Vụ cắt cáp FPT: ‘Việc cắt cáp là hợp pháp, chính đáng’
Chiều 11.9, liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là FPT) bị đối thủ cắt cáp, Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC (gọi tắt là CMC) đã có thông cáo báo chí gửi báo Thanh Niên phản hồi, làm rõ về việc cắt cáp của FPT.
* Viễn thông CMC cắt cáp đối thủ cạnh tranh FPT
CMC khẳng định việc cắt cáp FPT là phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công ty. Trong khi đó, FPT vẫn giữ quan điểm Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM nên tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Cáp FPT bị CMC cắt ở Khu công nghệ cao
|
CMC: Thông báo rồi mới cắt
Theo trình bày của CMC, năm 2010, CMC được Ban quản lý KCNC TP.HCM cấp giấy phép đầu tư dự án triển khai ngầm hóa hệ thống hạ tầng internet tại KCNC TP.HCM. Để đầu tư hệ thống cáp tại đây, CMC đã bỏ ra nhiều tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành hệ thống, từ năm 2010 đến hết năm 2012, CMC đã hỗ trợ các nhà cung cấp viễn thông sử dụng miễn phí dịch vụ hạ tầng mà không thu tiền. Đầu năm 2013, CMC bắt đầu có kế hoạch thu phí dịch vụ và đã gửi công văn đề nghị hợp tác tới các đơn vị cung cấp mạng viễn thông tại KCNC.
Cụ thể, đầu tháng 11.2012, CMC đã có công văn về việc đề nghị ký thỏa thuận hợp tác và cung cấp thông tin các tuyến cáp trong KCNC gửi cho Tập đoàn công nghệ Viettel, Công ty điện thoại Đông TP.HCM, Công ty cổ phần viễn thông FPT, Công ty TNHH MTV Viễn thông quốc tế FPT.
Theo đó, CMC đưa ra hai hình thức hợp tác giữa CMC và các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông ở KCNC.
Hình thức hợp tác thứ nhất, CMC sẽ cho thuê hạ tầng để doanh nghiệp viễn thông kết nối với doanh nghiệp ở KCNC. Phí lắp đặt ban đầu là 5 triệu đồng/một lần triển khai, cước phí hàng tháng là 1,17 triệu đồng/200 m cáp quang 2FO.
Ở hình thức thứ hai, CMC sẽ thu 20% doanh thu cước hàng tháng đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp cho đối tác trong KCNC.
Công văn nêu rõ chậm nhất là ngày 9.11.2012 sẽ hoàn thành việc ký kết thỏa thuận này.
Đến ngày 23.4.2013, CMC lại có thêm công văn “đốc thúc” việc hợp tác trên. Công văn nêu rõ: “Quý công ty vui lòng phản hồi lại trước ngày 10.5.2013. Sau thời điểm này nếu không nhận được thông tin, phía CMC sẽ tiến hành thủ tục đúng quy định để tháo dỡ kết nối vào hạ tầng của CMC. CMC sẽ không chịu trách nhiệm về việc gián đoạn thông tin của đơn vị do việc đấu nối thông qua hạ tầng của đơn vị CMC”.
Tuy nhiên, sau khi gửi công văn, trong khi các nhà mạng có hồi âm, chỉ riêng FPT không có phản hồi. Hiện tại, VNPT, Viettel và các đơn vị khác đều đã đạt được thỏa thuận với CMC, chỉ riêng FPT là chưa đạt được thỏa thuận với CMC.
“Nhân viên của CMC dỡ bỏ và cắt cáp FPT như vừa qua là việc làm chính đáng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của CMC. Việc FPT sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng mà không được sự đồng ý của CMC đã gây ra những thiệt hại về doanh thu cho CMC trong suốt thời gian qua”, công văn CMC khẳng định.
Phải thỏa thuận về giá thuê
Trong khi đó ông Đinh Quang Tuấn, Phó Ban chất lượng của FPT cho hay từ tước đến nay FPT chỉ nhận được văn bản của CMC yêu cầu thống kê hệ thống cáp ngầm. Tuy nhiên từ trước đến nay, hệ thống cáp của FPT sử dụng toàn là cáp nổi nên công ty không thống kê.
Theo ông Tuấn, chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng ở KCNC là điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên, KCNC không nên độc quyền cho bất cứ doanh nghiệp nào mà phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.
“Không phải FPT mà một số doanh nghiệp viễn thông cũng có phản hồi về việc cước phí thuê mà CMC đưa ra quá cao”, ông Tuấn nói.
Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 11.9, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban KCNC TP.HCM vẫn giữ quan điểm trong việc này là cả FPT và CMC đều sai. Tuy nhiên, cái sai của CMC xuất phát từ cái sai của FPT khi không được phép mà treo cáp tùm lum trong KCNC ảnh hưởng đến CMC.
“Về hướng xử lý, chúng tôi đã có công văn yêu cầu FPT gỡ cáp nổi trong KCNC. Tuần sau, chúng tôi sẽ họp doanh nghiệp liên quan để xử lý việc này”, bà Lê Bích Loan cho biết.
Về câu hỏi dự án hạ tầng trên có được đấu thầu hay không, bà Loan cho hay sau khi có kế hoạch được thông qua, Ban quan lý KCNC đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia để phù hợp với chủ trương xã hội hóa của thành phố.
“Có hai doanh nghiệp là VNPT và CMC tham gia thầu nhưng VNPT quá chậm về thủ tục nên cuối cùng CMC trúng thầu. Trong dự án này, việc đầu tư của CMC đang lỗ rất lớn. Nhưng vì là doanh nghiệp viễn thông mới nổi nên họ phải trúng và cố làm dự án này để giữ uy tín”, bà Loan nói.
Ông Đinh Quang Tuấn lại khẳng định FPT cung cấp dịch vụ viễn thông ở KCNC từ năm 2008 nhưng chưa khi nào FPT được kêu gọi đầu tư dự án này cả.
Thông tin Thanh Niên Online có được, trước khi sự cố này xảy ra, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có công văn đề nghị KCNC TP.HCM và CMC phải hiệp thương giá cả với doanh nghiệp. Trong trường hợp không thống nhất được giá thuê, cơ quan chức năng sẽ xem xét và đưa ra mức giá mới áp cho hai bên.
Giá phí CMC đưa ra quá cao
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu 2 (thuộc VNPT) cho hay mức phí mà CMC đưa ra quá cao. Doanh nghiệp nếu chấp nhận thuê sẽ không có lời mà còn bị lỗ. Bản thân VNPT đã nhiều lần phản ánh về mức phí của CMC.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Minh cho hay CMC không nên cắt cáp FPT bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng tới khách hàng thuê dịch vụ. Sâu xa hơn uy tín của KCNC TP.HCM sau vụ này cũng bị ảnh hưởng trong mắt nhà đầu tư.
“Mọi việc nên để thuận mua vừa bán. Nếu không giải quyết được nên để cơ quan nhà nước trung gian xử lý”, ông Minh nói.
|
Trung Hiếu
Thanh niên
|