Sống không bằng chết, DN vui mừng phá sản
Không gượng ép và khó xử như các “ông lớn” nhà nước, nhiều DN cổ phần xem việc phá sản, giải thể đôi khi khá nhẹ nhàng, nhất là khi tính cạnh tranh của DN đi xuống, khả năng sinh lời thấp hoặc thua lỗ và việc “chia tiền” là có lợi.
Hào hứng giải thể
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, CTCP In Diên Hồng (DHI) sẽ hủy niêm yết hơn 2,6 triệu cổ phiếu (tương đương 26 tỷ đồng theo mệnh giá) từ ngày 25/10 để giải thể DN theo nghị quyết của Đại hộ đồng cổ đông thường niên 2013.
DHI dự báo 2013 tình hình kinh tế còn biến động xấu, các DN ngành in còn phải cạnh tranh gay gắt. Nhiều cơ sở in trong nước phải đóng cửa, giải thể... Ngay cả với In Diên Hồng, DN còn khó khăn hơn sau khi thua lỗ 4,2 tỷ đồng năm 2011 và -2,7 tỷ đồng năm 2012. Việc kéo dài hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khiến công ty thua lỗ thêm và mất dần vốn của cổ đông.
Do vậy, giải thể công ty sẽ là giải pháp tốt hơn cả. Trả xong các khoản nợ, DHI dự kiến thanh toán cho các cổ đông tương ứng với tỷ lệ góp vốn với số tiền dự kiến 6.000-8.000 đồng/cp, cao hơn so với mức 5.400 đồng/cp hiện tại. Phần còn lại, sau khi trừ đi chi phí giải thể, cũng thuộc về cổ đông. Theo danh sách đầu năm 2013, DHI có 525 cổ đông, trong đó có một cổ đông sở hữu trên 10%.
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến khá nhiều trường hợp DN giải thể nhận được sự đồng thuận của cổ đông như ở CSG, AVS, SVS...
Cũng giống như DHI, Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVS) rơi vào tình trạng thua lỗ suốt hai năm qua. Sau nhiều tranh cãi, quyết định giải thể đã được AVS thông qua khi cổ đông xem xét lại tình hình nợ nần, triển vọng khá bi đát và khả năng chia tiền có thể thực hiện ngay lập tức.
Trường hợp Cáp Sài Gòn (CSG) là một trong số ít các DN vẫn đang hoạt động khá hiệu quả, có lãi và số lượng cổ đông rất lớn. Tuy nhiên, quyết định giải thể cũng được nhanh chóng thông qua và hầu hết cổ đông đều vui vẻ, bởi họ được giải thích cặn kẽ về triển vọng u ám của ngành sản xuất cáp đồng, nếu tiếp tục dấn thân là bất lợi. Việc giải thể suôn sẻ. Các cổ đông thu về số tiền cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Hồi đầu tháng 5, cổ đông CTCP Taxi Gas Saigon Petrolimex (PGT) cũng đề nghị công ty xem xét giải thể DN do kinh doanh không hiệu quả, không bằng lãi suất gửi ngân hàng. Gần đây, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) đã thông báo giải thể công ty con, Sông Đà DIC và Thương mại dịch vụ DIC (DIC T&S).
“Sống” không bằng “chết”?
Sự đồng thuận của nhiều cổ đông lớn nhỏ tại một số DN xin giải thể gần đây cho thấy thực tế: khi sự tồn tại không mang lại lợi ích, thậm chí còn gây thua lỗ thì khai tử DN có lẽ tốt hơn nhiều. Bởi đôi khi càng cố níu kéo, rất có thể cổ đông càng thiệt hại.
Chẳng hạn, trong trường hợp DHI, quyết định hủy niêm yết và giải thể được thông qua nhanh chóng nhờ cổ đông lớn của DN này là NXB Giáo dục (gần 80%).
Còn tại CSG, kho tiền và tài sản quy ra tiền được chia cho các cổ đông với tổng giá trị cao hơn 50-60% so với giá thị trường.
Các cổ đông của AVS cũng hào hứng về chuyện khai tử cũng bởi tiền mặt của AVS khá dồi dào, vốn chủ sở hữu cao hơn thị giá nên việc “chia tiền” chắc chắn có lợi.
Trên thực tế, các ngành sản xuất kinh doanh như cáp (nhất là cáp viễn thông), chứng khoán, BĐS, vận tải, nông sản, giấy... hiện đều rất khó khăn. Có quá nhiều DN lỗ triền miên, và nhiều trong số đó đang dần đốt hết vốn tự có. Trong bối cảnh như vậy, quyết định giải thể, thu về những đồng vốn cuối cùng có lẽ là một lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, làn sóng hủy niêm yết, giải thể, phá sản cũng như tình trạng thua lỗ và chây ì đóng thuế của một bộ phận không nhỏ các DN cho thấy bức tranh của cộng đồng DN Việt vẫn rất ảm đạm, gam màu tối áp đảo.
Giải thể hay phá sản là một việc rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. DN nào đi đúng, nhanh nhạy, thích ứng được với thị trường thì sống và phát triển. Nếu không DN sẽ bị đào thải và lấp chỗ trống. Hoạt động của khối DN tư nhân, cổ phần do vậy rất hiệu quả, không chậm chạp, chây ì như khối DNNN.
Về lý thuyết là vậy nhưng nhiều NĐT cũng không khỏi lo ngại về khả năng có thể xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm, tình trạng trục lợi từ những quyết định xóa sổ DN nói trên. Đến nay chưa có những dấu hiệu rõ ràng, song, hiện tượng nhiều thương hiệu khá lớn như Cáp Sài Gòn, Âu Việt... bị xóa sổ gây ra sự tiếc nuối nhất định.
Bên cạnh đó, những quyết định “chia tiền” nhanh chóng có thể khiến DN bán rẻ tài sản. Thương vụ Cadivi bỏ 90 tỷ đồng mua toàn bộ cơ sở vật chất của CSG đầu 2013 là ví dụ điển hình khi công ty này có ngay toàn bộ máy móc, thiệt bị và hơn 45 ha đất được thuê đến năm 2053 từ CSG.
Mạnh Hà
vietnamnet
|