Cà phê “nóng ruột” chờ chính sách
Theo lời hứa, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh một số nội dung trong công văn số 7527. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cam kết trên chưa được thực hiện xong. Nhiều công ty thiếu vốn nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ không còn đủ nguồn lực để bắt đầu kinh doanh niên vụ mới.
Dù giá cà phê có cải thiện kể từ cuối tháng 9/2013, nhiều DN xuất khẩu chưa cảm thấy áp lực kinh doanh được giải tỏa. Cụt vốn sau một thời gian dài lợi nhuận kinh doanh không tốt, lại chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng, các DN cà phê đang “nóng ruột” chờ tháo gỡ từ Bộ Tài chính với khoản hoàn thuế này.
“Ngày 3/10, Bộ Tài chính đã gặp gỡ với DN xuất khẩu nông sản, nắm bắt khó khăn hiện tại và cho biết, Bộ sẽ có các văn bản sửa đổi, bổ sung chính sách tại các quy định trước đây sao cho phù hợp thực tế…”, ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho hay.
Theo lời hứa ở trên, Bộ Tài chính sẽ có văn bản vào khoảng ngày 15/10, điều chỉnh một số nội dung trong công văn số 7527/CV-BTC ban hành ngày 12/6/2013 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cam kết trên chưa được thực hiện xong. “Đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN giúp họ có vốn tiếp tục kinh doanh, bắt đầu niên vụ mới thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Nam Hải kỳ vọng.
Đối với nhiều DN kinh doanh, xuất khẩu cà phê, diễn biến thị trường nhiều tháng gần đây đang tạo áp lực lên hoạt động của họ. Thua lỗ lớn đã xảy ra, trong khi một số cản trở kinh doanh từ chính sách, như công văn 7572 là ví dụ, đang khiến tình hình hoạt động của DN đã khó càng thêm khó. Bởi giá cà phê đã giả̉m ở mức thấp tại thị trường nội địa, từ 40.500 đồng/kg trong giai đoạn tháng 6 - 8/2012 xuống còn 36.500 đồng/kg vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2013.
Thị trường gần đây có phục hồi, từ cuối tháng 9 có lúc giá tăng cao trở lại khoảng 38.500 đồng/kg. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa hết áp lực giảm giá. Theo Vicofa, hiện giá cà phê Arabica, Robusta trên thị trường thế giới đang thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây.
Còn với niên vụ mới đã cận kề (bắt đầu từ cuối tháng 10 kéo dài đến tháng 9 năm sau), dự báo sản lượng cà phê cả nước chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do thời tiết hạn hán, mưa đá, sâu bệnh kéo dài khiến nhiều vùng trồng cà phê lớn mất mùa từ vụ trước, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất vụ này. Cho nên, DN kinh doanh, xuất khẩu cà phê hiện còn đang đối mặt với việc thiếu nghiêm trọng tiền vốn để thu mua cà phê.
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, trong hai năm qua, DN kinh doanh xuất khẩu cà phê rất khó khăn. Khi sản lượng cà phê sụt giảm, DN phải thu mua cà phê giá cao để chế biến xuất khẩu. Nhưng giá ở thị trường xuất khẩu cũng giảm khiến các công ty lâm vào cảnh mua cao, bán thấp, chịu thua lỗ. Hiện nay, đã có một số DN được ngân hàng khoanh nợ nhưng với tình hình tài chính như vậy, những khoản vay mới sẽ khó tiếp cận hơn. Trong khi đó, nhiều DN đang bị cơ quan thuế chậm trễ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Một số DN thành viên Vicofa như Công ty xuất nhập khẩu nông sản Packsimex, CTCP Xuất nhập khẩu cà phê Intimex… phản ánh, đã hơn nửa năm 2013, họ chưa được hoàn lại thuế giá trị gia tăng đã nộp. Con số ước tính là khá lớn, khoảng từ 10 - 15 tỷ đồng/DN, dẫn tới nhiều công ty thiếu vốn nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ không còn đủ nguồn lực để bắt đầu kinh doanh niên vụ mới, thậm chí có thể phải ngưng hoạt động.
Thiếu hụt nguồn vốn cũng dẫn tới việc DN trong nước khó cạnh tranh với các DN FDI. Cho đến thời điểm này, có thể thấy ngành cà phê đang chịu quá nhiều áp lực.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa cho biết, cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cà phê dự báo chỉ đạt khoả̉ng 1,2 triệu tấn với kim ngạch 3 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều sản lượng xuất khẩu 1,6 triệu tấn và kim ngạch 3,7 tỷ USD của năm 2012.
Thanh Trà
Thời báo ngân hàng
|