Hiểm họa tân dược giả
Sự bùng nổ thuốc tân dược giả không chỉ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế -xã hội mà còn làm rối loạn thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Với mức lợi nhuận lên đến 45 tỷ EUR mỗi năm, nhiều tổ chức cá nhân đã bất chấp thủ đoạn, vượt qua cả lương tâm y đức để trục lợi.
Tân dược giả “bủa vây” người bệnh
Hiện có nhiều khái niệm khác nhau về thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhưng về tác hại thì đều có điểm chung là khi người bệnh sử dụng nhầm thuốc giả, các bác sĩ đều gặp thất bại trong điều trị. Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế), các loại thuốc bị làm giả nhiều nhất hiện nay là thuốc Tanganil điều trị chóng mặt, các loại thuốc điều trị về xương khớp, cột sống, thuốc Viagra, thuốc tránh thai, các loại thuốc đặc trị bệnh như Zinnat dạng viên 500mg, Ampicillin, và các loại điều trị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, thuốc điều trị sốt rét...
PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - khẳng định: “Thuốc giả lấy của bệnh nhân cơ hội chữa bệnh, bởi nếu một bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng khi dùng loại kháng sinh giả mà thành phần kháng sinh trong viên thuốc không đủ hoặc trong viên thuốc đó lại chứa cát, thạch cao… thì vi khuẩn gây bệnh sẽ không chết mà tiếp tục phát triển,
vì vậy thuốc giả có thể cướp đi sinh mệnh và làm mất cơ hội được chữa bệnh của người bệnh. Có những trường hợp kháng kháng sinh do uống phải thuốc giả, cho dù lần sau có uống thuốc thật, cơ thể cũng không tiếp nhận nữa. Đây là thực tế rất nguy hiểm mà hàng năm chúng tôi vẫn phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân như vậy”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do sử dụng thuốc tân dược giả. Thuốc giả đang chiếm 10-15% thị trường dược phẩm thế giới, ngành công nghiệp sản xuất tân dược giả toàn cầu đang sinh lời cực lớn. |
Thủ đoạn buôn tân dược giả ngày càng tinh vi
Tính đến hết tháng 6/2013, Việt Nam có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký chức năng kinh doanh dược phẩm nhưng chỉ 1/10 trong số đó là sản xuất thuốc. Doanh số của thị trường này năm 2012 lên đến gần 3 tỷ USD, tỷ lệ này sẽ tăng 20% vào năm 2017. Với mức này, Việt Nam đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” để sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả. Hoạt động sản xuất, buôn bán được thực hiện với những thủ đoạn tinh vi khó phát hiện như móc nối với các cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài để sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng rồi tung ra thị trường. Bên cạnh việc sản xuất thuốc giả kém chất lượng, các đối tượng còn thu mua tân dược hết hạn sử dụng sau đó dùng công nghệ cao để sản xuất và in mẫu mã bao bì giống như thật để lừa người tiêu dùng, thu lợi bất chính.
Thực tế cho thấy, tân dược giả có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam chiếm đến 50% và ngày một gia tăng, bởi Việt Nam là một trong những điểm trung chuyển và tiêu thụ thuốc giả lớn nhất trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là những bất cập trong việc quản lý sản xuất- kinh doanh thuốc. Theo Đại tá, PGS.TS Hoàng Văn Trực – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) việc phân công, phân cấp trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc tân dược giả giữa các cơ quan thực thi pháp luật chưa rõ ràng, do vậy hiệu quả phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dược phẩm giữa các cơ quan chức năng còn thấp. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về sản xuất- kinh doanh thuốc. Bên cạnh đó cần trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt nghiêm minh đối với hành vi buôn bán sản xuất thuốc giả.
Đức Hạnh
báo công thương
|