Thứ Sáu, 27/09/2013 07:59

Tiếp tục tranh luận về quản lý thị trường vàng

Chính sách quản lý thị trường vàng là nội dung khá dày tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, khi có tới ba tham luận. Có những quan điểm khác nhau từ các chuyên gia, và Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những lý lẽ của mình.

* Nóng tranh luận về quản lý thị trường vàng

* Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”

* Ông Vũ Viết Ngoạn: 'Kinh tế Việt Nam đã hạ cánh cứng'

Tại diễn đàn, chủ đề về vàng trở nên nóng với quan điểm của TS. Ngô Trí Long. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra phản biện bởi lo ngại “một số lập luận của tác giả đi ngược với chủ trương của Chính phủ về quản lý thị trường vàng”.

“Độc quyền là biện pháp quan trọng”

Trong tham luận, TS. Ngô Trí Long viết: “Ngân hàng Nhà nước thâu tóm quyền quản lý, kiểm soát thị trường vàng về mình như tuyên bố vàng SJC trở thành nhãn hiệu vàng miếng độc quyền do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, nên các loại vàng miếng khác sẽ hoán chuyển sang vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền cung ứng vàng ra thị trường”.

Ở nội dung trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, “tác giả đi ngược với chủ trương của Chính phủ giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24)”.

Và các quy định tại Nghị định 24 được dẫn: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại nghị định này”; “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”…

Về tính chất độc quyền trên, Ngân hàng Nhà nước kết luận: “Quy định tại Nghị định 24 về việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường đảm bảo chất lượng vàng miếng cho người dân và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như góp phần chống nhập lậu vàng, đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô”.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng, theo quy định tại Nghị định 24, kể từ ngày 25/5/2012 không một tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng dưới bất kỳ thương hiệu nào (kể cả Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC); Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và giao Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng và quyết định phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ.

Cho rằng đó là trách nhiệm Nhà nước giao, Ngân hàng Nhà nước quyết định lựa chọn phương thức sản xuất vàng miếng là thuê gia công và giao công ty SJC gia công vàng miếng cho mình. Ngày 26/2/2013, Ngân hàng Nhà nước và công ty SJC đã ký kết hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC của công ty SJC để sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

“Như vậy, về mặt pháp lý, việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC và lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn đúng quy định pháp luật”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Cơ quan này cũng khẳng định thêm, qua thời gian triển khai thực hiện, việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước đã đạt mục tiêu đề ra: đúng pháp luật; phù hợp với thực tiễn; tiết kiệm chi phí cho xã hội, Nhà nước và người dân.

Theo đó, Nhà nước đã sản xuất được ngay lượng vàng miếng cần thiết phục vụ cho nhu cầu thị trường với thời gian ngắn và chi phí thấp hơn nhiều so với việc Nhà nước tự sản xuất vàng miếng. Thứ hai, tiết kiệm được chi phí lớn cho xã hội vì không làm phát sinh nhu cầu chuyển đổi phần lớn lượng vàng miếng trên thị trường sang vàng miếng thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước tự sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình. Thứ ba, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu nhập lậu, qua đó góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc lựa chọn công ty SJC sản xuất vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước không tạo ra độc quyền doanh nghiệp cho công ty SJC, vì từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, mà chỉ gia công vàng miếng theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước và chỉ còn được kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, tất cả số vàng miếng nhãn mác khác được phép sản xuất trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (ngày 25/5/2012) vẫn được phép lưu hành bình thường.

Tự do hóa xuất nhập khẩu?

Trở lại với tham luận của TS. Ngô Trí Long, ông có một khuyến nghị đáng chú ý: “Để thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường thế giới, phải có biện pháp loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng các giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách thuế như các nước khác trên thế giới”.

Ngân hàng Nhà nước phản biện rằng, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, nên để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới, thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.

Mà để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới, thì phải cho phép doanh nghiệp và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt Nam.

“Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế)”, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Và Ngân hàng Nhà nước đưa ra tình huống, để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc (i) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc (ii) không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện).

Khi đó, trong trường hợp (i): mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối.

Trong trường hợp (ii) mặc dù được xuất nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên do hoạt động xuất nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới.

Liên quan đến sự liên thông giá và hoạt động của các sàn vàng, cũng tại diễn đàn trên, trong một tham luận khác, TS. Nguyễn Minh Phong dẫn lại một thời kỳ để tham khảo cho bối cảnh thị trường vàng hiện nay.

Cụ thể, sàn vàng ảo hay kinh doanh vàng tài khoản, sàn vàng đã một thời nở rộ tại Việt Nam và trở nên phức tạp trong các năm 2008 - 2009 với hơn 20 sàn giao dịch trước khi Chính phủ ban hành lệnh cấm vào cuối năm 2009.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, thời điểm đó, các sàn vàng hoạt động rầm rộ, cho phép các nhà đầu tư kinh doanh vàng qua tài khoản trực tiếp với thị trường quốc tế. Sàn vàng đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị: doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngân hàng, thậm chí tổ chức không có chức năng kinh doanh vàng…, lôi kéo vàng chục ngàn nhà đầu tư tham giá đã tạo nên một cơn sốt vàng ảo; kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định trên thị trường vàng, ngoại hối và tiền tệ.

“Đối với rất nhiều nhà đầu tư, sau một thời gian tham gia đầu tư vàng ảo, cụ thể hơn là kinh doanh vàng trên tài khoản đã chuốc lấy thất bại, thua lỗ. Trong khi đó, đối với không ít doanh nghiệp và tổ chức tài chính dù ở góc độ người tổ chức kinh doanh hay trực tiếp đầu tư thì cũng gánh chịu nhiều thiệt hại trước biến động của giá vàng thế giới. Đã có những ngân hàng công bố con số thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vì vàng”, tham luận của TS. Phong điểm lại.

Ngoài ra, sàn vàng đã kéo theo các công cụ hỗ trợ như đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư, hoạt động mua bán vàng liên tục với nước ngoài thông qua tài khoản để cân bằng trạng thái, mua bán khống, mua bán kỳ hạn… được thực hiện dưới nhiều hình thức và biến tướng, gây ra rủi ro tiền ẩn cho các tổ chức tài chính và bất ổn vĩ mô. Thậm chí đã nảy sinh nhiều tranh chấp, kiện cáo về những sự cố, rủi ro khi tham gia sàn vàng.

Khi rà soát lại, cơ quan quản lý cho biết kinh doanh sàn vàng là một hoạt động chưa có các quy định quản lý, và những bất lợi của hoạt động này gây ra, khiến sàn vàng đã bị cấm hoạt động. Mọi hoạt động đầu tư vàng ảo chấm dứt.

“Đến nay, mọi hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản của mọi các nhân, tổ chức đều bị cấm, tài khoản mua bán vàng phục vụ xuất nhập khẩu của các ngân hàng cũng chấm dứt. Tuy vậy, trên thực tế, kinh doanh vàng ảo chui vẫn còn rơi rớt. Có không ít tổ chức dùng nhiều hình thức biến tướng để tiếp tục kinh doanh sàn vàng. Tất nhiên, với hoạt động phi pháp thì luôn tiềm ẩn rủi ro và thua thiệt luôn đứng về phía người đầu tư”, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Trong khi đó, được biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã trù tính về khả năng thành lập một sàn vàng quốc gia với các công cụ phái sinh, cũng như xây dựng đề án huy động sức vàng trong dân. Tuy nhiên, đó là một kế hoạch dài hạn, còn trước mắt vẫn là tập trung để chuyển một thị trường vàng gần như tự do trước đây sang một thị trường có quản lý và kiểm soát.

Minh Đức

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Nóng tranh luận về quản lý thị trường vàng (27/09/2013)

>   Vẫn chờ được nhập vàng nguyên liệu (26/09/2013)

>   GS Đặng Hùng Võ: 'Gỡ khó cho bất động sản bằng 400 tấn vàng' (26/09/2013)

>   Khối lượng đấu thầu vàng giảm còn 15.000 lượng (26/09/2013)

>   Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối: "Giá vàng đấu thầu cạnh tranh nên ngăn ngừa được đầu cơ” (26/09/2013)

>   Vàng độc quyền - Vì ai? (26/09/2013)

>   Đảo chiều, vàng SJC trở lại ngưỡng 37,6 triệu đồng (26/09/2013)

>   Vàng bật tăng gần 20 USD/oz lần đầu trong 4 phiên (26/09/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước lý giải điểm đến của gần 60 tấn vàng (25/09/2013)

>   Phiên đấu thầu thứ 61: Dư 200 lượng vàng (25/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật