Thứ Sáu, 25/10/2013 10:30

Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước: Đưa nợ xấu về 3%

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh tranh tra Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2013, thông qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN tiếp tục đánh giá và đã xác định thêm một số NHTM yếu kém. Thời gian tới NHNN sẽ tung ra 5 giải pháp đồng bộ để quyết đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%.

Vị đại diện Thanh tra NHNN khẳng định việc giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện thường xuyên nhằm nhận diện chính xác thực trạng, từ đó có biện pháp tái cơ cấu thích hợp nhằm giữ ổn định, không gây xáo trộn hệ thống, góp phần thực hiện thành công Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” đã được Chính phủ phê duyệt.

Trước đó trong năm 2012, NHNN đã xác định được 9 ngân hàng yếu kém và đã triển khai các giải pháp phù hợp để tiến hành tái cơ cấu các. Cụ thể NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu 8 NHTMCP yếu kém, trong đó, 3 ngân hàng đã được hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã được hợp nhất với 1 Công ty tài chính, 1 ngân hàng đã được sáp nhập vào 1 ngân hàng khác, 3 ngân hàng tự củng cố, chấn chỉnh.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình tái cơ cấu ngân hàng chỉ mới hoàn thành được bước 1. Theo lộ trình tái cơ cấu đề ra, năm 2014, ngành ngân hàng phải hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính. Cụ thể, phải hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu, áp dụng trên thực tế các chuẩn mực kế toán và an toàn, tập trung hoàn thành tái cơ cấu hoạt động và quản trị.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, từ nay đến năm 2015, NHNN tiếp tục đưa ra 5 giải pháp để đưa nợ xấu về 3% và đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu.

Thứ nhất, trên cơ sở kết quả thanh tra, giám sát năm 2013, tiếp tục đánh giá thực trạng TCTD qua công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để nhận diện các TCTD yếu kém và TCTD hoạt động bình thường, từ đó có biện pháp tái cơ cấu thích hợp.

Thứ hai, yêu cầu tất cả các TCTD chủ động rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng phương án tái cơ cấu toàn diện các mặt tổ chức và hoạt động, tập trung tăng cường năng lực tài chính đảm bảo vốn tự có đủ bù đắp rủi ro, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và vốn điều lệ thực không thấp hơn mức vốn pháp định, xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục tập trung triển khai Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình bán, xử lý nợ xấu giữa các TCTD và Công ty quản lý tài sản Việt Nam.

Thứ tư, hoàn thiện đồng bộ các quy định liên quan đến việc đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, minh bạch hóa trong hoạt động ngân hàng tạo nền tảng cho NHNN sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu toàn diện trên quy mô toàn hệ thống, trong đó, tập trung cải cách thể chế về quản trị DN.

"Đây là một nội dung then chốt tạo cơ sở cho các TCTD tự tái cơ cấu theo các Phương án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt và là nền tảng cho sự thay đổi của hệ thống các TCTD theo mục đích tái cơ cấu dựa trên sự tự thay đổi của chính các TCTD trong bối cảnh nâng cao kỷ luật thị trường” – ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo quan điểm của ông Nghĩa, việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý các TCTD yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định. Do vậy, thời gian xử lý các TCTD yếu kém có thể chậm hơn so với kế hoạch dự kiến.

Nguyên nhân cũng được vị Chánh thanh tra NHNN chỉ ra, để tái cơ cấu vẫn cần bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích các TCTD tích cực triển khai tái cơ cấu như các cơ chế, chính sách về miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ TCTD trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại TCTD...

Về kinh tế vĩ mô, dù đã có những diễn biến khởi sắc hơn, song thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hoá chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn rất thấp, dẫn đến các TCTD vẫn tiếp tục chịu áp lực nợ xấu trong thời gian tới và việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chưa được khắc phục, hoàn thiện, làm chậm tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống trong thời gian tới.

Ngoài ra, do kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất – kinh doanh, thị trường tài chính trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD không thuận lợi.

Hồ Hương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Ngày 24/10, NHNN bơm ra 2.399 tỷ đồng (24/10/2013)

>   Xoa dịu làn sóng sa thải nhân sự ngân hàng? (24/10/2013)

>   Oceanbank được tăng vốn lên 5.350 tỷ đồng (24/10/2013)

>   Lợi nhuận Ngân hàng cuối năm 2013 sẽ khởi sắc hơn? (28/10/2013)

>   PGBank: Lãi sau thuế 9 tháng hơn 60 tỷ đồng, nợ xấu 9.5% (24/10/2013)

>   Đã xác định thêm một số ngân hàng yếu kém (24/10/2013)

>   Tiếp tục truy tố nguyên Tổng giám đốc ALCII vì thổi giá 'sắt vụn' (24/10/2013)

>   1km có 16 ngân hàng (24/10/2013)

>   Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (23/10/2013)

>   Kiến nghị gỡ khó cho người vay gói 30.000 tỉ đồng (23/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật