Thứ Tư, 02/10/2013 09:48

GPBank ngổn ngang đường về đích

Ngân hàng yếu duy nhất còn lại trong số 9 ngân hàng bắt buộc phải tái cơ cấu là GPBank (NH Dầu khí Toàn cầu) đang được cho là đã tìm được mối “dạm hỏi”.

Trừ phi UOB bán đi lượng cổ phần tại NH Phương Nam (20%) hoặc dự thảo thông tư được thông qua, UOB mới có thể đầu tư đáng kể vào GPBank

Thời gian gần đây thị trường rộ lên thông tin UOB – Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore đang đàm phán với GPBank. Tuy nhiên, đối tác Ngân hàng UOB từ Singapore liệu có thể thực sự đầu tư vào GPBank vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Khả năng để ngỏ

UOB là một NH ngoại khá quen thuộc ở VN. NH này hiện có trụ sở của chi nhánh tại VN, đặt ở khách sạn Sofitel Plaza. Trên website NHNN VN, UOB có số giấy phép được cấp vào ngày 27/3/1995, với số vốn điều lệ 15 triệu USD. Trong số 50 chi nhánh NH nước ngoài được cấp phép và đang hoạt động tại VN, vốn điều lệ của chi nhánh UOB là mức sàn có thể xem thấp nhất, đặc biệt nếu so với một số Chi nhánh NH ngoại như Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Mizuho, Industrial Bank of Korea… đang có vốn điều lệ cho hoạt động của mỗi chi nhánh lên tới trên trăm triệu, thậm chí trên ba trăm triệu USD.

Tuy nhiên, nếu như BTMU, hay Mizuho, cũng là những NH dẫn đầu trong khu vực Châu Á đã khiến thị trường tài chính VN choáng váng thời gian gần đây bởi những thương vụ đầu tư khủng vào 2/4 NH cổ phần quốc doanh lớn nhất VN, thì bản thân UOB lại cũng chẳng thuộc hàng “thấp bé nhẹ cân”. UOB được giới tài chính trong nước biết tới khi chọn Phương Nam Bank, một trong những NHTM CP “top dưới” để đầu tư chiến lược vào năm 2008, thời điểm khá sớm so với hoạt động M&A nhộn nhịp gần đây.

Trước đó, trong suốt 77 năm kể từ khi thành lập năm 1935, UOB cũng đã chứng minh một bản lĩnh trên thương trường M&A khi đầu tư hàng loạt thương vụ mua lại mang tính chiến lược và sự tăng trưởng có hệ thống. Nhờ đó mà UOB ngày nay có các NH con hiện diện ở nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực như Malaysia,Thái Lan, Trung Quốc. Ngay tại Singapore, UOB cũng sở hữu Cty con là Far Eastern Bank Limited, chuyên cung ứng sản phẩm và dịch vụ NH.

Nhưng chính vì UOB từng có lịch sử và hiện vẫn đang nắm 20% cổ phần của NH Phương Nam, được NH Phương Nam chào đón và không ngừng quảng cáo là đối tác chiến lược tốt, nên nếu bắt đầu một thương vụ đầu tư nhà băng mới tại VN, UOB lại sẽ gặp khó khăn. Bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt cho biết, theo quy định hiện hành, đối tác chiến lược của một NH không thể đồng thời làm đối tác chiến lược của NH khác, do đó, UOB chỉ có thể mua tối đa 10% cổ phần của GPBank nếu không bán đi lượng cổ phần của NH Phương Nam.

Cũng theo đơn vị phân tích này, thị trường VN đã xuất hiện một dự thảo thông tư được ban hành vào tháng 5/2013, trong đó nhà đầu tư nước ngoài và các bên liên quan có thể mua trên 30% cổ phần của một NH VN nằm trong kế hoạch cơ cấu của NHNN nhưng vẫn không được đồng thời làm đối tác chiến lược của hai NH VN. Vì vậy, trừ phi UOB bán đi lượng cổ phần tại NH Phương Nam hoặc dự thảo thông tư được thông qua, UOB mới có thể đầu tư đáng kể vào GPBank.

Những kịch bản

Mặc dù phương án đầu tư vào GP Bank theo lý lẽ kể trên, đang để ngỏ, nhưng theo đó vẫn thấy xuất hiện cơ hội cho các kịch bản:

Thứ nhất, UOB thôi làm đối tác chiến lược - tức thoái vốn một phần hoặc toàn phần tại NH Phương Nam – để làm đối tác của GPBank. Nếu trường hợp này xảy ra, khó khăn sẽ dồn không ở phía NH Phương Nam, bởi: 1, Ai sẽ mua lại 20% số cổ phần này của NH này, và với mức giá nào? (Tìm kiếm một đối tác mới để sang nhượng tới 20% cổ phần của một NH có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng là chuyện không giản đơn). Bản thân các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của NH Phương Nam có đồng ý (nếu xét theo lộ trình cam kết đối tác của UOB và nhiều thỏa thuận không được công bố khác) ? Và thời gian để chờ Chính phủ phê duyệt cổ đông – đối tác mới cho NH Phương Nam? (Theo quy định, cổ đông chiến lược đầu tư NH từ 20%, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)… 2; NH Phương Nam có gặp khó khăn gì không trong quá trình thay đổi đối tác chiến lược? Bởi như được biết, hoạt động NH là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Trong trường hợp UOB quyết tâm chọn GPBank, “bỏ” Phương Nam, sẽ có nhiều “ấn tượng” trước thông tin này nảy sinh kiểu như: Tại sao UOB lại “bỏ” Phương Nam? Phải chăng NH này đang có vấn đề vốn đã được ém nhẹm khá lâu, trong khi Phương Nam Bank không nằm trong nhóm 9 NH bắt buộc tái cơ cấu mà ngược lại, GPBank mới thuộc về nhóm đó?...

Một chuyên gia cho rằng xét trước những khía cạnh này, khả năng UOB “bỏ” Phương Nam Bank để theo GPBank là chuyện khó có thể xảy ra. Vì vậy, nếu UOB quyết tâm mua GPBank và bản thân NHNN ở vai trò “mai mối” cũng xác định đây là thương vụ tốt để đẩy nhanh tới hoàn tất tiến trình tái cơ cấu 9 NH yếu, nhưng lại cũng phải đảm bảo việc hậu thuẫn cho sự hoạt động an toàn của toàn hệ thống, nên rất có thể NHNN sẽ có động lực để xem xét, xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu GPBank. Và do đó, kịch bản thứ hai sẽ diễn ra theo chiều hướng: UOB có thể cùng lúc sẽ là đối tác chiến lược của 2 NH?

Tuy nhiên, với kịch bản thứ 2 thì lại cũng vẫn có những rào cản riêng. Do trong lĩnh vực NH, một trong những mục tiêu “tối thượng” đang được cơ quan quản lý đặt ra là thu hẹp số lượng và gia tăng quy mô của các nhà băng. Việc một nhà đầu tư ngoại đồng thời là đối tác của 2 TCTD sẽ khiến khả năng hỗ trợ, đồng hành cho các tổ chức bị phân tán, hiệu quả không cao; mặt khác, trên thực tế cũng rất khó có đối tác chiến lược nào cùng lúc hỗ trợ cho 2 DN trong cùng một ngành nghề và cạnh tranh lẫn nhau.

Thực tế trước đây đã từng có NH ngoại cùng lúc là đối tác chiến lược (nắm 10% cổ phần) của 2 NH nội, nhưng sau đã phải thoái vốn vì khả năng tăng vốn trên 10% gặp khá nhiều rào cản. Bản thân các đối tác kiểu này ít nhiều cũng có thời gian gặt hái được thành tựu nhờ chiến lược “sói gửi chân”, đã chọn phương án đúng thời điểm “gửi toàn thân” và tập trung nguồn lực hiện hữu như một NH ngoại thực sự.

Vì vậy, một khả năng có thể xảy ra nhất vẫn là GPBank sẽ được “mua đứt”. Nếu đúng, đây sẽ là tiền lệ mua đứt 1 NH đầu tiên xảy ra trên thị trường tài chính VN, nơi đang được các nhà đầu tư ngoại đặt rất nhiều kỳ vọng về sự cải tổ chính sách và mở cửa “room” ngoại, đặc biệt sau cam kết của Thủ tướng Chính phủ về việc mở thị trường tài chính trong nước không thua kém gì các nước trong khu vực nhân chuyến công du Mỹ. Theo đó, những thay đổi về các quy định đối với room với ngoại, đặc biệt tỉ lệ của vốn ngoại trong lĩnh vực NH, nếu có thay đổi, sẽ đánh dấu những bước tiến thần tốc trong lộ trình mở cửa của VN.

Tuy nhiên, giới quan sát nhấn mạnh rằng UOB hẳn nhiên sẽ “chẳng dại” mua đứt GPBank 100%. Chỉ cần sở hữu trên 40%, là NH này đã coi như hoàn thành ý nguyện M&A. Quan trọng, với tỉ lệ sở hữu này, đương nhiên lợi thế về đối tác của GPBank so với Phương Nam Bank, đã là ăn đứt và việc Phương Nam Bank thay đổi nhà đầu tư chiến lược chỉ còn là sớm muộn.

Như vậy, xem ra, chuyện tái cơ cấu 9 NH yếu cho dù tưởng sắp đến được gần đích hoàn tất, vẫn còn rất ngổn ngang. Và ngay cả các NH không thuộc nhóm 9 NH yếu, tưởng đã “ấm thân” và an toàn với những đối tác hiện hữu, vẫn sẽ có nguy cơ bị “đứt gánh giữa đường” nếu thực sự các đối tác nhắm được những miếng mồi ngon hơn và chấp nhận trả giá.

Trong khi đó thì điểm mặt anh tài các nhà đầu tư ngoại đã, đang quan tâm thị trường VN, dường như chưa xuất hiện thêm những nhân tố mới. Ông Masaki Yamashita - Giám đốc Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ chi nhánh TP HCM mới đây cho rằng ông không tin sẽ tiếp tục có NH Nhật nào mới mẻ ngoài những cái tên đang có, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nhà băng ở VN.

Và vì lẽ đó, cơ hội để rộng đường thương thảo các điều kiện với những đối tác ngoại vẫn còn “buông lời ngỏ ý” với nhà băng VN nói chung, và với GPBank nói riêng, hẳn cũng không nhiều, trừ khi các nhà quản lý VN sớm hiện thực hóa chính sách mở room vốn ngoại 49% trong lĩnh vực NH trên diện rộng ngay trong thời gian tới.

(Kỳ 2: Thị trường sau “cơn mưa” tái cơ cấu)

Lê Mỹ

diễn đàn dn

Các tin tức khác

>   Phó chủ tịch VAMC: 'VAMC như bệnh viện nợ xấu' (02/10/2013)

>   Đổ xô đi bán nợ xấu (02/10/2013)

>   “Phát lộ” con số nợ xấu thực của Agribank (01/10/2013)

>   Ngày đầu tháng 10, NHNN tiếp tục bơm ra 66 tỷ đồng (01/10/2013)

>   Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: “Vẫn chưa vững chắc” (01/10/2013)

>   Ngân hàng "khát" trái phiếu (01/10/2013)

>   Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Thị trường tiền tệ tiếp tục có những cải thiện tích cực (01/10/2013)

>   VIBank: Sổ tiết kiệm còn, tiền tỷ bốc hơi (01/10/2013)

>   Nợ xấu của tổ chức tín dụng tiếp tục tăng (01/10/2013)

>   Eximbank: Sếp ra đi, cổ đông lớn thoái lui (01/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật