Thứ Hai, 23/09/2013 08:56

Thu ngân sách có nguy cơ "vỡ trận"

Ngay từ những tháng đầu năm, thu ngân sách đã là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Tình hình kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh kém, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể là nguyên nhân chính làm giảm nguồn thu ngân sách. Thậm chí có không ít doanh nghiệp lớn của các ngành kinh tế trọng điểm xin gia hạn, miễn giảm thuế như Vietsopetro, Viettel...

Dự báo thu ngân sách đến cuối năm khó đạt kế hoạch

Ông lớn đua nhau xin miễn giảm

Tại các báo cáo cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, số DN chịu nhiều tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên thực tế thì khó khăn cũng không tha các DN lớn, thậm chí cả những DN đầu ngành.

Tháng 6.2013, ôtô Trường Hải gửi văn bản đề nghị gia hạn chậm nộp 1.200 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm với lý do nợ lớn, tồn kho cao, triển vọng thị trường kém sáng sủa. Đề xuất của Trường Hải đã được Chính phủ chấp thuận.

Sau đó 6 DN khác đang hoạt động trong lĩnh vực ôtô cũng gửi kiến nghị xin giảm, gia hạn thuế với lý do tương tự. Nếu như DN ôtô chỉ xin gia hạn nộp 1 năm thì ngành than thậm chí còn được giảm thuế xuất khẩu từ 13% xuống trở lại 10%.

Theo Vinacomin từ tháng 7.2013 sản lượng khai thác và xuất bán đã giảm dần chỉ còn từ 2,1 - 2,7 triệu tấn/tháng so với mức trung bình 4 triệu tấn/tháng của 6 tháng đầu năm.

Ôtô do cầu thị trường trong nước yếu, than khó xuất khẩu do thuế xuất điều chỉnh tăng, giá bán không cạnh tranh, còn với “ông lớn” dầu khí Liên doanh Vietsopetro là “không còn khoản tiền nào để ứng trước cho việc nộp ngay thuế xuất khẩu dầu thô”.

Giải thích cho nguyên nhân hết tiền nộp thuế thông quan, Vietsopetro cho biết, liên doanh để lại 35% khối lượng dầu thô khai thác được để trang trải chi phí cho hoạt động, đồng thời ủy thác trọn gói qua PVOil với thù lao 0,9USD/tấn để xuất khẩu. Do vậy, liên doanh này đề xuất tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế như "cũ", tức là nộp thuế xuất khẩu chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày làm xong thủ tục hải quan thay vì nộp trước khi thông quan!

Không thiếu tiền nhưng “hậm hực” với chính sách “bên trọng, bên khinh”, Viettel cũng gửi văn bản xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động. Bởi theo Viettel, các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng được miễn thuế nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ, “điển hình như Cty Samsung Electronics Vietnam”. Dường như cái khó thị trường đã thực sự bó cái khôn của mọi DN, từ lớn đến nhỏ!

Thu hụt hơi, chi tăng đều

Báo cáo thường kỳ tháng 8 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 50.100 tỉ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8.2013, tổng thu NSNN ước đạt 484.820 tỉ đồng, bằng 59,4% dự toán. Thu nội địa đóng góp tỉ trọng lớn nhất vào tổng thu NSNN đạt 317.740 tỉ đồng, bằng 58,2% dự toán cả năm.

Tuy nhiên có tới 40/63 địa phương chưa đạt tiến độ thu theo yêu cầu, trong đó có các trọng điểm thu như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Trong khi đó chi ngân sách 8 tháng đầu năm ước 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Bội chi 8 tháng khoảng 119.850 tỉ đồng, bằng 73,9% kế hoạch bội chi cả năm.

Năm 2012 được đánh giá là năm thu ngân sách đã rất khó khăn nhưng so sánh tình hình thu ngân sách năm 2013 cam go hơn nhiều. Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu thu ngân sách 740.500 tỉ đồng và kết thúc năm ngành tài chính đã thu được 741.500 tỉ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu, riêng trong 2 tháng cuối, ngân sách thu về hơn 176 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 1/4 tổng thu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên với tình hình của năm 2013, khả năng để tăng tốc thu ngân sách trong 4 tháng cuối năm là thấp. Hơn nữa chỉ tiêu thu ngân sách 2013 được Quốc hội thông qua tăng 10% so với năm 2012, là 816.000 tỉ đồng. Thách thức hoàn thành mục tiêu cân đối thu chi ngân sách đối với ngành tài chính rất lớn.

Nghị quyết tháng 8 của Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh tỉ lệ bội chi ngân sách “ở mức hợp lý” để báo cáo Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu chính phủ so với tổng mức đã được phê duyệt cho giai đoạn 2011-2015. Dù được Quốc hội thông qua hay không thì đề xuất này của Chính phủ cũng cho thấy khả năng thu ngân sách 2014 còn nhiều khó khăn và tiếp tục thử thách ngành tài chính.

Lê Tuấn

Lao Động

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu nợ thuế (23/09/2013)

>   Triệt để tiết kiệm trong sử dụng Ngân sách nhà nước (22/09/2013)

>   Doanh nghiệp chây ì nợ thuế, sướng hơn nợ ngân hàng (22/09/2013)

>   Đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của DN nợ thuế (21/09/2013)

>   “Nâng trần bội chi để trả nợ các công trình dang dở” (20/09/2013)

>   Đằng sau việc nợ thuế (19/09/2013)

>   Vẫn lo lắng về phương pháp chống chuyển giá APA (19/09/2013)

>   Gỡ khó bài toán “hụt” thu ngân sách Thủ đô 2013 (18/09/2013)

>   Nhờ Bộ Công an xử lý doanh nghiệp nợ thuế (18/09/2013)

>   VSA cảnh báo về áp thuế lên thép nhập khẩu (18/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật