Gạo tiểu ngạch: Cá bé cứu cá lớn
Năm 2013, thế giới xảy ra tình trạng thừa gạo. Một số nước vẫn tồn kho hàng chục triệu tấn như Thái Lan, Ấn Độ… Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc Trung Quốc đột ngột gia tăng nhập khẩu gạo đã cứu nguy cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều 24.10, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng phải thừa nhận: “Nếu không nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tình hình xuất khẩu gạo năm nay chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì”.
Ông Trương Thanh Phong
|
Giải thích rõ hơn về thông tin này, ông Phong nói: năm nay, từ chỗ thừa lương thực đã dẫn đến giá gạo thế giới trong những tháng vừa qua tụt giảm rất nghiêm trọng, đặc biệt là Thái Lan. Gạo 5% B cùng kỳ năm trước của Thái Lan bán ra ở mức 565 USD/tấn nhưng nay chỉ còn 430 USD; các nước như Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam cũng sụt 10 – 20%. Chính vì giá gạo Thái Lan sụt giảm quá mạnh đã kéo mặt bằng giá gạo xuất khẩu ở các nước xích lại gần nhau hơn. Điều này càng làm tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải rất cố gắng tìm kiếm, giành giật từng thị trường, từng khách hàng, nhiều lúc phải chấp nhận bán giá thấp, bán lỗ để có hợp đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, rất may là năm nay Việt Nam có thêm thị trường Trung Quốc nhập khẩu với số lượng khá lớn. Theo thống kê của VFA, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã mua khoảng 3 triệu tấn gạo của Việt Nam (tăng nửa triệu tấn so cả năm 2012), trong đó có 1,8 triệu nhập qua đường chính ngạch, 1,2 triệu tấn còn lại theo đường tiểu ngạch. Như vậy, đến thời điểm này lượng gạo xuất sang Trung Quốc chiếm hơn phân nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (mười tháng đầu năm khoảng 5,5 – 5,6 triệu tấn).
Với tín hiệu thị trường khả quan như vậy thì liệu năm nay, Việt Nam có hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo không thưa ông?
Dự kiến năm nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không đạt mức 7 triệu tấn (kế hoạch đưa ra đầu năm 2013 là 7,5 triệu, đến giữa năm giảm còn 7,2 và mới đây điều chỉnh còn 7 triệu) và kim ngạch chỉ vào khoảng 3 tỉ USD, giảm khoảng 13% giá trị. Tuy số lượng gạo xuất khẩu chính ngạch (qua thống kê từ Hải quan) không đạt, nhưng bù lại lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch tăng khá mạnh nên năm nay tính chung lại thì chúng ta vẫn bán ra tới trên 8 triệu tấn gạo.
Như vậy là mặc dù tình hình xuất khẩu gạo năm nay gặp rất nhiều khó khăn do thế giới thừa gạo, nhưng Việt Nam vẫn tiêu thụ hết gạo và đến những tháng cuối năm chúng ta có thể không còn gạo để bán. Diễn biến thuận lợi này có thể kéo dài đến hết quý 1/2014. Theo dự tính của VFA, từ nay đến cuối năm, vẫn tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo chính ngạch và tiểu ngạch sang Trung Quốc, sản lượng do đó không chỉ dừng lại ở mức 3 triệu tấn.
Thị trường Trung Quốc luôn được đánh giá tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thời gian tới VFA sẽ phối hợp với các bộ, ngành, nhất là địa phương các tỉnh biên giới giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Đúng như vậy, tôi cho rằng thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng, tuy nhiên việc xuất khẩu tiểu ngạch thời gian qua bộc lộ khá nhiều rắc rồi như việc gian lận thuế xuất khẩu, xù hợp đồng, mua bán thiếu sự ràng buộc chặt chẽ. Có một số hợp đồng khai mua bán chính ngạch nhưng khi thực hiện lại xuất tiểu ngạch qua biên giới để gian lận thuế. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua VFA đã kiến nghị các địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là sở Công thương phải có biện pháp quản lý các doanh nghiệp kê khai đúng quy định xuất khẩu tiểu ngạch, tránh xảy ra tình hình gian lận thuế. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù được khuyến khích xuất khẩu nhưng phải thực hiện đúng việc kê khai chứng từ theo quy định của Nhà nước về buôn bán tiểu ngạch, ngoài ra còn phải lưu ý trong vấn đề tìm hiểu đối tác, kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản hợp đồng mua bán…
Nguy cơ thế giới dư thừa gạo, giá sụt giảm cộng với việc cạnh tranh quyết liệt về thị trường giữa các nước xuất khẩu gạo dự báo còn tiếp tục kéo dài trong các năm tới. Xin ông cho biết ngay từ bây giờ VFA đã có bước chuẩn bị đối phó như thế nào?
Để có thể cạnh tranh được trong điều kiện cung vượt cầu, về cơ bản, theo tôi, chúng ta phải đi vào sản xuất lúa chất lượng mới có thể chen chân được vào các thị trường. Vừa qua VFA kiến nghị bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương trong năm tới phải chuyển nhanh sang trồng một số chất lượng cao, lúa thơm, lúa nếp. Những loại lúa này, đến nay nếu làm ra gạo thì giá của Việt Nam vẫn còn thấp nên nếu có sản lượng tốt, ổn định thì chúng ta có cơ hội chen chân được, gạo thơm của Thái Lan, Ấn Độ lên đến 700 – 900 USD/tấn, trong khi Việt Nam dưới 600 USD/tấn. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải giữ được chất lượng, nếu làm chất lượng không ổn định sẽ mất uy tín, mất thị trường. Ngoài ra, VFA cũng đề xuất phải chuyển sang sản xuất một số loại giống lúa hạt tròn (hiện Trung Quốc đang có nhu cầu mua loại gạo này), đồng thời giảm một số diện tích canh tác không hiệu quả, không sản xuất vụ xuân hè mà chuyển sang trồng cây khác và né vụ hè thu vào thời điểm mưa bão…
Hiện nay, châu Á chiếm 65% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và ta đã có chiến lược xúc tiến các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Đông Á (Philippines, Indonesia, Malaysia) hoặc Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật... Trung Quốc là thị trường lớn nhưng họ lại không muốn vào khuôn khổ, không muốn nhập chính ngạch nên việc xúc tiến sẽ gặp khó khăn hơn nên hiệp hội cũng đã có bước chuẩn bị để không quá phụ thuộc nhiều vào đây.
Hoàng Bảy
Sài Gòn Tiếp Thị
|