Nhân viên ngân hàng Đông Á bị "con nợ" đẩy vào tù
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên bị cáo Võ Phúc Thịnh 17 năm tù về các tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và đồng phạm về hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản; bị cáo Nguyễn Văn Dũng bị tuyên phạt 16 năm tù về hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản.
Bị "con nợ" dẫn dắt phạm tội
Bị bà Dương Thị Diệu Vân và bà Lương Thị Ngọc Hiếu mà Thịnh đòi số tiền đã vay trước đó để đưa cho Nguyễn Văn Dũng (tổng số nợ là 2,75 tỷ đồng). Chưa có khả năng thanh toán, Thịnh đã làm theo kế hoạch của Nguyễn Văn Dũng -Giám đốc Công ty TNHHTM Văn Dũng.
Theo đó, Võ Phúc Thịnh đã lợi dụng chức vụ của mình tại Ngân hàng Đông Á (DongABank) là nhân viên tín dụng (có nhiệm vụ trực tiếp lập, theo dõi, quản lý hồ sơ vay và ký nhập kho cất giữ tài sản thế chấp), nhiều lần đứng ra viết giấy vay tiền của các cá nhân bên ngoài rồi đưa cho Dũng phục vụ kinh doanh. Ngược lại, Dũng đã đứng ra viết giấy bảo lãnh trả nợ thay cho Thịnh nhưng cho đến nay các khoản vay nợ của Thịnh do Dũng bảo lãnh vẫn chưa trả đủ.
Nợ chưa trả được, trong khi công tác quản lý của Phòng giao dịch ở Huế của Ngân hàng Đông Á do mới được thành lập có phần sơ hở nên ngày 7/7/2009, Võ Phúc Thịnh đã tự ý lấy mẫu đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất có sẵn của Ngân hàng Đông Á, rồi tự ý giả chữ ký của ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng phòng Giao dịch Huế, sau đó tự ý lấy con dấu đóng vào đơn rồi đưa cho Nguyễn Văn Dũng.
Mặc dù thời điểm này Dũng vẫn chưa thanh toán nợ đã vay của Ngân hàng Đông Á có tổng số tiền là 1,25 tỷ đồng bằng việc thế chấp bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại 276 Lê Duẩn, phường Phú Thuận, thành phố Huế mang tên vợ chồng Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Thúy Uyên (thời hạn vay từ ngày 26/12/2008 đến ngày 26/12/2009).
Mặc dù biết rõ là sau khi lấy được tài sản thế chấp do mình rút ra từ Ngân hàng Đông Á, Nguyễn Văn Dũng sẽ đem thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Huế thì Ngân hàng Đông Á sẽ mất đi số tiền vay của Dũng nhưng do túng nợ nên Thịnh vẫn thực hiện hành vi.
Không dừng lại ở đó, Thịnh tiếp tục rút 4 bản gốc giấy đăng ký xe ô tô mà Dũng đã thế chấp ở Ngân hàng Đông Á để đưa cho Dũng. Ngoài ra, Thịnh đã không làm các thủ tục theo dõi, kiểm tra, quản lý chặt chẽ lô hàng mỳ gói mà Dũng đã cầm cố vay 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho Dũng xuất bán lô hàng nói trên. Mặc dù Ngân hàng Đông Á đã thu hồi được số tiền xuất bán lô hàng nhưng Dũng vẫn không thanh toán số tiền vay ngân hàng đã quá hạn.
Lộ chân tướng giám đốc lừa đảo
Vì quan hệ thân quen, Võ Phúc Thịnh đã nhiều lần đứng ra viết giấy vay tiền của các cá nhân bên ngoài rồi đưa cho Nguyễn Văn Dũng kinh doanh. Nhưng Thịnh không ngờ được rằng, mình đã “nuôi ong tay áo” vì quá tin tưởng người bạn này.
Sợ làm mất lòng thì Dũng sẽ không trả tiền các khoản nợ này nên khi được Dũng gợi ý “mượn lại” các tài sản đã thế chấp ở Ngân hàng Đông Á (nơi Thịnh đang công tác), Thịnh buộc lòng phải rút 4 bản gốc giấy đăng ký xe ô tô mà Dũng đã thế chấp để đưa ra cho Dũng đi thế chấp vay vốn kinh doanh ở nơi khác, mặc dù vẫn chưa trả xong nợ của ngân hàng.
Mặc dù đã “nhúng chàm” nhưng Thịnh vẫn không tỉnh ngộ mà tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi khi hết lần này đến lần khác tiếp tay, tạo điều kiện cho “vị giám đốc lừa đảo” Nguyễn Văn Dũng lạm dụng chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Đông Á. Tổng số tiền mà Dũng đã chiếm đoạt của Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Huế là gần 3,5 tỷ đồng.
Điều rút ra từ vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn Dũng và Võ Phúc Thịnh là hành vi này đã kéo dài trong một thời gian dài (từ 2008-2010) nhưng vẫn không bị phát hiện. Chính sự kiểm soát, quản lý không chặt chẽ của Ngân hàng Đông Á đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dũng và Võ Phúc Thịnh vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Điền Quang
pháp luật việt nam
|