Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: VIP - CTCP Vận Tải Xăng Dầu VIPCO
Theo nhận định của Phòng Nghiên cứu Vietstock, do cổ phiếu này đang trong quá trình test lại vùng đỉnh cũ và đồng thời cũng là cận trên kênh giá dài hạn (tương đương vùng 8,900 – 9,100) nên dự kiến sẽ có rung lắc mạnh.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Kênh giá hoạt động rất hiệu quả. Mặc dù thường xuyên biến động mạnh trong ngắn hạn nhưng xét về dài hạn, VIP dao động trong một kênh giá đi lên nhẹ (cận trên: 8,900 – 9,100, cận dưới 6,900 – 7,100) vững chắc và hiệu quả.
Trong đợt điều chỉnh mạnh hồi đầu tháng 09/2013, giá đã test thành công vùng cận dưới của kênh này và đã bật tăng trở lại khá mạnh với thanh khoản duy trì ở mức cao. Điều này càng giúp củng cố thêm độ tin cậy của kênh giá dài hạn này.
Hiện tại, giá đang test vùng cận trên của kênh này. Đây là vùng có khối lượng mắc kẹt khá lớn nên dự kiến sẽ có rung lắc mạnh tại đây.
Ngắn hạn: Swing Trd đạt đỉnh. Hai đường Swing Trd 2 và Swing Trd 3 đã cho tín hiệu mua và vượt lên trên đường zero-base trong những tuần trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ khiến cho các chỉ số này tiếp cận lại vùng đỉnh của giai đọan tháng 02/2013. Vì vậy, khả năng cho tín hiệu bán trở lại đang tăng lên.
Thanh khoản gần đây đang yếu đi. Khối lượng khớp lệnh đang duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 710,000 đơn vị/phiên). Điều này cho thấy khả năng giảm điểm đang tăng lên.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 6,700
• Ngưỡng 23.6% : 7,200
• Ngưỡng 38.2% : 7,500
• Ngưỡng 50.0% : 7,700
• Ngưỡng 61.8% : 8,000
• Ngưỡng 100.0%: 8,700
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đang trong quá trình test lại vùng đỉnh cũ và đồng thời cũng là cận trên kênh giá dài hạn (tương đương vùng 8,900 – 9,100) nên dự kiến sẽ có rung lắc mạnh. Việc mua vào tiếp tục được ủng hộ nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng này. Còn nếu sự phá vỡ không xảy ra thì việc bán ra là cần thiết để phòng ngừa rủi ro ngắn hạn.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Hoạt động chính khởi sắc hơn trong quý 2/2013: Theo BCTC hợp nhất soát xét, doanh thu 6T/2013 của VIP chỉ đạt 405 tỷ đồng, giảm mạnh 35% so cùng kỳ năm trước; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm gần 35% và chỉ đạt 20.5 tỷ đồng.
Điểm tích cực trong hoạt động kinh doanh của VIP là:
· Tỷ lệ lãi gộp được cải thiện. Tỷ lệ lãi gộp trong 6T/2013 lên tới gần 20% trong khi cùng kỳ chỉ đạt 16.4%. Tỷ lệ lãi gộp của VIP gia tăng chủ yếu nhờ vào sự sụt giảm của chi phí nhiên liệu và chi phí nhân công trong kỳ.
· Chi phí tài chính giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực, nhờ chi phí lãi vay được điều chỉnh giảm trong thời gian qua.
· Hoạt động chính đã khởi sắc hơn trong quý 2, so với quý 1/2013. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của VIP trong quý 2 đạt hơn 19 tỷ đồng ,trong khi quý 1 chỉ đạt vỏn vẹn 1.4 tỷ đồng.
Lợi nhuận khác đột biến lên đến 149.5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản và đất thuê tại Cảng Container Đình Vũ, Hải Phòng (đã được hạch toán trong quý 1/2013). Nhờ đó, lợi nhuận nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 6T/2013 đạt hơn 123.6 tỷ đồng, tăng mạnh 3.5 lần so với cùng kỳ.
Rủi ro thanh toán vẫn đứng ở mức cao. Cuối quý 2/2013, tài sản ngắn hạn hạn của VIP chỉ có 238 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ngắn hạn lên tới gần 323 tỷ đồng. Điều này khiến rủi ro thanh toán của VIP gia tăng. Hiện tổng nợ phải trả lãi của VIP là gần 811 tỷ đồng; trong đó nợ vay ngắn hạn là gần 209 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 602 tỷ đông.
Có phải trích lập dự phòng trong quý 3? VIP có khoản ký quỹ 19.2 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Thiên Lộc Phú. Khoản ký quỹ này được dùng để đặt cọc đảm bảo thực hiện thoả thuận Thiên Lộc Phú sẽ thu xếp vốn vay ưu đãi cho VIP, với thời hạn giải ngân bắt đầu từ tháng 04/2008. Đến ngày 30/06/2013 vẫn chưa có khoản vốn nào theo thỏa thuận này được giải ngân.
Trong báo cáo soát xét 6T/2013, kiểm toán viên lưu ý về việc VIP chưa trích lập dự phòng đối với khoản ký quỹ 19.2 tỷ đồng này. Theo giải trình của VIP thì Thiên Lộc Phú đã có công văn xác nhận sẽ hoàn trả khoản tiền này vào 30/09, dù vậy đến thời điểm này thì vẫn chưa có thông tin chính thức nào được công bố.
Cần lưu ý rằng khoản ký quỹ này đã được kiểm toán lưu ý trong những báo cáo trước đây và việc thu hồi vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu Thiên Lộc Phú không hoàn trả được khoản tiền ký quỹ này trong quý 3/2013 thì VIP rất có thể buộc phải trích lập 19.2 tỷ đồng vào chi phí dự phòng và ảnh hưởng tiêu cực lên lợi nhuận quý 3.
Sẽ không có thêm lợi nhuận đột biến trong năm 2013. HĐQT của VIP đã thông qua việc chuyển nhượng 12 triệu cp của CTCP Cảng Nam Hải - Đình Vũ cho GMD với giá chuyển nhượng bằng mệnh giá 10,000 đồng/cp. Như vậy, nhiều khả năng VIP sẽ không có thêm lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhưởng cổ phiếu này như kỳ vọng của chúng tôi trong báo cáo gần đây.
Đã thông qua báo cáo đầu tư cảng container. Trong tháng 9/2013, VIP đã phê duyệt báo cáo đầu tư công trình xây dựng bến container thuộc dự án Cụm cảng Container – Hoá dầu VIPCO tại bán đảo Đình Vũ, quận Hải An, Hải Phòng. Việc VIP chuyển nhượng phần vốn góp ở CTCP Cảng Nam Hải - Đình Vũ nhiều khả năng là để tập trung nguồn vốn thực hiện dự án này.
Chỉ số định giá cơ bản. Cổ phiếu VIP có khối lượng giao dịch trung bình 52 tuần ở mức tương đối lớn với hơn 536 ngàn đơn vị/phiên, và đang giao dịch với định giá khá thấp nhờ có lợi nhuận bất thường, với P/B 0.46 lần và P/E trailing 3.15 lần.
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh
công lý
|