Thứ Tư, 09/10/2013 17:41

Sẽ mở rộng kiểm toán hoạt động

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, cho biết, cơ quan này đang xây dựng đề án thành lập một vụ kiểm toán chuyên đề là Kiểm toán hoạt động trình Quốc hội.

Với loại hình mới này, các kiểm toán viên có thể tiến hành kiểm toán, đưa ra các kiến nghị ngay từ khi chương trình, dự án đang triển khai, thậm chí khi mới ở khâu lập dự án tiền khả thi, nhờ vậy sẽ hạn chế được những thiếu sót, sai phạm, nếu có.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá, việc chưa có một quy trình về Kiểm toán hoạt động trong hệ thống pháp luật Việt Nam là một hạn chế lớn kìm hãm sự phát triển của loại hình kiểm toán này trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Hạn chế này tới đây được khắc phục ra sao?

Kiểm toán hoạt động là một trong 3 loại hình kiểm toán, phát triển sau Kiểm toán tài chính và Kiểm toán tuân thủ, đã được nhiều nước trên thế giới tiến hành từ lâu. Từ khi Luật Kiểm toán ra đời năm 2006, KTNN đã có định hướng dần từng bước mở rộng kiểm toán hoạt động, song đến nay, chúng ta vẫn chưa tiến hành riêng rẽ, mà chủ yếu lồng ghép cùng một số nội dung kiểm toán khác. Tuy nhiên, trong tháng 10.2013, chúng tôi chuẩn bị ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán, trong đó có Kiểm toán hoạt động.

Kiểm toán hoạt động có gì khác với hai loại hình truyền thống hiện nay là kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính?

Mục tiêu của Kiểm toán hoạt động là tập trung nâng cao tính kinh tế của chương trình, dự án, hoặc nâng cao hiệu quả, hiệu lực kinh tế, xã hội của chương trình, dự án. Với Kiểm toán hoạt động, nghĩa là các kiểm toán viên có thể tiến hành kiểm toán ngay trong quá trình thực hiện của một chương trình, dự án nào đó chứ không phải chờ đến khi chương trình, dự án đã hoàn thành như với kiểm toán tài chính – là kiểm toán khi quyết toán xong rồi, kí báo cáo kế toán rồi. Nhờ vậy, Kiểm toán Nhà nước có thể đưa ra đánh giá, kiến nghị để điều chỉnh ngay trong quá trình thực hiện chương trình, dự án được kiểm toán, chứ không phải, chúng tôi mới kiểm toán. Thậm chí, tiến tới kiểm toán chương trình, dự án ngay cả trước khi thực hiện, từ khâu lập dự án tiền khả thi, nhờ vậy sẽ sớm phát hiện, điều chỉnh những chương trình, dự án kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí...

Dự kiến khi nào chúng ta bắt đầu tiến hành Kiểm toán hoạt động? Kiểm toán Nhà nước đã có kế hoạch kiểm toán hoạt động với dự án, chương trình nào chưa, thưa ông?

Chúng tôi đang xây dựng đề án thành lập vụ kiểm toán chuyên đề về Kiểm toán hoạt động, trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh, tăng cường và mở rộng Kiểm toán hoạt động, thay vì lồng ghép trong trong các chương trình kiểm toán khác như mấy năm gần đây.

Lĩnh vực nào sẽ được Kiểm toán hoạt động “để mắt”?

Một trong những tiêu chí chúng tôi lựa chọn cho Kiểm toán hoạt động là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm hiện nay như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; vấn đề phát triển nhà đô thị; vấn đề về hiệu quả, hiệu lực, tính kinh tế của các dự án đầu tư...

Năm 2014, KTNN đề nghị kiểm toán 44 tập đoàn, tổng công ty, tăng 6 đơn vị so với năm nay. Thường vụ Quốc hội lo ngại, với quy mô tăng lên như vậy, chất lượng kiểm toán khó đáp ứng yêu cầu?

Về cơ bản, chúng tôi cố gắng giữ quy mô, nếu tăng chỉ một chút ít so với năm trước. Nhìn vào số lượng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được kiểm toán thì thấy có tăng lên, nhưng mặt khác, tại mỗi đơn vị, chúng tôi sẽ nghiên cứu để chọn một số lĩnh vực quan trọng nhất để tiến hành kiểm toán, sao cho có trọng tâm, trọng điểm, nhờ vậy mà khối lượng công việc cũng không tăng nhiều, mặt khác cũng giúp cho kiến nghị của kiểm toán có tính khả thi hơn.

Hiện tại chúng ta có hơn 1.200 doanh nghiệp Nhà nước, trong khi mỗi năm chỉ kiểm toán được khoảng 50 đơn vị, thì đến bao giờ các tập đoàn, tổng công ty lớn mới được kiểm toán quay vòng trở lại?

Bên cạnh việc kiểm toán luân phiên, mang tính định kì, KTNN cũng rất chú trọng kiểm toán những đơn vị, vấn đề đang được xã hội quan tâm, hay gây bức xúc trong dư luận, do vậy có những tập đoàn, tổng công ty không phải đợi thời gian hay thứ tự mới được kiểm toán. Đó là lí do mà có tập đoàn, chúng tôi vừa kiểm toán năm ngoái, năm nay lại kiểm toán tiếp, như EVN chẳng hạn.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đoàn Xuân Tiên cho biết, một trong những hoạt động quan trọng của kiểm toán hằng năm là kiểm toán việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ. Bước đầu kiểm toán nội dung này, cơ quan KTNN đã phát hiện một lượng vốn trái phiếu Chính phủ bị sử dụng sai mục đích gần 300 tỉ đồng và đã kiến nghị từng trường hợp để giải quyết sao cho phù hợp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu bởi KTNN chưa kết thúc toàn diện nội dung kiểm toán này ở tất cả các địa phương, các bộ, ngành.

Thảo Nguyễn (thực hiện)

sgtt

Các tin tức khác

>   Yêu cầu 6 doanh nghiệp sữa giải trình việc tăng giá (09/10/2013)

>   Dự báo giá xi măng tiếp tục tăng trong quí 4 (09/10/2013)

>   Xuất khẩu cao su sẽ đạt 4,5 tỷ USD trong năm 2013 (09/10/2013)

>   Thêm căn cứ xác định doanh nghiệp phá sản (09/10/2013)

>   Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt lợi nhuận 2.200 tỷ đồng (09/10/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Công thương: TPP dành cho Việt Nam sự linh hoạt (09/10/2013)

>   EVN giải trình, phản bác kết luận thanh tra (09/10/2013)

>   Tôm, cá... sẽ bơi xa nhờ VietGAP (09/10/2013)

>   Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng 40% nhu cầu nội địa (09/10/2013)

>   EVN: Tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2013 (09/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật