Masan và các vòng đồng tâm
Là một Cty dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng VN mà sức mạnh và quy mô có được cơ bản đến từ chủ trương mua bán, sáp nhập - đặc biệt được đẩy mạnh trong 2 năm gần đây khi nền kinh tế khó khăn và nhiều DN rơi vào khủng hoảng - CTCP Tập đoàn Masan (MSN) là một điển hình M&A với chiến thuật tận dụng hạn chế của xung quanh.
Các sản phẩm tiêu biểu của Massan chiếm lĩnh thị phần tại thị trường VN
|
Ngay trong báo cáo thường niên 2012 của mình, MSN không giấu giếm điều này. Nếu nhìn cụ thể vào khu vực kinh tế tư nhân, thì sự phân mảnh của thị trường, sự yếu kém của các Cty tư nhân chính là “gót chân Asin” để Masan tiến hành các bước M&A. Còn nếu nhìn trên tổng thể nền kinh tế thì chu kỳ suy thoái tài chính, thách thức kinh tế vĩ mô chính là “bước chậm” để Masan có thể “đi nhanh” hơn nhiều DN khác.
Masan thực tế đã hợp nhất kinh doanh và gia tăng thị phần như thế nào?
Từ ăn tới uống
Một trong hai Cty cốt lõi của Masan là ngành hàng tiêu dùng – Masan Consumer. Với đánh giá tiêu dùng của hộ gia đình đang chiếm 63% GDP của VN, mặt khác 56% dân số là ở độ tuổi dưới 30-lợi thế của thị trường nằm trong top các nước có cơ cấu dân số trẻ nhất thế giới. Đây có thể ví như một “tài nguyên” chìm chưa khai thác của Masan Consumer.
Đón đầu tiềm năng tăng trưởng của thị trường tiêu dùng mà trong đó, ăn vẫn là một trong những trọng số chính, như một tranh thủ đặc tính chi tiêu của người dân ở quốc gia mới bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và vẫn còn phải đầu tư coi trọng cái ăn, trước khi đủ thặng dư nghĩ tới vui chơi, giáo dục, nghỉ ngơi… thụ hưởng khác, vì vậy, đã được Masan cung ứng liên hoàn trong một bữa cơm.
Dành cho ăn, Masan có mì ăn liền, nước tương, nước mắm với thị phần lần lượt đạt 48%, 78% và 76% - theo số liệu thị phần của Masan Consumer năm 2012, tổng hợp của Nielsen và Euromonitor, ngoài ra là tương ớt và gần đây là ngũ cốc dinh dưỡng.
Từ bàn ăn, Masan lấn sang uống, được đánh dấu bằng thương vụ mua lại VinaCafe Biên Hòa, với những sản phẩm mới tập trung quanh thế mạnh cà phê rang xay (R&G) mà VinaCafé Biên Hòa đang được cho là đã chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường nội địa, và cả phân khúc thực phẩm ngũ cốc dinh dưỡng vốn hứa hẹn sẽ trở thành thực phẩm tiêu dùng chính của những thế hệ già trẻ lớn bé VN đang chạy đua bắt nhịp guồng quay cuộc sống công nghiệp.
VinaCafe Biên Hòa, hay gần đây là nước khoáng Vĩnh Hảo đưa Masan tiến vào thị trường đồ uống không cồn và nước giải khát đóng chai, thì mua lại Cty bia và nước giải khát Phú Yên là một sự dọn đường để Masan đi vào ngành hàng đồ uống có cồn –thị trường được dự báo VN sẽ sớm trở thành ngôi sao mới vào năm 2016, theo Euromonitor và Bain Analysis.
Cả 3 DN được Masan thâu tóm gồm Bia Phú Yên, Nước khoáng Vĩnh Hảo và VinaCafe Biên Hòa đều có đặc điểm chung là có một phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước - được ngầm hiểu là các DN đã có quá khứ quản trị kiểu tập thể, tiềm ẩn những điểm mạnh và yếu: Về yếu, thường năng lực của bộ máy quản trị yếu kém, lạc hậu, dễ bị phân mảnh và dễ bề tác động, (thậm chí lobby hành lang) khi đặt mục tiêu tấn công mua lại hay thâu tóm. Về mạnh, cũng nhờ đặc điểm xuất xứ từ DN nhà nước cổ phần hóa, sẽ có thời gian đi trước thị trường, cơ bản có thương hiệu hoặc thương hiệu nhỏ nhưng được đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại và tiên tiến mà chưa được khai thác hết công suất và cũng chưa biết cách “làm thị trường”.
Nói ngắn gọn, đó là những DN như miếng đất trống màu mỡ nhưng chưa luân canh, khác hẳn với DN phì nhiêu đã được tận thu nhiều năm khiến bên mua lại có nguy cơ phải trả giá cao, thời gian khai thác có thể ổn định ngay trước mắt nhưng không dài. Đây là cách mồi để “nuôi” mồi của một thợ săn lành nghề, chọn tăng trưởng qua tích hợp và tiết kiệm chi phí, tương thích thời gian khai thác ở một thị trường đang trong quá trình đô thị hóa với tăng trưởng mức thu nhập khả dụng của người dân.
Trong hạn chế, tìm lợi thế
Mô hình kinh doanh với chiến thuật M&A của Masan ngay lúc này và tương lai sẽ không chỉ tận dụng hạn chế của một vài DN trong ngành dọc hay bề rộng.
|
Mặc dù còn quá sớm để nói rằng Masan, qua M&A sẽ mở rộng cửa ở các lĩnh vực khác ngoài tiêu dùng (và tài nguyên). Song ngay trong lĩnh vực tiêu dùng, Masan có lẽ cũng chưa muốn dừng lại ở bàn ăn uống.
Khối phân tích của Chứng khoán Bảo Việt cho hay Masan Group có chiến lược tập trung vào lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng thông qua việc thành lập tập đoàn Masan Consumer Holding, tập đoàn này sẽ bao gồm hai nhánh Cty: 1/ Masan Consumer như hiện tại và 2/ Masan Consumer Ventures nhằm đạt được tăng trưởng trong các lĩnh vực nông nghiệp, thức uống và bia rượu, buôn bán lẻ và chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại, MSN chưa thông báo chính thức kế hoạch này nhưng bước tiến tiếp theo của Masan vào Thức ăn chăn nuôi gia súc Việt Pháp Proconco đã khiến kế hoạch này tạm rõ hơn. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan nhấn mạnh thương vụ Proconco là bước đi đầu tiên của công ty tiến vào lĩnh vực cung ứng những sản phẩm có nguồn gốc từ đạm theo tiêu chuẩn Châu Âu, dần hoàn thiện chuỗi giá trị “giống sạch-thức ăn sạch-nuôi sạch - chế biến sạch - phân phối, bảo quản sạch”.
Nếu đúng MSN đi theo dần vào mũi nhọn kể trên, có lẽ mô hình kinh doanh với chiến thuật M&A của Masan ngay lúc này và tương lai sẽ không chỉ tận dụng hạn chế của một vài DN trong ngành dọc hay bề rộng, hay hạn chế của giai đoạn suy thoái kinh tế để tranh thủ tích hợp và phình to, như cách mà một số DN khác đã làm với M&A; mà sẽ là mở rộng các vòng tròn đồng tâm là túi tiền của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh ở VN, bao gồm nhiều ngành liên hoàn trong tiêu dùng: Chăm sóc sức khỏe bổ trợ danh mục cho ăn, uống và thức ăn chăn nuôi gia súc sẽ là nền tảng cho thực phẩm Protein, cho sản xuất rượu, bia và nguyên liệu sản xuất sản phẩm cho bàn ăn; bán lẻ được tận dụng trước hết cho bán chéo sản phẩm của các nhãn hàng con và là nền tảng cho hệ thống phát triển phân phối độc quyền, chủ động.
Nhưng để hoàn thiện các lớp lang đồng tâm liên hoàn và mang màu sắc chủ đạo thị trường tiêu dùng, Masan sẽ cần thêm bao nhiêu nguồn lực?
Những hạn chế của VN tạo lợi thế cho mô hình kinh doanh của Masan
Những trang đầu tiên giới thiệu về Masan Group, Báo cáo Thường niên nêu rõ: “Những hạn chế của VN tạo lợi thế cho mô hình kinh doanh của chúng tôi: VN gần đây đã trải qua những thách thức kinh tế vĩ mô, bao gồm nợ xấu tăng cao và tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp khiến tăng trưởng GDP chậm lại. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân tuy tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn còn phân mảnh, thể hiện qua cấu trúc tổng giá trị thị trường tính theo doanh thu và thị phần. Các Cty thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn bị thách thức bởi sự hạn chế của nguồn vốn dài hạn, thiếu chuyên môn và khả năng cạnh tranh kém hơn các Cty đa quốc gia. Masan Group quản lý các rủi ro này và giải quyết những mặt hạn chế còn khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân ở VN bằng cách xây dựng quy mô và các nền tảng vận hành hàng đầu nhằm tránh các chu kỳ suy thoái tài chính, tiến hành hợp nhất kinh doanh và gia tăng thị phần”.
|
Lê Mỹ
dđdn
|