Trả vàng lại cho thị trường
Tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu năm 2013 vừa diễn ra tại TP Huế, PGS TS Ngô Trí Long đã có bài viết về quản lý thị trường vàng ở nhiều góc độ. Trong đó, có quan điểm NHNN cần thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, phát hành chứng chỉ vàng dài hạn, không để NHTM kinh doanh. Quan điểm của các chuyên gia, DN, nhà quản lý về vấn đề này ?
“Của Caesar trả lại cho Caesar”
Trong những ngày gần đây, mức chênh lệch của giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đã được kéo về khá thấp. Nguyên do từ nhiều phía. Thứ nhất, phải nói rằng đó là kết quả của các biện pháp hành chính đã phát huy tác dụng, bao gồm việc NHNN kiểm soát khâu nhập khẩu nguyên liệu để nhập vàng miếng SJC và qua đó, hạn chế tối đa nguồn vàng lậu tung ra thị trường. Ngoài ra, Nghị định 95/2011 của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, trong đó có quy định mức phạt cao nhất với các vi phạm về quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng là 500 triệu đồng thay vì 70 triệu đồng theo quy định trước đây, đã thực sự là một biện pháp hành chính mạnh ngăn chặn các hành vi vi phạm về kinh doanh vàng và ngoại hối nói chung.
Tuy nhiên, biện pháp hành chính phát huy nhưng biện pháp kinh tế thì thực tế vẫn chưa phát huy tác dụng. Hiện tại, thị trường vàng đang hồi phục và trong nước đang tăng nhẹ mà nguyên nhân có một phần là độ dao động hiện nay chưa đủ mạnh để tạo sóng. Giả dụ trong trường hợp giá vàng quốc tế dao động mạnh hơn, hoặc xuống sâu hơn, mức chênh lệch giá 2 thị trường sẽ cao lên và mặt khác, nếu cơ quan quản lý không có giải pháp kiểm soát, tác động sẽ không chỉ lên giá vàng và thị trường mà còn lên tỷ giá.
Tôi đồng thuận với TS Võ Trí Long rằng đã đến lúc “cái gì của Caesar thì nên trả lại cho Caesar”. Nên trả vàng lại cho thị trường và các DN được kinh doanh vàng miếng như bình thường. Ở góc độ DN, tôi cũng ủng hộ ý kiến đã được nêu khá lâu là nên lập sàn giao dịch vàng và chuyển giao dịch vàng vật chất sang vàng tài khoản, với chứng chỉ vàng.
Chênh lệch giá vàng chảy vào túi các TCTD
Theo Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng, thị trường kinh doanh vàng miếng phần lớn là của chính các TCTD. Hiện tại có 22 TCTD (thuộc ngân hàng) và 17 DN đã được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. Qua quan sát các phiên đấu thầu cho thấy, tổng số thành viên tham gia mỗi phiên giao động từ 16 - 22 thành viên. Trong đó mỗi phiên đấu thầu, số DN tham gia dao động từ 3 đến 6 thành viên.
Vậy tại sao số lượng các DN tham gia đấu thầu vàng lại thấp? Bởi, điều kiện mà NHNN đưa ra mức đặt thầu tối thiểu những phiên đầu là 500 lượng, còn những phiên sau là 1.000 lượng, thì những DN nhỏ không có đủ tiềm lực tài chính để tham gia. Với tỷ lệ đặt thầu tối thiếu là 1.000 lượng/phiên, giá mỗi lượng khoảng 41-42 triệu đồng, cộng với 10% trị giá tiền đặt cọc nữa, tổng cộng sẽ mất tối thiểu khoảng 45-46 tỉ đồng/phiên, đòi hỏi các DN phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu.
Do vậy, các DN như Bảo Tín Minh Châu, Cty Kinh doanh vàng Agribank…. phải ngưng, do không đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định 24 đặt ra. Với những điều kiện trên, cuộc chơi trên thị trường phân phối vàng miếng sẽ thuộc về các TCTD. Bởi các TCTD mới đáp ứng được điều kiện này. Trong khi chức năng chính của các TCTD là kinh doanh tiền tệ.
Thực chất số vàng đấu thầu được không đưa ra thị trường, mà chảy vào túi các TCTD. Trong khi đó, các DN được phép kinh doanh vàng có bề dày kinh nghiệm, có chuyên môn sâu, có mạng lưới rộng mua bán vàng, nhưng không có đủ nguồn hàng để kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu mua bán vàng của người dân. Thị trường vàng miếng chỉ có thể thông suốt khi cơ chế quản lý tuân theo đúng quy luật của thị trường - quy luật cạnh tranh lành mạnh.
Chuyên nghiệp hóa thị trường vàng
Nhà nước cần tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng có cơ hội như nhau tham gia thị trường vàng, không nên đặt ra các rào cản làm hạn chế sự tham gia của bất cứ thành phần kinh tế nào.
Đơn cử như việc đấu thầu vàng, số lượng DN có đủ điều kiện tham gia đấu thầu thường rất hạn chế. Những quy định như đặt thầu tối thiểu 1.000 lượng/phiên khiến DNVVN không thể tham gia vì các DN kinh doanh vàng không thể huy động ngay một lúc 40 – 50 tỷ đồng. Đã vậy, NHNN lại cấm các NHTM cho các Cty kinh doanh vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng. Do đó, hầu hết chỉ có NHTM mới là người làm chủ cuộc chơi. DNVVN bị loại ngay từ vòng đầu.
Theo tính toán của chúng tôi, hầu hết các phiên đấu giá vàng của NHNN các NHTM đều trúng thầu khoảng 90% số vàng đấu thầu. Trong khi đó, các NHTM lại có kinh nghiệm rất hạn chế về kinh doanh vàng. Ngược lại, các DN được phép kinh doanh vàng có bề dày kinh nghiệm, có chuyên môn sâu, nhưng không có đủ nguồn hàng để kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu mua bán vàng của người dân.
Muốn thị trường vàng vận hành tốt thì cách duy nhất là phải tạo niềm tin cho người dân và DN. Các giao dịch vàng của người dân sẽ rất thuận lợi khi làm việc với những DN chuyên nghiệp. Người dân còn chưa tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của NHTM trong kinh doanh vàng thì làm sao có thể thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng “vàng tín chỉ”. Qua đó, thói quen dự trữ vàng vật chất trong dân cũng không thể thay đổi được.
Một nguồn lực khổng lồ ước tính khoảng 400 – 500 tấn vàng tương đương khoảng 15 – 16 tỉ USD đang nằm kẹt trong dân rất lãng phí.
Chênh lệch giá vàng NSNN hưởng lợi
Tôi cho rằng việc các chuyên gia và người dân quan tâm, góp ý đến chính sách của nhà nước về quản lý thị trường vàng cần được coi trọng. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến này để hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình.
Việc NHNN thực hiện Nghị định 24 về quản lý vàng miếng cơ bản tích cực. Kết quả quan trọng nhất mà chúng ta đạt được là toàn bộ những vấn đề rủi ro liên quan đến huy động và cho vay vốn bằng vàng đã được loại trừ ra khỏi hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).
Trước đây, hoạt động huy động, cho vay kinh doanh vàng đã tạo ra những rủi ro rất lớn. Đến nay, các TCTD khác không còn lao vào thị trường này và thực trạng vàng hóa trong TCTD đã được giảm mạnh. Cho đến thời điểm này không còn các cơn sốt vàng và USD trong ngắn hạn.
Tôi được biết rất nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn giá vàng trong nước và thế giới phải cân bằng. Trước đây mức chênh lệch lớn là 6 -7 triệu đồng thì hiện chỉ còn dao động khoảng 2 - 3 triệu đồng. Thời gian qua, NHNN đã nhập khẩu và bán đấu giá khoảng gần 60 tấn vàng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Toàn bộ phần chênh lệch giá được nộp vào NSNN. Đây là một trong các nguồn thu quan trọng từ hệ thống ngân hàng cho NSNN trong năm 2013. Trước đây, nguồn chênh lệch giá vàng rơi các nhà đầu cơ và các nhà kinh doanh vàng được hưởng lợi.
Có thể nói, để quản lý thị trường là rất khó khăn trong việc duy trì ổn định trật tự, NHNN sẽ có một báo cáo riêng gửi đến Quốc hội và đại biểu Quốc hội về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng trong phiên họp tháng 10 tới.
NHNN sẽ có một báo cáo riêng gửi đến Quốc hội và đại biểu Quốc hội về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng trong phiên họp tháng 10 tới.
Phương Hà, Mỹ Ý, Bá Tú thực hiện
diễn đàn dn
|