Thứ Năm, 31/10/2013 09:51

Bất thường những khoản vay ở Navibank

Kể từ khi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 21-10-2013, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm đã liên tục xuất hiện trên báo chí nói về các khoản nợ của nhóm công ty của ông tại tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu ở Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank - NVB) và cam kết tập trung mọi nguồn lực để trả nợ. Vì sao ông Tâm lại lên tiếng vào thời điểm này và Navibank đang được tái cấu trúc ra sao?

Sẽ rút niêm yết

Giữa tháng 10-2013 trên trang web của HNX đăng tải thông tin Navibank lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút niêm yết, chuyển trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội và tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy sáu tháng, Navibank có những quyết định quan trọng về tái cơ cấu ngân hàng. Trong đại hội thường niên tổ chức vào cuối tháng 4-2013, ngân hàng đã thay đổi phần lớn Thành viên Hội đồng quản trị, trong đó nổi bật là sự từ nhiệm của ông Tâm, từng là phó chủ tịch thường trực nhiều năm. Sau đó Navibank thay đổi ban điều hành, kể cả Tổng giám đốc. Những chuyển động này nhằm đáp ứng đòi hỏi của cổ đông đặt ra trong đại hội thường niên, như làm rõ kế hoạch hoạt động của ban xử lý nợ; làm rõ lãi lỗ các khoản đầu tư tài chính - chứng khoán; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trả lời cổ đông, ông Vũ Hồng Nam, Trưởng ban Tái cấu trúc Navibank, cho biết thu hồi nợ, giải quyết nợ xấu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2013, tỷ lệ nợ nhóm 3, 4, 5 của Navibank chiếm 6.11% tổng dư nợ, tăng so với mức 5.64% hồi đầu năm.

Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lên tới 487 tỷ đồng, trong khi tổng mức trích lập dự phòng rủi ro cho đến cuối kỳ là 237 tỷ đồng. Với một ngân hàng có vốn điều lệ 3,010 tỷ đồng, mức trích lập trên thuộc hàng trung bình, nhưng nó lại trở nên nhỏ bé so với những rủi ro liên quan đến các khoản cho vay đối với nhóm công ty của ông Tâm.

Xuống - lên vốn chủ sở hữu

Navibank đã từng khiến cổ đông và nhà đầu tư “thót tim” về sự giảm/ tăng thất thường của vốn chủ sở hữu. Trong một văn bản giải trình gửi lên HNX vào năm ngoái, ngân hàng cho biết theo kết luận của thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào tháng 2-2012, Navibank phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng. Việc trích lập dự phòng bổ sung đã làm vốn chủ sở hữu ngân hàng tụt xuống còn 2,513 tỷ đồng.

Sau đó Navibank đã triển khai một số giải pháp như tăng cường thu nợ, định giá lại tài sản thế chấp và nhất là yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo. Nhờ đó vốn chủ sở hữu lên lại 3,027 tỷ đồng.

Bất thường những khoản vay

Navibank xuất thân từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên với vốn điều lệ 1.1 tỷ đồng, sau đó được đổi tên thành Nam Việt và chuyển trụ sở về TPHCM tháng 5-2006. Để đuổi kịp những đồng nghiệp khác và “lớn nhanh lớn mạnh”, Navibank dựa vào tăng trưởng tín dụng. Năm 2008 dư nợ của ngân hàng có 5,474 tỷ đồng, vọt lên 9,960 tỷ đồng năm 2009 và 10,375 tỷ đồng năm 2010 (nguồn: Bản cáo bạch niêm yết).

Một phần không nhỏ trong số dư tín dụng được dành tài trợ cho các công ty liên quan trực tiếp và gián tiếp đến ông Đặng Thành Tâm. Trong báo cáo tài chính năm 2011 của Navibank, phần thuyết minh cho thấy tổng dư nợ đối với các cá nhân và tổ chức kinh tế có liên quan đến ông Tâm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể một số giao dịch “khó hiểu” (trong các báo cáo tài chính tiếp theo từ năm 2012 gửi cho HNX phần thuyết minh bị bỏ trống - NV). Chẳng hạn tại trang 22 của báo cáo trên, Navibank đã ký hợp đồng ngày 25-1- 2011 với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Tâm, mua lại 500,000cổ phiếu thưởng của Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ với giá 150 tỷ đồng, tương đương 300,000 đồng/cổ phiếu. Không biết liệu có doanh nghiệp du lịch nào tại thời điểm ấy có thị giá cổ phiếu ngất ngưởng đến thế?

Cũng trong năm 2011, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2011, Navibank đầu tư 1,700 tỉ đồng vào trái phiếu của ba công ty liên quan đến ông Tâm: Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn 400 tỷ đồng, lãi suất 12.5%/năm, đáo hạn ngày 8-7- 2014; Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nang 1,000 tỷ đồng, lãi suất 11.596/ năm, đáo hạn ngày 31-12-2014; Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc 300 tỷ đồng, lãi suất 12.5%/ năm, đáo hạn ngày 18-12-2014.

Theo Luật các tổ chức tín dụng, một ngân hàng không được cho một khách hàng và các cá nhân, tổ chức liên quan vay quá 25% vốn tự có. Với 1,700 tỷ đồng trái phiếu, Navibank đã cho các công ty liên quan đến ông Tâm vay gần 57% vốn chủ sở hữu. Còn nếu tính cả các khoản vay khác, Navibank đã tài trợ cho nhóm khách hàng ông Tâm hơn 100% vốn tự có.

Ông Tâm và các công ty sở hữu bao nhiêu phần trăm Navibank?

Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong một báo cáo kinh tê vĩ mô vào mùa thu năm ngoái chỉ ra “mối quan hệ giữa các ngân hàng TMCP và các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác”. Báo cáo nhấn mạnh ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này là ông Đặng Thành Tâm và hai ngân hàng Phương Tây, Navibank.

Theo bản cáo bạch niêm yết công bố tháng 5-2010 vào thời điểm Navibank có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, ngân hàng có ba cổ đông lớn bao gồm Vinatex sở hữu 11%; Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (một doanh nghiệp liên quan đến ông Tâm) 10%; Gemadept 7%. Đối với cổ đông cá nhân, ông Tâm sở hữu 4.95%, vợ ông Tâm 4.8%, mẹ và anh ông Tâm mỗi người vài trăm ngàn cổ phiếu. Quan trọng có chi tiết bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc SaigonTel, và Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc, đại diện cho 9.97 triệu cổ phiếu, trong khi sở hữu cá nhân của bà là 21,000 cổ phiếu. Rất khó để biết chính xác liệu Kinh Bắc và SaigonTel có sở hữu cổ phiếu Navibank lúc đó vì tỷ lệ nắm giữ dưới 5% không phải công bố thông tin.

Đáng chú ý, tháng 10-2011 Navibank có công văn gửi HNX, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, theo đó đại hội đồng cổ đông thống nhất đăng ký bổ sung, giao dịch gần 45 triệu cổ phiếu không phân phối hết theo phương án phát hành đợt 2-2010. Số cổ phiếu này được các cổ đông khác mua như Công ty cổ phần

Đầu tư Sài Gòn - Huế 15 triệu đơn vị; Công ty cổ phần Dịch vụ Kinh Bắc 6 triệu; Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định 10 triệu và một nhà đầu tư cá nhân. Ba doanh nghiệp nói trên đều thuộc nhóm công ty ông Tâm.

Vinatex đã tìm cách thoái vốn dần khỏi Navibank. Gemadept vẫn giữ nguyên số cổ phiếu ban đầu, nhưng đã không tham gia các đợt phát hành sau, do đó tỷ lệ nắm giữ hiện giảm xuống 2.33%. Từ tháng 12 năm ngoái đến trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm nay, vợ ông Tâm đăng ký và đã bán hết cổ phần Navibank. Ông Tâm cũng bán bớt cổ phiếu và sau khi không còn là Thành viên Hội đồng quản trị Navibank, việc giao dịch cổ phiếu của ông không còn phải công bố thông tin. Phát biểu với báo giới, ông nói cá nhân ông không còn sở hữu cổ phiếu nào của ngân hàng.

