Đưa ông chủ “sân sau” ra khỏi hệ thống ngân hàng
Để đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để loại bỏ các ông chủ doanh nghiệp “sân sau” ra khỏi hệ thống tài chính.
Sở hữu chéo “làm khó” tái cơ cấu
Đưa ông chủ "sân sau" ra khỏi hệ thống được xem là một trong những mấu chốt để có thể đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới
|
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản đã được hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu và đã đi vào hoạt động ổn định. Thanh khoản của hệ thống được bảo đảm…
Tuy nhiên, chặng đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới vẫn là nỗi băn khoăn của rất nhiều đại biểu quốc hội.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, sở hữu chéo sẽ “làm khó” tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả tái cơ cấu kinh tế cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một trong những nguyên nhân cản trở tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, tình trạng các ông chủ ngân hàng đồng thời cũng là chủ nợ là thách thức lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay. Khi tái cơ cấu, xử lý nợ, chính các ông chủ này dùng nhiều chiêu trò để biến nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, làm vô hiệu hóa lợi ích của các cổ đông nhỏ…
Trước thực trạng đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, thời gian tới, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần tập trung rà soát, đánh giá tình trạng sở hữu chéo và công khai, minh bạch hoạt động doanh nghiệp, cá nhân là cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó trong tổ chức tín dụng.
Cấm chủ doanh nghiệp làm chủ ngân hàng
“Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng cần có lựa chọn, giải pháp khác mạnh hơn để dứt khoát đưa các ông chủ doanh nghiệp ra khỏi hệ thống tài chính. Tới đây, một số ngân hàng sẽ bị xử lý theo hướng này, nhằm tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn cho chủ trương tái cơ cấu của chúng ta”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới có quy định nhằm hạn chế xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn của ngân hàng và các doanh nghiệp sân sau, song vẫn có tình trạng lách luật. Ở Việt Nam, tình trạng này còn nan giải hơn, do Việt Nam có rất ít kinh nghiệm trong quản lý sở hữu chéo.
Trên thực tế, tại Việt Nam, sở hữu chéo không chỉ xuất phát từ nguyên nhân thiếu kinh nghiệm quản lý, mà còn do yếu tố lịch sử để lại. Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vẫn cho rằng, việc xử lý sở hữu chéo cần được thực hiện kiên quyết, nhưng phải theo lộ trình phù hợp để đảm bảo an toàn hệ thống.
Hà Tâm
đầu tư
|