Nguyên liệu cho ngành dệt may: Bao giờ hết phụ thuộc?
Là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn, song dệt may lại đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn đạt được thuế suất 0%, các DN phải sử dụng nguyên liệu do chính nước mình sản xuất hoặc sử dụng nguyên liệu của các nước trong TPP.
Cơ hội cũng là thách thức
Theo giới chuyên gia, Hiệp định TPP được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu, đặc biệt là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may. Đặc biệt, việc Trung Quốc chưa tham gia đàm phán Hiệp định TPP sẽ mang đến cơ hội lớn giúp dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như Canada, Úc, Peru và Chilê - vốn là những nước đang tham gia tiến trình đàm phán TPP.
Tuy nhiên, không ít DN thuộc ngành này đang lo ngại bởi, xét về chất lượng, sản phẩm may mặc Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới, nhưng hiện nay ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu bông trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu từ 1-3% cho sản xuất sợi, còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20-25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu.
Nguồn nguyên liệu cho dệt may mà chúng ta đang phải nhập nhiều nhất chính là từ Trung Quốc. Theo số liệu cập nhật của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 2,73 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu dệt may, da giày nhập của Việt Nam từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm lên đến 887,8 triệu USD, tăng 30,52% so với cùng kỳ năm 2012.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất đối với các DN cũng như các nhà làm quản lý ngành dệt may hiện nay.
Quá "đói” nguyên phụ liệu
Hiệp định TPP có khả năng sẽ được ký kết vào năm 2014. Và khi tham gia vào TPP, các DN phải tuân theo nguyên tắc nguồn gốc sợi vải nếu như họ muốn được hưởng lợi từ ưu đãi về thuế của TPP.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, lượng bông trồng trên toàn quốc mới chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu, tương đương 5.000 tấn. Và do những hạn chế về điều kiện sản xuất nên người dân không mặn mà với việc trồng bông. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành bông sợi, tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn ngành dệt may.
Tại thời điểm này, những công ty may nổi tiếng của Việt Nam như Nhà Bè, hay Công ty cổ phần may Đồng Nai… đều đang phải nhập khẩu tới 50 – 60% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Bài toán đặt ra hiện nay là, làm sao chúng ta có thể chủ động được nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, đặc biệt là bông, khi mà đến nay, sản phẩm này mới chỉ đáp ứng nổi … 1% cho sản xuất và xuất khẩu.
Được biết, Chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được triển khai hơn 2 năm nay với mục tiêu đến năm 2015, diện tích trồng bông là 30 nghìn ha, định hướng đến năm 2020 tăng lên 76 nghìn ha. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số diện tích trồng loại cây này trên cả nước mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ 40% so với mục tiêu đề ra của năm 2015.
Đó mới chỉ là một khía cạnh, còn hàng loạt những vấn đề khác liên quan đến nguồn nguyên liệu mà chúng ta vẫn đang rất "đói”. Cụ thể, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2012, tổng nhập khẩu xơ các loại là 220.000 tấn, chiếm 54%. Cũng trong năm này, ngành may có nhu cầu sử dụng khoảng 6,8 tỷ mét vải, trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước chỉ đạt con số vô cùng khiêm tốn với 0,8 tỷ mét. Như vậy, nhập khẩu là chủ yếu với 6 tỷ mét, tương đương 88%.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu tình trạng này không được cải thiện, những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam là không nhỏ, trong đó hệ lụy nhãn tiền chính là khó có thể được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi tham gia Hiệp định TPP.
Minh Phương
Đại đoàn kết
|