Quỹ ETF thị trường mới nổi châu Á lên ngôi khi Chính phủ Mỹ đóng cửa
Nhà đầu tư Mỹ đã đổ tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) châu Á trong tuần này khi Chính phủ ngừng hoạt động ngày thứ 3 liên tiếp.
Theo Tổ chức Giao dịch Tài chính IG, iShares MSCI Philippines Investable Index đã tăng hơn 2% trong tuần này, trong khi các chỉ số MSCI ETF của Indonesia và Ấn Độ cũng tăng lần lượt 1.5% và gần 1%. Cùng kỳ, chỉ số MSCI Thị trường mới nổi (MSCI Emerging Market index) cũng nhận gần 0.7%.
“Nhà đầu tư đã gạt sang một bên hậu quả của việc Chính phủ ngừng hoạt động và đặt cược vào các thị trường mới nổi châu Á vì nhận thấy ảnh hưởng của tình trạng này có thể được ngăn chặn”, nhận định của bà Kelly Teoh – chiến lược gia thị trường của IG tại Singapore.
Washington chính thức ngừng hoạt động lần đầu tiên trong 17 năm vào ngày thứ Ba sau khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách cho liên bang trong năm mới.
Các thị trường đã phản ứng khá mờ nhạt đối với thông tin này. Hôm thứ Tư, phố Wall giảm nhẹ trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản gần đi ngang trong ngày thứ Năm.
Theo ông Ross Teverson, Giám đốc đầu tư của các thị trường mới nổi toàn cầu tại Standard Life Investments, các thị trường mới nổi không lo ngại về tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Ông Teverson vẫn còn lạc quan về các thị trường mới nổi trong dài hạn bất chấp những biến động dữ dội trong thời gian qua do lo sợ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút lại chương trình mua trái phiếu (QE). Chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm hơn 16% trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 nhưng đã dần khôi phục lại khoảng 14.5%.
Ông Teverson cho biết thêm: “Mọi người thường cho rằng thu hồi QE là một yếu tố tiêu cực đối với các thị trường mới nổi và tất nhiên sẽ dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải biết tại sao lại có kế hoạch thu hồi QE. Đó là nhờ triển vọng kinh tế Mỹ đang cải thiện và rõ ràng đây là điều rất tốt đối với các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi”.
Bên cạnh mối quan tâm ngày càng cao đối với các ETF châu Á trong tuần này, chiến lược gia Teoh của IG còn cho biết cổ phiếu của các thị trường mới nổi châu Á còn đạt được mức tăng trưởng mạnh hơn so với S&P 500 trong tháng 9.
Trong khi S&P 500 chỉ tăng 3% trong tháng 9 thì chỉ số chứng khoán của Indonesia - Jakarta Composite - lại nhảy vọt 9%, khôi phục lại giá trị đã đánh mất trong giai đoạn lo sợ Fed rút QE. Chỉ số chứng khoán của Thái Lan cũng tăng 7% và chứng chỉ quỹ iShares S&P India Nifty 50 Index của Ấn Độ tăng 5%.
Bà Teoh cho biết: “Hệ số P/E của các thị trường châu Á đã gia tăng khi thị trường phục hồi, trừ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các thị trường còn lại đều giao dịch sát mức bình quân 5 năm”.
Bên cạnh đó, ông Mark Matthews, trưởng nhóm nghiên cứu châu Á của Julius Baer nhận định trên CNBC rằng dòng vốn đã chảy trở lại vào châu Á trong các tuần gần đây.
Dù vậy, bất chấp bức tranh khả quan của các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây, bà Teoh cảnh báo Chính phủ Mỹ đóng cửa càng lâu thì hệ quả đối với đà tăng trưởng toàn cầu sẽ càng lớn.
Bà nói: “Dù tranh luận tại Quốc hội vẫn tiếp tục và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, bất ổn này sẽ gây sức ép lên các thị trường toàn cầu”. Nhà đầu tư đang nhận thấy rằng Chính phủ Mỹ có thể ngừng hoạt động lâu hơn dự báo.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|