Đường xa thoái vốn
Cả 2 đợt đấu giá bán cổ phần thoái vốn đầu tư vào ngân hàng ABBank và Techcombank trong 2 tháng qua đều thất bại. Tại sao những cổ phiếu từng làm “vua” một thời lại ế ẩm đến vậy?
Ngày 9/8, Sở Giao dịch Chứng khoán (HNX) hủy tổ chức đấu giá hơn 25 triệu cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Ngân hàng An Bình (ABBank). Tiếp đó, ngày 26/9, tổ chức này lại phải hủy phiên đấu giá hơn 24 triệu cổ phần của Techcombank (TCB) với cùng lý do duy nhất: không có người mua. Có lẽ nhìn thấy tình cảnh ế ẩm đó mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn chần chừ trong việc thực hiện thoái vốn khỏi OceanBank; VNPT e ngại thoái vốn khỏi MaritimeBank và ngân hàng Liên Việt…
Không dễ bán
Để tổ chức một đợt thoái vốn ngân hàng, thủ tục không hề đơn giản. Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, doanh nghiệp chuẩn bị từ cuối tháng 6/2012, nhưng phải sau hơn 1 năm mới có thể đưa cổ phiếu ra chào bán rộng rãi.
Tốn kém và phiền hà như vậy, song thị trường lại thờ ơ với loại hàng hóa này. Lý do vì sao? Theo phân tích của giám đốc tư vấn doanh nghiệp của một Công ty chứng khoán CTCK lớn, cổ phiếu ngân hàng đang trong cơn bĩ cực và không phải món khoái khẩu của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Trước hết, giá chào bán quá cao, không phù hợp với giá thị trường. Đơn cử, giá khởi điểm chào bán cổ phiếu ABB là 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá ghi nhận được ở 3 CTCK lớn nhất chỉ có 6.000 -7.000 đồng/cp. Tương tự, giá khởi điểm TCB là 12.100 đồng/cp, trong khi thị trường chỉ giao dịch xấp xỉ 10.000 đồng/cp.
Các chỉ số tài chính của cổ phiếu ngân hàng, ngay cả của những ngân hàng lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đều không hấp dẫn bởi EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) thấp, ROE (thu nhập trên vốn chủ sở hữu), ROA (thu nhập trên tổng tài sản) đều kém so với nhiều ngành khác, chưa kể xu hướng lợi nhuận tiếp tục kém khả quan và nhiều điểm không mấy rõ ràng, minh bạch trong chất lượng tài sản. Đây là một trong những lý do khiến hồi tháng 8 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 37,4 triệu USD thì trong đó có tỷ trọng khá lớn tập trung ở những cổ phiếu như VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank). Từ 2 năm trở lại đây, danh mục đầu tư của các quỹ lớn tại Việt Nam đến từ 2 tổ chức Vinacapital và Dragon Capital (DG) chỉ có giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng chứ không hề tăng. Hiện quỹ VOF của VinaCap chỉ nắm giữ cổ phiếu Eximbank với 5,9% NAV (tài sản ròng của quỹ). Còn tỷ trọng ngành ngân hàng chỉ đạt 10% NAV của quỹ VEIL thuộc DC. Quỹ VFG thì giảm ngành ngân hàng xuống 4,1% NAV. Lãnh đạo một quỹ đầu tư từng là cổ đông lớn của nhiều ngân hàng cho biết, từ 3 năm nay, quỹ đã tìm mọi cách thoái vốn khỏi các ngân hàng. Nếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, cơ hội không mấy hấp dẫn.
Với các nhà đầu tư chiến lược, cơn lốc giảm giá cổ phiếu ngân hàng và tỷ lệ chia cổ tức èo uột không hấp dẫn họ. Đó là chưa kể đến việc rất khó thực hiện tham gia quản trị, cải thiện hoạt động của các ngân hàng Việt do tỷ lệ cổ đông “cô đặc” tại nhiều ngân hàng. ABBank hiện có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, EVN sở hữu xấp xỉ 22% cổ phần, đợt chào bán hồi tháng 8 vừa qua chỉ chiếm khoảng 25% số cổ phần tập đoàn đang nắm giữ tại ABBank. Còn 24 triệu cổ phần VNA chào bán tại TCB cũng chỉ tương đương tỷ lệ sở hữu 2,7%.
Bỏ ra cả đống tiền mua cổ phiếu của các ngân hàng này, song tiếng nói lại không có trọng lượng, thử hỏi nhà đầu tư lớn nào tham gia? Ngay tại OceanBank, từ cuối năm 2012, có thông tin quỹ đầu tư Hermes (Anh Quốc) sẽ mua lại cổ phiếu của PVN để trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng. Bản thân Hermes cũng đã hợp tác với OceanBank trong một số lĩnh vực, nhưng cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài lại cao chạy xa bay. Rõ ràng là nếu cứ thực hiện theo cách hiện nay, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khỏi lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục bế tắc.
Đẩy sang SCIC, có khả thi?
Giới chuyên gia kinh tế như các ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội… đưa ra một ý tưởng, đó là “gói” toàn bộ những khoản đầu tư này lại và chuyển giao về SCIC để tổng công ty này xử lý, giải phóng cho các tập đoàn, tổng công ty khác chuyên tâm tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, quan điểm này không dễ được SCIC chấp nhận, nhất là khi những khoản đầu tư này hiện vẫn chủ yếu lỗ.
Về lý thuyết, SCIC đang quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Trung ương với số dư tới gần 50 nghìn tỷ đồng. Đây có thể là nguồn để xử lý các khoản đầu tư trên. Song vẫn còn đó bài học thất bại từ việc chuyển các doanh nghiệp họ Vinashin sang Vinalines khi khoản lỗ chỉ từ túi này chuyển sang túi khác mà thôi.
Hiện nay, ngay cả việc chuyển phần vốn nhà nước tại gần 30 doanh nghiệp họ Vinashin về SCIC theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cũng mới chỉ dừng ở bước các bên nghiên cứu rồi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Để có thể nhận bàn giao những gói đầu tư này, ít nhất tổ chức nhận bàn giao cũng phải có bản quyết toán tài chính rõ ràng. Hoạt động của doanh nghiệp phải được phân tích chi tiết, không giấu lỗ, không giấu tài sản. “Lỗ phát sinh thời điểm nào, ai phải chịu trách nhiệm?”, một cán bộ có trách nhiệm tại SCIC nêu quan điểm. Với những yêu cầu như trên và đặc thù hoạt động của những tổ chức có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước trước đây, không dễ để thực hiện điều đó. Minh bạch hoạt động của các ngân hàng lại càng là điều khó thực hiện.
Chịu đau để cắt
Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều phương án mở cho việc thoái vốn. Cụ thể, cho phép bán thỏa thuận trực tiếp giữa chủ sở hữu (hoặc cơ quan chức năng được chủ sở hữu ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ bằng văn bản) với nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua, hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bán chỉ định bằng văn bản.
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư lại thòng thêm điều khoản khiến cho việc thoái vốn được nhận định còn “dậm chân tại chỗ”. Cụ thể, tiền thu về từ chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp sau khi trừ giá trị vốn đầu tư (chi phí vốn đầu tư), chi phí chuyển nhượng và tiền thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số còn lại doanh nghiệp được hạch toán vào kết quả kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp thua lỗ (không bảo toàn được vốn), hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải có báo cáo gửi chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân thua lỗ không bảo toàn được vốn và phải giảm trừ tiền lương của viên chức quản lý doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp nào sẵn sàng chấp nhận trừ lương sau khi thoái vốn? Đó là câu hỏi ông Nguyễn Đình Cung đặt ra khi nhận xét về dự thảo quy định trên. Với cách tư duy như vậy sẽ không thể bán được cổ phiếu ngân hàng nhằm thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đề cập đến câu chuyện này, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư vốn, từng làm việc nhiều với Temasek (Singapore) cho rằng, dứt khoát cơ quan quản lý phải đặt bớt trách nhiệm cho những người có liên quan sang một bên mới có thể đẩy nhanh tiến trình này. Để vốn nhà nước đỡ thất thoát cần nhìn nhận ở hai khía cạnh: xác định hậu quả thua lỗ tại thời điểm ra quyết định đầu tư và đặt ra yêu cầu nếu không thoái vốn ở thời điểm này trong tương lai khoản lỗ tiếp tục đội lên thì trách nhiệm của người quản lý hiện tại sẽ tăng tương ứng ra sao. Cắt lỗ, dù rất đau luôn là bài học quan trọng nhất mà mỗi nhà đầu tư tham gia thị trường phải học và làm được.
Mai Lan
diễn đàn doanh nghiệp
|