Ở các thời điểm khác nhau, không chỉ một số công ty do ông Tâm trực tiếp lãnh đạo hay đứng tên sáng lập, mà cả những doanh nghiệp cháu chắt của những công ty của ông cũng sở hữu cổ phần tại Navibank. Mức nắm giữ thường dưới 5% nên không phải công bố thông tin.

Bán tài sản

Khách quan mà nói các công ty con, cháu chắt... của ông Tâm sở hữu những tài sản là bất động sản đã từng có giá trị lớn thời 2006-2007. Chỉ có điều bây giờ những tài sản ấy đóng băng, không thanh khoản, chuyển nhượng không dễ. Nhận thức rõ ảnh hưởng không thuận lợi đối với Navibank, nhóm công ty ông Tâm cố gắng trả nợ. Tuy nhiên cố gắng đôi khi không đi liền với khả năng, bởi ở một số doanh nghiệp mà ông là cổ đông lớn như SaigonTel (SGT-HOSE), Kinh Bắc (KBC-HOSE), Tân Tạo (ITA-HOSE), Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC-HNX)... dòng tiền thu về không như mong muốn. KBC đã lỗ năm quý liền. Lợi nhuận sau thuế ba quý gần nhất của ITA từ 1-2 tỷ đồng/quý. SGT đang âm vốn chủ sở hữu 336 tỷ đồng... (theo báo cáo tài chính quý của các doanh nghiệp này).

Các cổ đông liên quan đến ông Tâm đã và đang tiếp tục thoái vốn khỏi Navibank để trả nợ. Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định vừa đăng ký bán 16 triệu cổ phiếu Navibank, nhưng chưa bán được. Nguồn tin đáng tin cậy nói với TBKTSG, mấy tháng qua, tháng nào nhóm công ty ông Tâm cũng xoay xở trả cho Navibank vài chục tỉ đồng nợ gốc. Tháng trước họ vừa trả nợ hơn 80 tỷ đồng. Nếu Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định thoái hết gần 30 triệu cổ phiếu Navibank, ngay cả với thị giá ngày 25-10 là 6,700 đồng/cổ phiếu, họ cũng có hơn 200 tỷ đồng để trả nợ.

Khoản trái phiếu 1,700 tỷ đồng chưa đến ngày đáo hạn, nhưng nó thuộc diện phải trả trước hạn vì cho vay sai quy định. Dư nợ của các công ty liên quan đến ông Tâm bắt buộc phải giảm về bằng 25% vốn tự có của Navibank.

Trong các buổi làm việc với Navibank và Ngân hàng Nhà nước gần đây, ông Tâm đề nghị được gia hạn nợ đến cuối năm 2014. Hai năm qua ông không vay được đồng nào ở ngân hàng, nghĩa là nợ của các công ty của ông không thể luân chuyển, không thể tái cấu trúc như Văn bản 780 cho phép. Mục tiêu của dàn lãnh đạo mới ở Navibank là cân đối thu chi, làm sao để ngân hàng vẫn có lãi, khoảng 5-10 tỷ đồng/tháng, còn lại bao nhiêu trích dự phòng rủi ro. Ngân hàng cũng đang chuẩn bị bán nợ xấu choVAMC.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Danh sách các Công ty niêm yết đã nộp BCTC Q3/2013 (tính đến hết ngày 30/10/2013) (31/10/2013)

>   PDN thoái vốn tại công ty liên kết CTCP Dịch vụ Hàng hải Đồng Nai (31/10/2013)

>   TPP: Quý 3 công ty mẹ lãi ròng 1.8 tỷ đồng (31/10/2013)

>   PVC: Công ty mẹ bất ngờ báo lỗ quý 3 sau 22 quý có lãi (31/10/2013)

>   PVE: Lãi ròng công ty mẹ quý 3 gần 4 tỷ đồng (31/10/2013)

>   SMB: Báo cáo tài chính 9 tháng năm 2013 (UPCOM) (30/10/2013)

>   TLH: Lãi quý 3 hơn 5 tỷ đồng (30/10/2013)

>   SMC: BCTC VP, TH và HN Q3-2013 (30/10/2013)

>   SII: 15/11 họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 (30/10/2013)

>   BBC: 13/11 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 18% (30/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật