Thứ Tư, 18/09/2013 07:06

Vào Myanmar thì dễ, trụ lại mới khó

Tiềm năng ở thị trường Indonesia là người tiêu dùng dùng 50% thu nhập để mua thực phẩm.

Tại hội thảo Làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia những kinh nghiệm thực tế ngày 17-9 tại TP.HCM, ông Võ Tấn Thành, Giám đốc VCCI TP.HCM, cho biết doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Myanmar với cường độ ồ ạt nhưng chỉ có bốn DN đặt nền móng thông qua các dự án đầu tư như Hoàng Anh Gia Lai là đang trụ vững. Do mở cửa nhanh nên giá cả ở Myanmar cũng tăng dần như giá đất tăng gấp ba lần, trước thuê nhà là 5.000 USD/năm, nay là 15.000 USD. Nếu bây giờ mới nhảy vào thì rất khó. Đã vậy, phí liên lạc còn cao như lắp đường dây điện thoại trong khu chế xuất mất 650 USD, cước điện thoại quốc tế, Internet đắt hơn 7-10 lần so với Việt Nam.

Đừng nản chí với Myanmar

Lý do chính khiến DN ồ ạt qua Myanmar nhưng quay lại nhiều và trụ vững ít có lẽ do nhìn thấy nhu cầu không lớn. Với gần 60 triệu người thu nhập thấp, sức mua thấp, cộng thêm khó khăn về thanh toán làm DN nản lòng, sợ bán xong không lấy được tiền...

Sản phẩm đem qua bán cần phải tương xứng với tốc độ phát triển và thị hiếu đang tăng dần của thị trường Myanmar hiện nay. Ảnh: TÚ UYÊN

Qua các năm 2011, 2012, 2013 đi khảo sát, xúc tiến tại Myanmar, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, rút ra ba điều: Lần đầu tiên đi thấy Myanmar cái gì kinh doanh cũng được, lần thứ hai thấy không thể làm được gì hết, lần ba thấy có thể làm được nhưng phải kiên trì. Người tiêu dùng Myanmar mong đợi sản phẩm Việt, họ không chuộng sản phẩm xuất xứ Trung Quốc. Nhưng cái khó với DN thực phẩm là hàng thực phẩm không khuyến khích nhập vào, ấn định áp thuế suất đến 25%.

“Do vậy, muốn kinh doanh ở thị trường Myanmar phải kiên trì đeo bám, đừng nghĩ đến lợi nhuận ngắn hạn mà nghĩ đến đầu tư kinh doanh trong tương lai. Để khi họ thay đổi cơ chế kinh doanh thì lúc đó DN đáp ứng được ngay, chần chừ bây giờ là không kịp. Cách đi quan trọng là luôn luôn liên kết với người Myanmar trước” - ông Mười nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bibica, DN nên xem xét sản phẩm đem qua phải tương xứng với tốc độ phát triển đang tăng dần của Myanmar, họ không còn như 20-30 năm trước nữa nên đừng đem sản phẩm không cấp thiết, bao bì không đẹp thì thị trường khó chấp nhận. Khi sang phải lựa chọn đối tác có thực lực, hiểu cách phối hợp xây dựng hệ thống. Nếu chọn không đúng đối tác thì khả năng phân phối kém, độ phủ hàng hóa chậm, hiệu ứng thị trường chậm theo. Việc thanh toán cực kỳ phức tạp, DN nên chọn đối tác có khả năng thanh toán là những công ty có thị trường ở Singapore, Thái Lan… để trao đổi dễ dàng. Việc am hiểu về luật rất quan trọng. Luật Myanmar khép kín nên phải thông qua người bản xứ hiểu các yêu cầu về thủ tục xuất nhập khẩu.

Đừng cạnh tranh giá ở Indonesia

Nên bán gì ở Indonesia, lợi thế của DN khi vào Indonesia như thế nào? Hàng thủy sản đông lạnh có khả năng thâm nhập hay không? Là các câu hỏi nhiều DN đặt ra đối với thị trường Indonesia tại hội thảo.

Ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc Điều hành Công ty Trương Đoàn, chia sẻ sau thời gian khảo sát cho thấy sản phẩm của DN Việt không nên cạnh tranh về giá tại đây. Để bán được hàng ở Indonesia, sản phẩm cần có tính độc đáo hơn sản phẩm cùng hoặc đi vào các ngách thị trường không phải cạnh tranh trực diện về thương hiệu. Ngoài ra, cần tận dụng giá nhân công, nguyên vật liệu rẻ hơn so với Việt Nam.

Cũng theo ông Nghĩa, qua khảo sát kênh bán lẻ hiện đại ở Indonesia cho thấy tiềm năng của mặt hàng thủy sản đông lạnh vì họ có thói quen ăn nhiều cá. Nhưng đặc biệt, DN Việt muốn bán hàng vào Indonesia cần xem logo, thương hiệu của mình có trùng lắp với DN cùng ngành Indonesia hay không. Vì trong chuyến khảo sát hồi cuối tháng 8 gần gần đây, DN Việt phát hiện một DN thủy hải sản đông lạnh chiếm thị phần lớn ở Indonesia rất giống với logo, thương hiệu của DN Việt. Đây là yếu tố cần lưu ý để tránh bị kiện.

Kinh nghiệm của các DN đi trước cho biết tiềm năng ở thị trường Indonesia là người tiêu dùng bình thường Indonesia dùng 50% thu nhập để mua thực phẩm, họ quan tâm đến giá cả hơn chất lượng bao bì. Đồng thời, họ ra quyết định mua hàng dựa trên những mặt hàng nào được quảng cáo nhiều, thích mua ở các cửa hàng tiện lợi hơn là chợ và đang bắt đầu chú ý nhiều hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu để thay thế cho các thương hiệu nội địa. Đây cũng là cơ hội cho các DN Việt.

Theo đại diện Công ty Thực phẩm Bích Chi, gần đây các nhà phân phối hàng bán lẻ của Indonesia bắt đầu chuyển sang lấy hàng Việt Nam nhiều, thay vì là hàng Trung Quốc như trước đây.

Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Sẽ không có "bữa đại tiệc" cho Việt Nam (18/09/2013)

>   Bộ Y tế giải trình về tình trạng loạn giá sữa (17/09/2013)

>   Doanh thu ngành viễn thông đạt 8,5 tỷ USD (17/09/2013)

>   Phá sản - Sự lựa chọn "tất yếu" các công ty tài chính thuộc tập đoàn Nhà nước? (17/09/2013)

>   Xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,5 tỷ USD (17/09/2013)

>   Kinh doanh gas: Nhiều DN phạm luật (17/09/2013)

>   Sẽ cắt giảm 14.000 lao động tại Tập đoàn Vinashin (17/09/2013)

>   Chế biến dăm gỗ ồ ạt, DN tranh mua nguyên liệu (17/09/2013)

>   Phân phối sản phẩm quốc gia được ưu đãi tín dụng (17/09/2013)

>   Thương lái tận mua tôm giá cao xuất sang Trung Quốc (17/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật