Thứ Sáu, 04/10/2013 08:18

Tồn kho cao như núi, nhà máy đường “dọa chết“ vì hàng lậu

“Năm nay, chúng tôi yếu lắm rồi nên trong 41 nhà máy sẽ có nhà máy chết. Một khi nhà máy đường đóng cửa thì vùng nguyên liệu mía đường sẽ mất đi. Thực tế cho thấy, Tây Ninh từng là “thủ phủ” của cây mía nhưng hiện nay thì nông dân đã chặt phá đi gần nửa rồi”, Tổng Giám đốc Công ty (Cty) cổ phần Bourbon Tây Ninh (HOSE: SBT) bức xúc.

Cuộc chiến đường lậu chưa có hồi kết, thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khiến doanh nghiệp lao đao, người trồng mía điêu đứng…

Vụ đường đắng ngắt

Theo ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2012 - 2013, 41 nhà máy đường trong cả nước đã sản xuất được 1,53 triệu tấn đường thành phẩm. Đáng lo ngại, lượng đường tồn kho cao ngất ngưởng ở mọi thời điểm. Đầu vụ tồn kho chỉ ở mức 178.000 tấn thì đến tháng 5/2013, lượng đường tồn kho tăng đến mức kỷ lục là 580.000 tấn. Đến thời điểm hiện tại, lượng đường tồn kho vẫn còn ở mức trên 400.000 tấn. Trong đó, chủ yếu là đường tinh luyện (RE).

Hiện đường RE tiêu thụ với giá rất thấp, khoảng 14.500 – 15.000 đồng/kg, trong khi niên vụ mùa tới 2013 - 2014 đã bắt đầu. Ông Hải lo lắng, với lượng tồn kho cao như vậy sẽ tác động làm cho giá đường vụ mới cũng sẽ bị hạ thấp, đồng thời có thể sẽ tác động mạnh đến giá mía, không giữ được như vụ qua, đẩy các nhà máy đường vào thế khó khăn chồng chất và có nguy cơ phá sản.

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam có lượng đường tồn kho cao nhất trong các nhà máy đường hiện nay, với lượng tồn lên đến 38.000 tấn. Trong khi đó, ông R.Subbaiah - Tổng Giám đốc Công ty cho hay, nhiều đối tác đã đơn phương hủy hợp đồng để quay sang mua lượng đường tạm nhập tái xuất.

Ông R.Subbaiah giải thích, chính sách tạm nhập tái xuất của Chính phủ Việt Nam hiện còn “quá nhiều lỗ hổng”. Lợi dụng “lỗ hổng” từ cơ chế này, hàng loạt đối tượng đã đăng ký tạm nhập đường nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo… để xuất khẩu. Thậm chí, kể cả tạm nhập đường thô để luyện thành đường tinh luyện rồi xuất khẩu. Điều này chẳng khác nào là hợp thức hóa việc buôn lậu đường qua tạm nhập tái xuất.

Tương tự, ông Lê Xuân Quang - Tổng Giám đốc Công ty Mía đường La Ngà (DuongLaNga) cũng cho hay, hiện công ty còn tồn kho khoảng 10.000 tấn đường luyện. Công ty CP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) cũng đang tồn kho khoảng 12.000 tấn đường RE. Và, để giải quyết lượng đường tồn này, nhiều doanh nghiệp cho rằng buộc phải hạ giá thấp để cạnh tranh lẫn nhau trong thời gian tới. Nếu không, có thể dẫn đến cảnh nhiều nhà máy đường sẽ phải phá sản, hàng vạn nông dân phải “chia tay” với cây mía.

Đường lậu hoành hành

Ông Nguyễn Hải cho biết, nguyên nhân dẫn dến tồn kho cao như hiện nay là do đường lậu hoành hành trên khắp các nẻo đường từ Bắc vào Nam. Ở miền Bắc thì cảng Hải Phòng là nơi tập kết của đường lậu “nóng” nhất. Miền Trung có dòng sông Sê Pô, chạy qua Khu kinh tế thương mại Lao Bảo, Quảng Trị ngày đêm tấp nập buôn bán đường lậu. Đặc biệt, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam tại tỉnh An Giang quá lớn.

“Với xuất xứ đường lậu từ quota C của Thái Lan có lợi thế về giá và trốn thuế nên đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được”, ông Hải nhấn mạnh.

VSSA cho rằng, trong năm 2013, lượng đường lậu có thể lên tới 500.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng đường của cả nước. Thêm vào đó, Bộ Công Thương chỉ cho xuất khẩu đường cấp thấp (RS) do lo sợ mất lượng cân đối cung cấp RE cho sản xuất trong nước. Nhưng thực tế trong nước, do những cơ sở sản xuất nhỏ thường tiêu thụ đường nhập từ Thái Lan nên nguồn cung lậu này làm giảm nguồn cầu đường RE từ các nhà máy trong nước. Hơn nữa, sức mua trong nước kém làm trồi lên lượng đường RE rất cao.

“Nước người ta sản xuất đường rồi thản nhiên vào nước ta bán mà không mất thuế. Như vậy làm sao mà chúng tôi cạnh tranh được. Năm nay chúng tôi yếu lắm rồi nên trong 41 nhà máy sẽ có nhà máy chết. Một khi nhà máy đường đóng cửa thì vùng nguyên liệu mía đường sẽ mất đi. Thực tế cho thấy, Tây Ninh từng là “thủ phủ” của cây mía nhưng hiện nay thì nông dân đã chặt phá đi gần nửa rồi”, ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty CP Bourbon Tây Ninh bức xúc.

Trước tình hình này, VSSA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu đường tiểu ngạch không hạn chế chủng loại, số lượng xuất khẩu thì căn cứ vào dự báo lượng dư thừa. Việc cấp phép phải kịp thời, công khai minh bạch và thông thoáng thủ tục. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để hơn nạn nhập lậu đường, đặc biệt là biên giới thuộc Châu Đốc – An Giang, và kiểm soát chặt chẽ đường tạm nhập tái xuất nếu chưa cho ngừng hoạt động.

Ngọc Quý

Pháp Luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Ông trùm Gỗ Trường Thành có một năm để thoát nợ (04/10/2013)

>   VCB: Lãi trước thuế 9 tháng ước đạt 4,000 tỷ đồng (03/10/2013)

>   VNR: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (công ty mẹ) (03/10/2013)

>   NIS: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (công ty mẹ) và giải trình (03/10/2013)

>   PXM: Xác nhận của Đơn vị kiểm toán và giải trình BCTC SX bán niên năm 2013 (03/10/2013)

>   MPC: Sẽ chào bán gần 27 triệu cp Minh Phú Hậu Giang (03/10/2013)

>   LBM: Quy chế Quản trị Công ty năm 2013 (03/10/2013)

>   DHG: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty con (03/10/2013)

>   PVI: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (công ty mẹ) (03/10/2013)

>   PGT: Giải trình hạn chế phạm vi kiểm toán tại BCTC bán niên soát xét 2013 (03/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật