Thứ Ba, 22/10/2013 22:00

Đua nhau xin vốn

Sau khi Quảng Ninh, Hà Nội phát hành thành công trái phiếu địa phương, đến nay đã có rất nhiều địa phương và các bộ, ban ngành muốn đi theo con đường trái phiếu để xin vốn. Dường như một cuộc chạy đua đầu tư công lại đang tái diễn.

Phản ứng dây chuyền

Ngày 23-10, UBND TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đợt 2 năm 2013. Lần này, đầu tàu kinh tế phía Nam "tung” ra 1.980 tỷ đồng trái phiếu loại mệnh giá 100.000 đồng với các kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 10 năm.

Trước đó, ngày 24-9, UBND tỉnh Quảng Ninh phát hành thành công 8.000.000 trái phiếu có kỳ hạn 3 năm (từ 24-9-2013 đến 24-9-2016). Số trái phiếu này được NHNN Việt Nam chấp nhận tham gia trong các giao dịch thị trường mở, chiết khấu, tái chiết khấu, vay tái cấp vốn với NHNN Việt Nam. Không chỉ ở cấp địa phương, các Bộ ngành trọng điểm cũng đang chạy đua xin được tăng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT xin Chính phủ tăng cường vốn thêm 25.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2013 – 2015. Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, phải có thêm vốn thì các tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, hay tuyến huyết mạch 1A mới sớm hoàn thành.

Có thể thấy rằng, một "làn sóng” xin tăng phát hành trái phiếu lấy vốn đầu tư đang nở rộ. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh cân đối thu chi ngân sách khó khăn, việc xin phát hành trái phiếu trở thành cứu cánh để tái đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, đầu tư vào cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông và năng lượng) được coi là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể phát triển được nền kinh tế có giá trị gia tăng cao. Thời gian qua, Nhà nước đã tập trung đầu tư vào hệ thống đường quốc lộ trục Bắc, Nam; củng cố đường giao thông nội thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được khởi công nhằm cải thiện giao thông ở các đầu mối, các trục chính ở các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam đã được nâng cấp đáng kể, song chi phí đầu tư hạ tầng cao, tác động của đầu tư hạ tầng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Lo ngại khủng hoảng nợ địa phương

Nhìn vào động thái xin tăng vốn ở cấp địa phương lẫn cấp trung ương giới chuyên gia cho rằng, cuộc đua phát hành trái phiếu có thể trở thành hiệu ứng dây chuyền. Ngoài mặt tích cực bổ sung vốn để đầu tư xây dựng thì cái hại nhiều vô kể.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 21-10, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh cho biết, tình hình các địa phương đua phát hành trái phiếu cho thấy nền kinh tế đang rất khó khăn. Từ đây, cũng ngầm hiểu những giải pháp để tăng thu từ nay đến cuối năm chưa rõ ràng. Trong khi đó, các địa phương vẫn phải cần tiền để đầu tư.

Ông Lê Đăng Doanh khẳng định cần phải kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của địa phương. Địa phương nào trước đây vẫn tự cân đối được thu chi, tức là có nội lực có thể cho phát hành thêm trái phiếu. Đối với địa phương từ trước tới nay vẫn lệ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách Trung ương chuyển về, giờ lại tiếp tục xin tăng vốn bằng phát hành trái phiếu thì tuyệt đối không cho phép. Các địa phương này sẽ lâm vào thực tế không thể trả được nợ. "Tôi rất lo ngại một cuộc khủng hoảng nợ địa phương sẽ diễn ra trên quy mô rộng. Trung Quốc cũng đã từng lâm vào thực trạng này”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Hiện nay theo quy định, các địa phương phát hành trái phiếu không cần phải xin ý kiến Quốc hội, thay vào đó, họ có thể xin ý kiến Bộ Tài chính, NHNN hay Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Đăng Doanh cho biết thêm, từ năm 2011, Chính phủ đã bàn đến chuyện cắt giảm đầu tư công. Nhưng trong suốt quãng thời gian qua chưa có một đề án bàn về các giải pháp tổng thể. Các chủ trương nêu ra chỉ xoay quanh nội dung "tập trung vốn vào công trình trọng điểm”, trong khi đó thất thoát đầu tư công vẫn là vấn nạn lớn. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm nếu tăng đầu tư công trong giai đoạn hiện nay.

Giới chuyên gia cũng khẳng định, trong khi công tác quản lý đầu tư, thi công công trình, dự án ở một số địa phương bất cập thì càng phát hành trái phiếu sẽ gây lãng phí trong sử dụng nguồn vốn và giảm hiệu quả đầu tư.

Thúy Hằng

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   TNY: Phó TGĐ Nguyễn Tin đã nhận chuyển nhượng 24,135 quyền mua (22/10/2013)

>   TNY: Thành viên HĐQT Phạm Tuấn Thức chưa thể chuyển nhượng 10,000 quyền mua trái phiếu (22/10/2013)

>   TNY: Thành viên HĐQT Lê Thành Nhơn chưa thể nhận chuyển nhượng 150,000 quyền mua (22/10/2013)

>   TNY: Trưởng BKS Nguyễn Văn Tạo đã chuyển nhượng 51,345 quyền mua (22/10/2013)

>   Ngân hàng VDB huy động 800 tỷ đồng trái phiếu CP (21/10/2013)

>   Xử lý nợ xấu trái phiếu, quá khó! (18/10/2013)

>   Sẽ có Chỉ số trái phiếu chính phủ vào đầu năm 2014 (14/10/2013)

>   9 tháng, KBNN huy động 144.812 tỷ đồng (11/10/2013)

>   Niêm yết trái phiếu đảo nợ của Vinashin tại Singapore (11/10/2013)

>   VDB huy động 1.080 tỷ đồng TP Chính phủ bảo lãnh (10/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật