Thứ Hai, 14/10/2013 15:13

Khoảng cách giá vàng bao nhiêu là hợp lý?

Sau một thời gian được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “ghìm cương”, chênh lệch giá vàng nội - ngoại lại quay đầu tăng lên mức gần 5 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vẫn thiếu cung, các biện pháp quản lý của NHNN chưa hợp lý, và khoảng cách chênh lệch này sẽ có nguy cơ bị đội cao hơn nữa.

Chênh lệch giãn rộng vì thị trường thiếu cung?

Sau 5 tuần giảm giá liên tiếp, giá vàng hai ngày cuối tuần đã về sát ngưỡng 37 triệu đồng mỗi lượng. Theo bảng giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC giao dịch ở mức 37,10-37,30 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Với mức giá này, vàng SJC đã rẻ đi 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Trong 5 tuần xuống giá liên tục vừa qua, vàng SJC đã mất giá tổng cộng trên 1,2 triệu đồng/lượng.

Cần có cơ sở pháp lý minh bạch về vị thế của vàng miếng SJC

Vàng SJC giảm do chịu sức ép giảm giá từ thị trường vàng quốc tế. Sau khi có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận nhằm ngăn chặn vỡ nợ và có thể mở cửa chính phủ trở lại từ tuần tới, nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng giảm sút, cộng với việc các nhà đầu tư bán tháo khiến cho kim loại quý sụt giảm mạnh. Tính cả tuần, giá vàng thế giới đã giảm tới 3,4%, về còn mức 1.272 USD/oz.

Trong phiên, có thời điểm giá vàng xuống 1.262,14 USD/oz. Mức giá này quy đổi theo tỷ giá USD của NHNN quy định, vào khoảng 32,6 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ trong nước 4,7 triệu đồng/lượng. Về kỹ thuật, giá vàng đã chọc thủng hỗ trợ 1.273 – 1.278 USD/oz cho thấy vàng đang có nhiều rủi ro và không loại trừ rơi xuống vùng 1.110 – 1.120 USD/oz.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang giống như một “vùng đệm” cho giá vàng trong nước trước những biến động của giá quốc tế. Khoảng cách này thường xuyên co giãn theo biến động của giá vàng thế giới: Nếu giá vàng thế giới tăng thì chênh lệch rút ngắn, và ngược lại, giá vàng thế giới giảm thì chênh lệch lại giãn rộng ra. Tuy nhiên, nếu xem khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới là một “thước đo” cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước thì thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Như vậy, nếu kịch bản này còn kéo dài, thì với xu hướng vẫn tiếp tục giảm của giá vàng thế giới trong thời gian tới, e là chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường sẽ lại bị nới rộng và khoảng cách 7 triệu đồng kỷ lục thực sự sẽ không phải là quá khó khăn để phá vỡ.

Mà nếu như việc giá vàng trong nước lại quay đầu chênh lệch cao với giá vàng thế giới thì thực sự điều gì đang diễn ra trên thị trường vàng? Liệu đây có phải là sự phản ứng trước việc NHNN bắt đầu giảm bớt tần suất các phiên đấu thầu vàng? Thời gian gần đây, cơ quan này chỉ tổ chức mỗi tuần 1 phiên đấu thầu, với khối lượng chào thầu rất hạn chế, bằng khoảng 1/3 so với phiên chào thầu nhiều nhất. Thậm chí, có tuần, NHNN không tổ chức phiên đấu thầu vàng nào. Thị trường cũng cho thấy mức thẩm thấu của mình khi phiên đấu thầu vàng mới nhất, toàn bộ lượng vàng chào thầu đã bị vét sạch. Như vậy, để thực hiện cái gọi là “bình ổn thị trường”, liệu NHNN còn phải đấu thầu vàng đến bao giờ?

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Quản lý vàng miếng hiện nay đang “đi lùi” một bước so với các nước. Những biện pháp hành chính NHNN đưa ra đều chỉ có tính tình thế, đối phó cục bộ mà không có một phương tiện về mặt nghiệp vụ để giải quyết những vấn đề bất cập của thị trường, làm thui chột những công cụ tài chính đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu”.

Bình ổn thị trường phải bình ổn giá

Theo phân tích của ông Long, bình ổn thị trường về bản chất là bình ổn giá. Bởi trên thị trường, giá cả là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Nước ta không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để đảm bảo cân đối cung cầu. Đồng thời trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới. Quan điểm của NHNN “Đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường, không bình ổn giá” là chưa chuẩn, còn mơ hồ. Với quan điểm mơ hồ không phản ảnh đúng bản chất của mục tiêu bình ổn thị trường vàng chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy mà hậu quả nhãn tiền là vàng SJC luôn đứng cao hơn giá vàng thế giới, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường.

