Thị trường thứ cấp trái phiếu trong tháng 9 sẽ tiếp tục ảm đạm
Theo CTCK Vietcombank (VCBS), diến biến giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp trong tháng 9 sẽ tiếp tục ảm đạm do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi khối lượng trái phiếu và tín phiếu đáo hạn không đáng kể, các tổ chức tín dụng không có nhiều động lực để bán ra trái phiếu trong thời điểm này khi mà tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 8.
Thị trường sơ cấp sôi động hơn. Lãi suất trúng thầu TPCP kì hạn ngắn tăng mạnh.
Trong tháng 8, thị trường sơ cấp ghi nhận sự phục hồi từ nhịp chững của tháng 7 khi có tới 6,775 tỷ đồng trái phiếu được đấu thầu thành công, tăng 127%, bao gồm TPCP, trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam và trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Cụ thể, trái phiếu Kho bạc chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương 84% trong khi trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng Chính sách Xã hội đóng góp tương ứng 10% và 6%. Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Kho bạc tăng khá, từ mức 11% của tháng 7 lên 47% trong tháng 8. Nhà đầu tư tiếp tục hướng sự quan tâm đến trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và 3 năm, thể hiện qua khối lượng dự thầu cao, đạt 24,660 tỷ, tương đương tỷ lệ đặt thầu ở mức 2.46 và số lượng thành viên dự thầu lớn, dao động trong khoảng 7-25 tổ chức mỗi phiên đấu thầu.
Ở chiều ngược lại, trái phiếu 5 năm không được chú ý nhiều, các phiên đấu thầu cho kỳ hạn này đều thất bại. Đáng chú ý, 1,000 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã được huy động thành công trong tuần cuối tháng 8.
Về lãi suất trúng thầu, lãi suất tiếp tục đà đi lên. Cụ thể, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 2 năm và 3 năm tăng lên các mức tương ứng 7.3% và 7.7% từ mức 7.28% và 7% trong tháng 7. Trong khi lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 8.9%.
Đà tăng, theo quan điểm của VCBS, phù hợp với sự gia tốc của CPI khi chỉ số này tăng 0.83% trong tháng 8, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2013. VCBS cho rằng rất khó có khả năng đảo chiều giảm xuống của lãi suất theo như tương quan cung-cầu ở thời điểm hiện tại.
Thị trường thứ cấp tiếp tục ảm đạm. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng.
Diễn biến ảm đạm tiếp tục được duy trì trên thị trường thứ cấp với tổng giá trị giao dịch giảm xuống còn 34,927 tỷ đồng do giao dịch tín phiếu tăng nhẹ trong khi giao dịch trái phiếu sụt giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng trái phiếu được giao dịch giảm 7.02% xuống 32,951 tỷ đồng trong khi khối lượng tín phiếu tăng lên 1,976 tỷ đồng trong tháng 8, gấp 3 lần con số này của tháng 7 là 445 tỷ đồng.
Ở giao dịch trái phiếu, giá trị giao dịch giao ngay giảm xuống còn 21,689 tỷ đồng trong tháng 8, trong khi giá trị giao dịch repo tăng lên 11,262 tỷ đồng. Trái phiếu Kho bạc Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 87% trong giao dịch giao ngay và 13% còn lại thuộc về trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngoài ra, 75.5% trong tổng giá trị giao dịch giao ngay là của trái phiếu kỳ hạn 3 năm, 18.5% là của trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm và 6% còn lại là các kỳ hạn trên 7 năm.
Theo quan điểm của VCBS diễn biến giao dịch ảm đạm trên thị trường thứ cấp sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng tới do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi khối lượng trái phiếu và tín phiếu đáo hạn không đáng kể trong tháng 9, các tổ chức tín dụng không có nhiều động lực để bán ra trái phiếu trong thời điểm này khi mà tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 8.
Lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng lên trong khi lợi suất trái phiếu của các kỳ hạn dài hơn giảm xuống dẫn đến đường cong lợi suất có xu hướng thoải hơn
|
Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính đến cuối tháng 8, lợi suất trái phiếu tăng giảm trái chiều đối với trái phiếu kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Còn theo VCBS, mức lợi suất cho kỳ hạn ngắn sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới trong bối cảnh CPI tháng 9 có thể tiếp tục tăng, nhưng mức tăng không cao hơn cùng kỳ năm 2012 và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. Bên cạnh đó, độ dốc của đường cong lợi suất sẽ tiếp tục được duy trì.
Sau khi mở vị thế mua trong tuần thứ 3 của tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài quay lại vị thế bán trong tuần cuối tháng khiến tổng giá trị mua ròng đạt 1,269.91 tỷ đồng, giảm 71.5% so với tháng trước. Trong tháng 8, VCBS cho rằng: động thái bán trở lại của khối ngoại không khó để lý giải, xuất phát từ động lực hiện thực hóa lợi nhuận sau khi đã mua vào đáng kể trong những tháng đầu năm. Tóm lại, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm từ tháng 6 đến nay.
Duy Hoàng
Infonet
|