Thị trường BĐS tiếp tục đứt gãy
Thêm đại gia BĐS Hà Nội bị bắt, thêm dự án bị tố, thị trường BĐS tiếp tục nối dài với những tranh chấp, kiện tụng.
Đại gia bị bắt, nhức nhối trăm tỷ đồng
Trong suốt 3 năm BĐS rơi vào cảnh ảm đạm, đóng băng, thị trường liên tục chứng kiến những tranh chấp, kiện tụng gay gắt giữa khách hàng và chủ đầu tư mà chưa thể ngã ngũ. Sau một thời gian im ắng, giờ đây thị trường lại tiếp tục dậy sóng. Những con sóng tranh chấp bồi thêm những rạn nứt của thị trường BĐS vốn đã thừa tranh chấp, loạn đấu tranh.
Sau những cú ngã ngựa của hàng loạt đại gia, vừa qua thêm một đại gia BĐS Hà Nội tiếp tục dính vào vòng lao lý. Cơ quan CSĐT C46 Bộ Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Tuẫn – Nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội.
Dự án B5 Cầu Diễn đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
|
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuẫn bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng do có liên quan tới Dự án Khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp hơn 100 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2009-2010, với vai trò làm tổng giám đốc ô,ng Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn.
Trong đó, tỷ lệ góp vốn Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội là quyền sử dụng đất chiếm 40%, Tập đoàn Housing là 60% góp bằng tiền mặt để thực hiện dự án.
Căn cứ vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Housing, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên số tiền trên đã không được dùng vào dự án mà bị ông Tuẫn sử dụng vào việc khác. Cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Với ông Tuẫn cơ quan điều tra sẽ dần bóc tách những sai phạm, nhưng với những nhà đầu tư vẫn còn đó câu hỏi nhức nhối với cả trăm tỷ đồng giờ sẽ ra sao và bao giờ trở lại?
Thêm dự án bị tố
Cũng trong tuần qua (ngày 28/9), BĐS Hà Nội lại đón sóng đấu tranh của nhiều nhà đầu tư tại dự án Chung cư Binh đoàn 12 đi đòi quyền lợi với số tiền góp vốn từ 3 năm trước.
Dự án Chung cư Binh đoàn 12 tại thôn Ngọc Đại (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) do Binh đoàn 12 và Công ty Cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư. Đây là khu đất trước đây vốn là đất công nghiệp nằm ngoài vùng phát triển đô thị thành phố trung tâm. Tới tận thời điểm tháng 10/2011, UBND TP.Hà Nội mới điều chỉnh chức năng khu đất sang làm khu dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở chung cư. Nhưng ngay từ đầu năm 2010, Công ty Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (CenGroup) đã tiến hành huy động vốn của người mua.
Khách hàng tại dự án Chung cư Binh đoàn 12 đấu tranh đòi quyền lợi.
|
Theo đó, các khách hàng khi mua căn hộ của Binh đoàn 12 đều phải làm một hợp đồng vay vốn với Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ, thuộc CenGroup, do bà Trần Thị Thanh Bình làm giám đốc (bà Bình cũng đồng thời là vợ của Nguyễn Trung Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn CenGroup).
Theo các điều khoản của hợp đồng này, khách hàng sẽ đồng ý cho CenGroup vay số tiền góp vốn bằng 30% giá trị căn hộ trong thời hạn 9 tháng. Đổi lại, khách hàng sẽ được quyền mua căn hộ của CenGroup, mỗi căn hộ có diện tích từ 69 - 82m2 với giá là 14 triệu/m2. Ngoài phần góp vốn này, mỗi khách hàng còn phải trả cho CenGroup số tiền chênh lệch 2,2 triệu/m2. Thời gian giao nhà dự kiến giao do chủ đầu tư cam kết là vào cuối Quý I năm 2012.
Bằng chiêu tuyên bố rằng dự án này đã được phê duyệt và tiến hành việc huy động vốn của những người có nhu cầu, hàng trăm khách hàng đã trở thành nạn nhân của dự án “ma”, chưa được phê duyệt mà CenGroup đã giăng ra. Căn cứ vào những điều khoản nhà đầu tư đã ký kết trước đó, CenGroup phải trả lại tiền cho khách hàng từ rất lâu nhưng đến nay đã gần 3 năm trôi qua, nhiều khách hàng chưa nhận được một đồng hoàn trả nào.
Sau nhiều lần gửi kiến nghị, yêu cầu đến chủ đầu tư nhưng chỉ nhận được sự chây ì, không tôn trọng cam kết, ngày 27/9, nhiều khách hàng đã kéo tới trụ sở của CenGroup tại số 137 Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng muốn làm việc trực tiếp với TGĐ Nguyễn Trung Vũ, Phó TGĐ Trần Thị Thanh Bình và Phạm Thanh Hưng. Tuy nhiên, các nhân viên của CenGroup kiên quyết không mở cửa cho vào.
Đến sáng ngày 28/9, rất đông khách hàng có mang theo khẩu hiệu tập trung tại trụ sở chính của CenGroup yêu cầu được làm việc với lãnh đạo công ty nhưng bất thành. Liệu CenGroup có thể tiếp tục làm ngơ, chây ì, vô trách nhiệm trước quyền lợi của hàng trăm nhà đầu tư?
Khi thị trường bất động sản sôi động, việc mua đi bán lại diễn ra chóng vánh, thậm chí khách hàng tranh nhau để được mua nhà. Nhiều dự án "hot" đã hết sạch ngay từ khi còn trên giấy.
Đến khi thị trường lâm vào cảnh khó khăn, nhiều chủ đầu tư “sống dở chết dở”, không ít chủ đầu tư gần như tháo chạy khỏi thị trường, liên tục trì hoãn hoặc "chây ì" không chịu hoàn trả lại tiền cho khách hàng.
Trong cơn say lợi nhuận, những người mua nhà đã phó thác tiền tỷ vào tay các chủ đầu tư để rồi nhận lại những trái đắng. Trong cảnh chợ chiều, thị trường BĐS vẫn nối dài với những đứt gãy, nhức nhối với những câu hỏi trăm tỷ, nghìn tỷ. Nhiều chủ đầu tư, nhiều dự án vẫn tiếp tục nín thở.
Hồ Kha
vietnamnet
|