Vậy, mức chênh lệch giá vàng bao nhiêu thì hợp lý? Theo phân tích của giới kinh doanh vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bao gồm: chi phí nhập khẩu gồm: bảo hiểm; chi phí vận chuyển; chi phí gia công; chi phí kinh doanh; rủi ro; thuế... Cụ thể chi phí vận chuyển + chi phí bảo hiểm cao nhất là từ 10 đến 15 USD/oz, tức là từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/oz. Chi phí gia công 50.000 đồng/lượng; các chi phí còn lại khoảng 300.000 đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch từ 500.000-600.000 đồng/lượng là hợp lý. Để đảm bảo an toàn cho NHNN và có lãi khi định giá đấu thầu, thì mức chênh lệch nên là 1.000.000 đồng/lượng (50 USD/lượng) so với giá thế giới. Mức lãi này cao hơn mức lãi của các nước nhập khẩu vàng từ 4 đến 5 lần tùy theo nhu cầu vàng của từng nước.

Đưa ra quan điểm riêng của mình, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc độc quyền thương hiệu SJC đã gây nên nhiều hệ lụy cho thị trường vàng. Hiện tượng cùng một miếng vàng có trọng lượng và hàm lượng giống hệt nhau, nhưng nếu chúng được dập thành thương hiệu quốc gia thì giá sẽ cao hơn hẳn loại dập dưới thương hiệu khác chính là điển hình của việc ngộ nhận vàng thương hiệu quốc gia là tiền quốc gia, khiến làm tăng giá trị ảo của vàng miếng mang thương hiệu quốc gia, với tất cả những hệ lụy nặng nề và gây thiệt hại cho người dân và những ai muốn sở hữu vàng. Đấy là chưa kể, dù trở thành thương hiệu quốc gia nhưng hiện nay chưa có một quy chuẩn nào dành cho SJC.

“Cho đến nay, người dân vẫn khó tìm thấy một văn bản pháp lý nào trong đó quy định quy chuẩn chi tiết hình thức mẫu mã, trọng lượng, chất lượng, cơ cấu sản phẩm vàng miếng, cùng các quy chế giao dịch và bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng vàng miếng, xử lý các tranh chấp có liên quan đến loại vàng miếng mới lên ngôi này; đặc biệt, càng hiếm có những quy định bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người dân sở hữu các loại vàng miếng khác nhau. Nói cách khác, sẽ là tùy tiện và áp đặt nếu thực hiện quản lý vàng thương hiệu quốc gia mà không có đủ cơ sở pháp lý minh bạch về vị thế của nó”, ông Phong đề xuất.

Về triển vọng giá vàng tuần mới, giới quan sát có cái nhìn khá bi quan. Một số ngân hàng lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanely đã hạ dự báo giá vàng trong thời gian tới, trong đó Goldman khuyến cáo các nhà đầu tư bán vàng. Trong cuộc thăm dò ý kiến dự báo giá vàng do trang tin chuyên kim loại quý Kitco News thực hiện, chỉ có 4/26 ý kiến phản hồi dự báo giá tăng, trong khi có tới 18 ý kiến dự báo giá giảm và 4 ý kiến dự báo giá đi ngang. 

công an nhân dân

Các tin tức khác

>   TS.Lê Đình Ân: Về lâu dài có thể thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia (14/10/2013)

>   Chênh lệch giá vàng lên 4,9 triệu đồng (14/10/2013)

>   Việt Nam tiêu thụ 3,5 tỉ đô la trang sức mỗi năm (14/10/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Xu hướng giảm tiếp diễn? (13/10/2013)

>   Chưa thể quyết tăng thuế tài nguyên đối với vàng (13/10/2013)

>   Chênh lệch vàng nội ngoại giãn rộng 4,7 triệu đồng (12/10/2013)

>   Bốc hơi 25 USD chỉ trong 2 phút, vàng ngừng giao dịch 10 giây (12/10/2013)

>   Bán sạch 15.000 lượng vàng đấu thầu (11/10/2013)

>   Nhập khẩu vàng của Trung Quốc có thể vượt 1.000 tấn (11/10/2013)

>   Vàng trong nước giảm hơn 100.000 đồng mỗi lượng (11/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật