửa năm, Pomina đã gánh chịu khoản lỗ gần 180 tỉ đồng. Với tình hình này, có vẻ Pomina phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đạt được kì vọng về mục tiêu kinh doanh. Cũng chính vì vậy mà cổ phiếu POM chưa được nhà đầu tư đánh giá cao. Nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận thì cổ đông cũng không có cổ tức. Cổ phiếu POM lúc này nếu có giảm giá thì cũng đúng với qui luật thị trường. Mặt khác, giá nhiều cổ phiếu ngành thép đang nằm dưới giá trị sổ sách như NKG (Thép Nam Kim), HLA (Hữu Liên Á Châu), TLH (Thép Tiến Lên)… Giá cổ phiếu POM đang nằm ngang giá trị sổ sách trong khi lợi nhuận trên cổ phiếu không có đã là một điều may. Bởi vậy, nói giá cổ phiếu POM đang rẻ hẳn chưa phải là lí do thuyết phục.

Nhưng ông Thái lại nghĩ khác. Bằng tầm nhìn của một nhà đầu tư công nghiệp dài hạn, ông Thái nói giá cổ phiếu POM đáng lẽ phải cao hơn thế.

Quan niệm “rẻ” của ông Thái là nhìn vào tương lai dài hạn. Hiện tại, Pomina đang sở hữu nhiều lợi thế của một doanh nghiệp hàng đầu ngành thép xây dựng. Theo thống kê của Hiệp hội Thép trong năm 2012, Pomina đứng đầu thị phần cả nước. Pomina cũng sở hữu 3 nhà máy thép (Pomina 1, 2, 3) với công nghệ châu Âu, hiện đại nhất khu vực. Với công nghệ tiết kiệm điện, sắp tới Pomina sẽ sống khỏe so với những doanh nghiệp thép khác khi giá điện đang đi theo xu hướng tăng. “Thép Pomina có chất lượng cao, sẽ là ưu thế giúp Công ty dễ dàng mở rộng thị trường khi kinh tế hồi phục”, ông Thái tự tin cho biết.

Về hoạt động kinh doanh, lí giải về kết quả lỗ lớn trong sáu tháng đầu năm, ông Thái nói rằng đó là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát. Ngoài yếu tố tỉ giá USD/VND điều chỉnh tăng 1% hồi cuối tháng 6.2013, giá thép nguyên liệu giảm cũng là nguyên nhân góp phần khiến Pomina lỗ lớn. Dù có nhà máy sản xuất phôi thép nhưng nguyên liệu đầu vào là thép phế thì Pomina phải nhập. Đến cuối tháng 8.2013, giá thép phế ước giảm khoảng 10 -15% so với cùng kì. Do tích trữ hàng từ trước nên khi giá thép phế giảm đã tạo nên áp lực lớn với Pomina khi giá thép thành phẩm cũng giảm theo.

“Bùa hộ mệnh” Thép Việt

Dưới góc nhìn của ông Thái, khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời. “Nhiều đơn vị thấy thị trường khó khăn làm giảm giá cổ phiếu thì xuống tinh thần, thậm chí bán ra với giá rẻ”, ông bộc bạch. Ông cho biết, do Thép Việt có tiềm lực tài chính khá vững nên còn đủ sức mua vào. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp thiếu tiền đành để cổ phiếu bị thị trường đánh giá thấp hơn giá trị thực.

Hỗ trợ một công ty mà phần lớn cổ phần do mình sở hữu như trường hợp của ông Thái cũng là điều dễ hiểu, nếu đủ tiềm lực. Nhưng về lâu dài, nếu thị trường diễn biến không như kì vọng, ngành thép khó khăn hơn, chắc chắn rủi ro mà ông Thái ôm vào cũng rất lớn, ít nhất là về mặt dòng vốn. Nói về vấn đề này, dù không tiết lộ cụ thể nhưng ông nói khá chắc chắn: “Vốn chủ sở hữu của Thép Việt hiện còn rất lớn so với qui mô của Pomina nên không phải lo chuyện đó”. Theo ông Thái, trong thời điểm hiện tại, rất khó để các nhà đầu tư bên ngoài có cùng góc nhìn về giá trị công ty như các cổ đông nội bộ. Bởi vậy, vốn là người gầy dựng và hiểu rõ nhất tương lai của Pomina, ông Thái vẫn mua gom khi cho rằng cổ phiếu này đang rẻ.

Không chỉ mua gom cổ phiếu, Thép Việt còn hỗ trợ Pomina tái cấu trúc hoạt động chờ cơ hội khi thị trường phục hồi. Nhất là về mặt tài chính. Cụ thể, nợ ngắn hạn hồi cuối tháng 6.2013 của Pomina đã giảm được gần 20% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản vay và nợ ngắn hạn, chủ yếu là vay ngân hàng đã giảm được gần 90%, từ mức gần 4.000 tỉ đồng xuống còn gần 490 tỉ đồng.

Giảm mạnh nợ vay ngắn hạn, chủ yếu là vốn lưu động cũng tạo ra rủi ro về nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhất là lượng tiền mặt của Pomina đến cuối quý II.2013 cũng giảm còn một nữa so với thời điểm đầu năm. Để hóa giải áp lực này, một mặt Pomina phải tiết giảm mọi chi phí có thể. Theo ông Thái, Pomina đã thực thi các biện pháp nhập hàng ít, hạn chế hàng tồn kho, tiết kiệm phí kho bãi, thương lượng với nhà cung cấp để được trả chậm…

Mặt khác, Pomina còn nhận được sự hỗ trợ gián tiếp của Thép Việt về mặt tài chính. Với nhà phân phối, Pomina tăng thu tiền mặt để bù đắp khoản nợ ngắn hạn. Khoản phải thu của Pomina cuối tháng 6.2013 đã giảm 26%, tương đương 610 tỉ đồng, khá mạnh so với cùng kì năm rồi.

Nhà phân phối của Pomina hiện nay chính là Công ty Thương mại Pomina, công ty liên doanh giữa Thép Việt và Pomina. Nói là liên doanh nhưng về bản chất, quyền lực chủ yếu cũng tập trung tại Thép Việt. Ông Thái khẳng định, thông qua công ty này, Thép Việt đã hỗ trợ Pomina giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ vậy Pomina mới yên tâm về đầu ra và có đủ nguồn lực giảm nợ vay ngân hàng.

Thép Việt đã và đang là “bùa hộ mệnh” của Pomina trong hiện tại. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu của công ty vẫn không có sự tiến triển nhiều trong suốt năm qua. Về dài hạn, sự hỗ trợ của Thép Việt chưa hẳn sẽ tốt cho Pomina. Bởi vậy, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng Pomina với sở hữu hơn 90% cổ phần tại Công ty hiện nay vẫn là anh em nhà họ Đỗ, nên tư nhân hóa hoàn toàn. Và biết đâu, việc rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán có thể sẽ là một lựa chọn khả quan hơn trong tương lai cho Pomina?.Thế giới cũng không thiếu những doanh nghiệp gia đình có qui mô và thành công lớn nhưng không niêm yết. Có thể kể đến những doanh nghiệp cùng tên của gia đình Cargill, Koch hay IKEA của Ingvar Kampard…

Ngọc Dương

ncđt

Các tin tức khác

>   KLF: Lại thêm cổ đông lớn chốt lời (09/10/2013)

>   DAE: MeKong Portfolio Investments Limited nâng sở hữu lên thành 13.57% (09/10/2013)

>   DHA: Thành viên BKS Trần Quốc Trung đăng ký mua 5,000 cp (09/10/2013)

>   SII: Đính chính thông tin thành đăng ký bán hết 15,000 cp (09/10/2013)

>   XMC: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền bất ngờ nắm giữ gần 10% (09/10/2013)

>   6 nhà đầu tư đã chuyển nhượng 7.8 triệu cp MBB cho MSB (09/10/2013)

>   TNY: Trưởng BKS Nguyễn Văn Tạo đăng ký nhận chuyển nhượng 54,000 quyền mua (09/10/2013)

>   SGD: Ông Ngô Trọng Quang và người liên quan giảm sở hữu xuống 15.8% (08/10/2013)

>   JSC: Phó GĐ Trần Mạnh Toàn đăng ký bán hết 187,010 cp (08/10/2013)

>   SII: Công ty Tư vấn Quản lý BDSC đăng ký bán 15,000 cp (08/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật