Thứ Hai, 21/10/2013 22:55

Ngân hàng nhỏ không dễ tăng vốn điều lệ

Vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng tăng khá chậm, cho dù từ đầu năm, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng, tờ trình phát hành cổ phiếu tăng vốn đã được thông qua.

Dù đưa ra kế hoạch tăng vốn rất nhiều, nhưng vốn điều lệ các ngân hàng không tăng bao nhiêu

Thành công nhất trong việc tăng vốn điều lệ năm nay là VietinBank. Sau khi phát hành cổ phiếu cho đối tác nước ngoài để nâng vốn điều lệ lên 32.660 tỉ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, VietinBank tiếp tục phát hành thêm 457,2 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, thu về hơn 4.570 tỉ đồng, tăng vốn điều lệ lên 37.230 tỉ đồng.

Một số ngân hàng cũng hoàn tất một phần việc tăng vốn trong năm nay như Sacombank, VPBank nhưng đa phần đều là phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức, hay cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, nguồn là từ lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn của ngân hàng. Việc phát hành để thu thêm vốn mới từ bên ngoài rất ít, do khả năng thành công của các đợt phát hành thấp hơn so với các năm trước khi thị trường chứng khoán không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong khi đó nhiều ngân hàng khác vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với việc tăng vốn theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, như Việt Á, Phương Đông, Eximbank, Nam Á Bank.

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 23-4 năm nay, Việt Á Bank lại đưa ra kế hoạch tăng vốn nhưng mức tăng chỉ còn trên 3.000 tỉ đồng lên 3.500 tỉ đồng, và dự định sẽ thực hiện trong quí 3, sau khi kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng trong năm 2012 không thành công. Tuy vậy, nghị quyết cũng ghi rõ nếu cuối năm 2013 vẫn không tăng kịp thì kế hoạch sẽ dời sang năm 2014.

Việc chưa phát hành cổ phiếu tăng vốn của các ngân hàng cũng phần nào phù hợp với báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Cụ thể số liệu huy động vốn qua phát hành cổ phiếu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 2.344 tỉ đồng (giảm 58%) so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm 31-7-2013, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống là 404.500 tỉ đồng, tăng 10.490 tỉ đồng (2,66%) so với cuối năm 2012. Đây cũng là một tỷ lệ khá thấp nếu so với mức tăng vốn điều lệ gần 9,6% trong năm 2012.

Với vốn chủ sở hữu, bao gồm vốn kinh doanh (vốn góp và lợi nhuận chưa chia), chênh lệch đánh giá lại tài sản, các quỹ của doanh nghiệp, theo báo cáo thanh tra giám sát 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5-2013, toàn hệ thống ngân hàng là 512.000 tỉ đồng, tăng khoảng 28.300 tỉ đồng so với cuối năm 2012, tức tăng 5,9% so với cuối năm 2012. Vốn chủ sở hữu tăng nhưng mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây.

Xu hướng giảm vốn đã xuất hiện từ tháng 5 năm ngoái tại một số ngân hàng yếu kém. Còn đến thời điểm cuối tháng 5 năm nay, mặc dù vốn chủ sở hữu hệ thống tăng nhưng tại nhiều ngân hàng, vốn vẫn giảm và có rất nhiều ngân hàng số lượng vốn tăng không đáng kể, dưới 100 tỉ đồng. Theo báo cáo trên, trong năm 2012, có đến 45 trong tổng số 124 tổ chức tín dụng giảm vốn chủ sở hữu, và con số này của 5 tháng đầu năm là 47 tổ chức.

Báo cáo của thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nói trên nhận định sự suy giảm của vốn chủ sở hữu sẽ làm giảm khả năng chống đỡ rủi ro của ngân hàng.

Trong khi đó, ở góc độ ngân hàng cổ phần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng OCB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, và hiện tại đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị. Việc tăng vốn chủ yếu để giữ lại nguồn tiền từ lợi nhuận của năm trước, nhằm nâng cao năng lực tài chính, để đảm bảo vốn điều lệ luôn trên 3.000 tỉ đồng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Tuấn cho rằng, thực tế trong điều kiện hiện nay với ngân hàng nhỏ, việc tăng vốn từ việc huy động vốn của cổ đông là không dễ, do giá thị trường của cổ phiếu hầu hết dưới mệnh giá. Đồng thời hiệu quả hoạt động của các ngân hàng hiện khá thấp, trong khi rủi ro vì nợ xấu vẫn còn cao.

Còn nhu cầu thực tế để huy động vốn mới thì vẫn có vì có thêm nguồn tiền để kinh doanh, nhưng nếu nói là rất cần thiết thì không, vì ở rất nhiều ngân hàng nhỏ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đều vượt mức quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước, như OCB là 16%. Việc huy động thêm, nếu tạo ra khả năng sinh lời thì nên làm, nhưng hiện tại đa phần các ngân hàng đều thừa vốn, không cho vay được nên tỷ lệ sinh lời trên vốn không cao. Cũng vì thế nhiều ngân hàng đã không còn tìm cách tăng vốn bằng mọi giá.

Ngoài ra, khả năng chống đỡ rủi ro của một ngân hàng không phải hoàn toàn phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu mà từ nhiều vấn đề khác như quản trị, chính sách khách hàng…

Một chuyên gia tài chính khác cho rằng, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn không chỉ nhắm đến các mục tiêu trên mà còn có hiện tượng các nhóm cổ đông muốn làm giảm tỷ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông khác. Vì khi ngân hàng phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhưng nhóm cổ đông nào không mua thêm thì mặc nhiên tỷ lệ sở hữu sẽ giảm xuống.

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngày 21/10, NHNN bơm ròng 127 tỷ đồng (21/10/2013)

>   Phó chủ tịch VAMC: 2/3 nợ xấu đã mua liên quan đến bất động sản (21/10/2013)

>   Đua tăng trưởng tín dụng và nguy cơ nợ xấu (21/10/2013)

>   Kẽ hở chuyển tiền ra nước ngoài (21/10/2013)

>   Khốn đốn vì nhà băng tranh nhau đòi nợ (21/10/2013)

>   Giữ tiền đồng hay ngoại tệ? (21/10/2013)

>   Tỉ lệ tiền mặt trong thanh toán giảm còn 12% (20/10/2013)

>   Tuần từ 14-18/10, NHNN hút về 1.076 tỷ đồng (20/10/2013)

>   Vay tiền ngân hàng khi 'không có quan hệ' (20/10/2013)

>   TS Trần Du Lịch: 'Tín dụng 2013 không thể tăng trưởng 12%' (19/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật