Chủ Nhật, 27/10/2013 15:08

Thấy gì từ vụ chuyển giá của Keangnam

Cuộc chiến chống chuyển giá tại các DN FDI đang được ngành thuế thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, phía sau cuộc chiến này, ngành thuế nhận thấy những lỗ hổng pháp lý quá lớn để các DN có thể lách qua, như trong trường hợp của Keangnam Vina.

Đại gia bất động sản Hàn Quốc, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất VN – Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỉ đồng. Với tổng giá trị bị điều chỉnh lớn như vậy, toàn bộ số lỗ mà Cty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, 100% vốn Hàn Quốc khai báo phát sinh 2007 - 2011 đã hiển nhiên giảm hết.

“Nghệ thuật” dàn xếp giá nội bộ

Chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark trong 5 năm qua luôn than lỗ. Tính tới năm 2011, khi tòa nhà bắt đầu vận hành, với doanh thu đạt trên 5.200 tỉ đồng, Cty này vẫn báo lỗ 140 tỉ đồng.

Tháng 5/2007, để chuẩn bị tài chính cho dự án tổ hợp Keangnam Vina đã ký hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Kookmin Bank. Cho đến nay, Cty này đã vay tổng cộng 400 triệu USD từ ngân hàng này và tổng số lãi vay và chi phí tài chính của việc vay đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia của Cục Thuế Hà Nội tính toán rằng Keangnam Vina đã trả lãi suất trung bình khoảng 12% mỗi năm cho khoản vay từ Kookmin Bank. Trong khi đó, lãi suất vay vốn bằng USD tại VN trong thời gian gần đây chỉ dao động trong khoảng từ 5 - 7% mỗi năm. Rõ ràng Keangnam Vina đã tiến hành một giao dịch liên kết. Tuy nhiên, VN hiện chưa có quy định khống chế mức trần lãi suất tiền vay bằng ngoại tệ (nhất là với trường hợp DN hoạt động trên lãnh thổ VN vay đối tác nước ngoài dưới các hình thức: cung ứng tín dụng, phát hành trái phiếu quốc tế). Quy định hiện hành cho phép các ngân hàng tự định ra lãi suất đối với khách hàng theo hình thức thỏa thuận, qua đó thật khó để đưa ra một kết luận nào đó mà không đi kèm tranh cãi vì không có căn cứ pháp lý vững chắc.

Không chỉ có chênh lệch lãi suất, một chi tiết khác cũng khiến các chuyên gia ngành thuế đặt câu hỏi: tổng cộng, một khoản tiền lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỉ đồng (tỉ giá năm 2008) đã được Keangnam Vina hạch toán vào chi phí tài chính với tên gọi là “phí cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay”.

Đáng chú ý là việc Keangnam Vina đã ký hợp đồng xây dựng với Cty Keangnam Enterprises, cũng là một thành viên trong tập đoàn Keangnam Investment tại Hàn Quốc, theo hình thức chìa khóa trao tay. Hợp đồng này đưa lại cho Keangnam Enterprises một khoản doanh thu và đi theo đó là một khoản lợi nhuận khủng, lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trong tình huống này, Keangnam Enterprises có hai lựa chọn: hoặc đóng thuế thu nhập DN theo tỉ lệ phần trăm trên lợi nhuận, hoặc đóng thuế nhà thầu theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu sau khi đã trừ đi doanh thu của các nhà thầu phụ.

Keangnam Enterprises sau đó đã chọn cách thứ hai. Khi kiểm tra lại trên các chứng từ và tính toán chi tiết, các chuyên gia ngành thuế phát hiện rằng mức thuế phải nộp theo cách thứ hai chỉ bằng khoảng 10% cách thứ nhất. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đã “ở lại” với Keangnam Enterprises chỉ vì đơn giản là các quy định hiện hành của VN đã cho phép họ làm điều đó. Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD thực chất giảm chỉ còn 699 triệu USD.

Và hành vi “ăn cướp - la làng”

Năm 2011, Cty Keangnam - Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỉ đồng, nhưng Cty này báo lỗ hơn 140 tỉ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam - Vina liên tục báo lỗ vài chục tỉ đồng mỗi năm.

Đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế lên tới 277 tỉ đồng. Do thua lỗ nên Keangnam-Vina chưa đóng thuế thu nhập DN, ngoại trừ đóng thuế GTGT, thuế sử dụng đất “không đáng kể”.

Đặc biệt, khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, đại gia xứ Hàn này đã có những bước đi để đối phó.

Mức lãi suất của khoản vay 400 triệu USD mà Keangnam - Vina vay từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cũng là một người anh em trong cùng tập đoàn ban đầu được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi cả mức lãi suất vay USD của các ngân hàng VN thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỉ đồng.

Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự hạ khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5 - 7%. Vì động thái “sửa sai” này nên Keangnam Vina không bị phạt chuyển giá ở hành vi này.

Đặc biệt, tòa nhà Keangam Hanoi Landmark Tower nổi tiếng đình đám trong giới bất động sản ngay từ khi còn nằm trên giấy. Dự án này được quảng cáo là tòa nhà hiện đại cao nhất VN và đứng thứ 5 trên thế giới xét về tổng diện tích của một công trình kiến trúc đơn lẻ.

Dự án ban đầu chỉ thiết kế hơn 40 tầng nhưng sau đó, đã nhanh chóng được điều chỉnh nâng lên thành 72 tầng. Năm 2008, giá căn hộ tại đây được rao ở mức cao kỷ lục, tới tận 3.000 USD/m2, tức khoảng 60-80 triệu đồng/m2 tính theo tỉ giá USD bấy giờ.

Mỗi căn hộ tại đây được bán với giá 5-6 tỉ đồng, có căn tới 7-8 tỉ đồng. Keangnam Vina vào VN đã hưởng không biết bao nhiêu điều lợi, được cấp phép nhanh, lại bán căn hộ giá đắt đúng đỉnh cao của cơn sốt nhà đất. Chưa kể, Tập đoàn mẹ của đại gia này còn là nhà thầu chính ở các dự án Cảng hàng không Nội Bài, đường cao tốc Lào Cai- Nội Bài nên đã được ngân sách ứng tiền cả nghìn tỉ đồng nhưng tiến độ cũng ì ạch, mãi năm 2011 mới khởi công.

Hành vi chuyển giá, trốn thuế của Keangnam – Vina rõ ràng nhưng điều đáng nói là Cty này lại có những hành động hết sức “chí phèo”. Cách đây không lâu, Keangnam – Vina đã có động thái đòi Bộ Tài chính thanh toán khoản nợ thuế GTGT hơn 1 tỉ đồng khi Cty này tiến hành đầu tư vào dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại Keangnam Hanoi Landmark Tower ở Hà Nội. Cái lý mà Keangnam – Vina đưa ra là trong quá trình triển khai dự án, Cty này buộc phải nhập khẩu nhiều vật tư, máy móc mà trong nước chưa có. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan Hải quan đã bác đề nghị này của Keangnam – Vina vì xác định một số mặt hàng mà Cty này cho là “buộc phải nhập khẩu” thì trong nước vẫn sản xuất được.

Cũng phải nói thêm là, Keangnam Landmark cũng là tòa nhà bị cư dân “bêu riếu”, kiện tụng nhiều nhất khi phí chung cư quá đắt đỏ lên tới 15.000/m2/tháng. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà.

Đây là lần đầu tiên một thương hiệu tập đoàn lớn bị phanh phui xác thực bộ mặt thật giả lỗ, chuyển giá của những ông lớn nước ngoài trên đất VN. Hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại VN đang có dấu hiệu gia tăng, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Chuyển giá dẫn đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép bất bình đẳng, gây phương hại đối với các DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Chuyển giá còn làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế.

Bất công từ lãi suất cho vay

LS Trương Thanh Đức - Đoàn LS Hà Nội

Chống chuyển giá đối với DN FDI là một động thái đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như dư luận nhắc đến từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế, công việc này vẫn dẫm chân tại chỗ. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng trì trệ này về cơ bản do sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cơ quan thuế.

Rất nhiều vụ việc có thể nhìn khá rõ hành vi trốn thuế của DN nhưng không hiểu vì sao thanh tra thuế vẫn không tìm thấy gì ? Dư luận đang đặt câu hỏi liệu có sự bắt tay của các cán bộ thanh tra thuế đối với DN hay không?

Ngoài nhiều hình thức chuyển giá ai cũng biết, hiện tượng chuyển giá của DN FDI đối với phương thức “tâng” lãi vay để giảm mức lợi nhuận về 0% hoặc thậm chí lỗ không phải vấn đề xa lạ. Rất nhiều người - không cần chuyên gia về thuế cũng có thể nhận thấy sơ hở này từ cả chục năm nay nhưng không thấy cơ quan nào vào cuộc. Lấy ví dụ vụ việc dự án tổ hợp Keangnam Vina đã ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng Kookmin Bank (một ngân hàng trong cùng tập đoàn). Với lãi suất trung bình khoảng 12% mỗi năm chi phí vay lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, lãi suất vay vốn bằng USD tại VN trong thời gian gần đây chỉ dao động trong khoảng từ 5 - 7% mỗi năm.

Hành động này, cơ quan thuế của VN có thể dễ dàng nhìn thấy dấu hiệu chuyển giá. Vậy mà việc phanh phui có thể xem như một kỳ tích của ngành thuế thì mới thật là lạ. Rõ ràng mức lãi vay quá lớn như vậy thật vô lý. Tại sao chiêu lách luật trốn thuế này rất lộ liễu mà phải đến tận bây giờ mới bị phát hiện? Để so sánh với khu vực DN trong nước có thể thấy, rất nhiều DN nội phải vay với lãi suất thực bằng VN đồng rất cao. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không chế mức trần lãi suất vay khiến khó có DN nào có thể vay được tiền. Trong khi, việc tính toán lãi vay giữa VN đồng và ngoại tệ hoàn toàn có thể kiểm soát được như nhau.

Từ cách tính toán về lãi suất vay cho chi phí của DN đến câu chuyện “lỗ hổng” trong chống chuyển giá có thể thấy, cơ quan thuế có cách kiểm soát bất hợp lý. Chỗ đáng làm chặt đối với DN FDI thì không làm, còn đối với DN trong nước lại chặt quá mức. Không biết có phải do DN trong nước thì dễ “bắt nạt” còn DN FDI thì “nể” không ?


dđdn

Các tin tức khác

>   Vận động tự thân (26/10/2013)

>   Chủ bó tay, dự án bất động (26/10/2013)

>   Hà Nội nhẹ tay với các dự án bất động sản sai phạm (26/10/2013)

>   Giá trị tồn kho bất động sản giảm thêm 4.206 tỷ đồng (25/10/2013)

>   Kiên quyết gỡ các điểm nghẽn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (25/10/2013)

>   Mua nhà thu nhập thấp lãi suất 6% vẫn là cao? (25/10/2013)

>   Giá căn hộ Hà Nội không giảm như lời đồn (25/10/2013)

>   Vụ khách hàng tố Nam Cường ăn gian diện tích: Tranh chấp cả cách tính giá căn hộ (25/10/2013)

>   Bất động sản “đón sóng” cuối năm (24/10/2013)

>   HoREA: Chỉ nên áp một mức thuế cho đơn giản (24/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật