Bán tàu để trả nợ
Một số doanh nghiệp vận tải biển cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục bán bớt tàu để có tiền cân đối lại sản xuất kinh doanh.
Công ty Vận tải biển Vinaship (VNA) vừa có báo cáo giải trình ý kiến kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn của của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn đến 236 tỉ đồng.
Theo đó công ty sẽ bán một số tàu biển khai thác không hiệu quả đế bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để giảm bớt áp lực trả nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của công ty đang ở mức gần 356,8 tỉ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ hơn 120,4 tỉ đồng.
Trước đó, cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Công ty Vận tải Biển Bắc (NOS) cũng thông tin việc công ty này bán các tàu Long Biên, các đoàn sà lan tàu và trả lại tàu New Phoenix của Vinashinlines. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ tiếp tục bán một số tàu cao tuổi hoạt động không hiệu quả để cân đối lại sản xuất kinh doanh và tiếp tục chuyển nhượng một số dự án đầu tư kém hiệu quả. Theo dự kiến, tổng doanh thu của năm 2013 của công ty sẽ đạt gần 371 tỉ đồng, số lỗ dự kiến là 50 tỉ đồng.
Các đơn vị kinh doanh vận tải biển thua lỗ đều cho rằng năm 2012 và 2013 do khủng hoảng của kinh tế toàn cầu, ngành vận tải biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá cước vận tải biển giảm mạnh, nguồn hàng khan hiếm khiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển, giá cước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay không biến động mạnh, chỉ có một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, thủy sản bị giảm khá mạnh. Nhưng ngược lại, nguồn hàng từ các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ lại tăng.
Nguyên nhân các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục thua lỗ nặng nề dẫn đến phải bán tàu trong 2 năm nay là hệ quả của việc đầu tư dàn trải, “lấn sân” sang các lĩnh vực bất động sản, xây dựng cảng biển, kể cả mua bán lúa gạo, nông sản.
Phạm Thái
TBKTSG
|